Tết nguyên đán
Là tiết lễ đầu tiên của năm bắt đầu từ lúc giao thừa tới lễ trừ tịch.
Nguyên là bắt đầu. Đán là buổi sớm mai. Tết Nguyên Đán tức là tết bắt đầu năm, mở đầu cho một năm mới với tất cả các cảnh vật đều mới mẻ đón Xuân sang.
Năm mới đến, những sự mau mắt mới cũng đến, và bao nhiêu những điều đen tối, không may mắn của năm cũ đều theo năm cũ mà hết.
Theo sử Trung Quốc, âm lịch có từ đời nhà Hạ và lấy tên 12 chi đặt cho 12 tháng.
Tháng Dần là tháng Giêng được chọn làm tháng đầu năm và người ta ăn tết Nguyên Đán vào đầu tháng Dần. Về sau đến đời nhà Ân, có thay đổi, lấy tháng Sửu làm tháng đầu năm, rồi đến đời nhà Chu sửa lại lất tháng Tý. Sang đến đời nhà Tần, Tần Thủy Hoàng lại sửa nữa, lấy tháng Hợi, nhưng đến đời vua Hán Vũ Đế, đầu năm lại bắt đầu từ tháng Dần như đời nhà Hạ, và từ đó không có sự thay đổi nữa.
Thật ra, Tết Nguyên Đán bắt đầu vào tháng Dần là rất phải, vì lúc đó mùa Đông vừa qua, tiết lạnh vừa hết, ngày xuân ấm áp tới, hoa cỏ đua tươi, khiến con người cũng hầu như biến đổi cả tâm hồn sau một năm làm ăn vất vả.
Người người vui vẻ đón mùa xuân mới, lòng chứa chan hy vọng ở những sự hy vọng mớị Ai cũng vui, nên không ai bảo ai, gặp nhau người ta đều cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh.
GIAO THỪA
Tết Nguyên Đán bắt đầu từ lúc Giao Thừa. Lễ trời đất có khởi thủy phải có lễ tận cùng, một năm đã bắt đầu ắt phải có hết, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại hết vào lúc giao thừa.
Giao thừa là gì? Theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới tiếp lấy. Chính vì ý nghĩa ấy nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ mới này , có lễ Trừ Tịch.
LỄ TRỪ TỊCH
Trừ Tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ qua năm mới, giữa giờ Hợi ngày 30 hoặc nếu tháng thiếu, thì ngày 29 tháng chạp năm trước và giờ Tý ngày mồng một tháng giêng năm sau.
Vào lúc này, dân chúng Việt Nam tuân theo cổ lệ có làm lễ trừ tịch.
Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ đi hết những điều xấu dở, cũ kỹ của năm sắp qua để đón mừng cái mới mẻ, tốt đẹp của năm mới sắp tới.
Lễ trừ tịch theo người Tàu, còn là một lễ khu trừ ma quỷ. Tục Tàu xưa vào ngày trừ tịch, tức là ngày 30 Tết có dùng 120 trẻ con trạc 9, 10 tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống, vừa đi đường vừa đánh để "khu từ ma quỷ", do đó có từ "Trừ Tịch"
Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên lễ này còn mang tên là Lễ Giao Thừa.
CÚNG AI TRONG LỄ GIAO THỪA ?
Phan Kế Bính trong Việt Nam Phong Tục viết: "Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới"
Cúng Tế cốt ở tâm thành, và lễ cúng vào giữa nửa đêm nên đượm vẻ thần bí trang nghiêm. Cựu Vương Hành Khiển bàn giao co6ng việc cho Tân Vương thay sứ Ngọc Hoàng để coi sóc nhân gian trong một năm cho đến giờ phút giao thừa năm saụ
Lễ Trừ Tịch bao hàm một ý nghĩa trọng đại, Tống Cự Nghinh Tân, nên lễ được cử hành rất trịnh trọng từ tư gia tới các đình chùạ Những năm về trước trong giờ phút này, chuông trống đánh vang, pháo nổ luôn không ngớt, truyền từ nhà này sang nhà khác, khắp kẻ chợ, nhà quê.
SỬA LỄ GIAO THỪA
Bàn thờ giao thừa thiết lập ở giữa trời.
Một chiếc hương án được kê ra, trên hương án có đỉnh trầm hương hoặc bình hương thắp tỏa khói nghi ngút. Hai bên đỉnh trầm hương có hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm chiếc thủ con lợn hoặc con gà, bánh trưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm cổ mũ của vị Đại Vương Hành Khiển. Lễ quý hồ thành, bất quý hồ đa, nhưng dù nhiều ít, lễ vật bao giờ cũng phải gồm có vàng hương, vàng lá hay vàng thoi tùy tục địa phương, và nhất là không quên được rượu, vì vô tửu bất thành lễ.
Lễ vật được trần thiết trên hương án trước giờ trừ tịch.
LỄ CÚNG THỔ CÔNG
Sau khi cúng giao thừa xong, các gia chủ cũng khấn thổ công, tức là vị thần cai quản trong nhà, thường được gọi là "Đệ Nhất Gia Chi Chủ". Lễ vật cũng tương tự như lễ vật cúng giao thừa nghĩa là gồm trầu rượu, nước, đèn nhang, vàng bạc, hoa quả cùng các thực phẩm: xôi, gà, bánh, mứt v.v ...
MẤY TỤC LỆ TRONG ĐÊM TRỪ TỊCH
Bắt đầu lúc lễ giao thừa là năm cũ đã hết và bước sang năm mới. Kể từ giờ phút này là giờ phút của tết Nguyên Đán.
Theo người xưa, trong đêm giao thừa, sau khi làm lễ giao thừa xong, ta có những tục riêng, mà cho tới ngày nay, từ thôn quê tới thành thị. vẫn còn nhiều người tôn trọng thực hiện.
LỄ CHÙA, ĐÌNH ĐỀN
Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa miếu, điện để cầu phúc cầu may, để xin Phật , Thần phù hộ độ trì cho bản thân và chi gia đình. Và nhân dịp, người ta thường xin quẻ đầu năm.
KÉN HƯỚNG XUẤT HÀNH
Khi đi lễn, người ta kén giờ và kén hướng xuất hành, đi đúng hướng, đúng giờ để gặp may mắn quanh năm.
Ngày nay ở nông thôn, đi lễ là người ta đi, ít người kén giờ và kén hướng. Các đền chùa, trong đêm trừ tịch luôn luôn có thiện nam tín nữ tới lễ bái, có nơi rất đông phảI chen chúc nhau.
HÁI LỘC
Đi lễ chùa, đình, miếu, điện xong, lúc trở về người ta có tục hái một cành cây mang về ngụ ý là lộc của Trời đất Thần Phật ban cho, trước cửa đình, cửa đền thường có những cây đa, cây đề, cây si cổ thụ cành lá xùm xòa, khách đu lễ mỗi người bẻ một nhánh, gọi là cành lộc. Cành lộc này mang về nhà người ta cắm trước bài thờ cho tới khi tàn khô.
Với tin tưởng hái lộc trong đêm giao thừa sẽ mang lại may mắn quanh năm, xưa kia người dân Việt trong buổi xuất hành đầu tiên bao giờ cũng hái lộc. Cành lộc tượng trưng cho tốt lành may mắn. Tục hái lộc là một tục tốt đẹp. Ngày nay có nhiều người khi đi lễ trong đêm trừ tịch, vác cả dao búa đi đẵn cây trong vòng các đền, đình, chùa, miếu, thật ra, người ta đã biến tục lệ tốt đẹp trên thành một tai họa cho các nơi thờ tự vậy.
Về tục "xuất hành" cũng như tục "hái lộc" có nhiều người không đi trong đêm giao thừa, mà họ hén ngày tốt, giờ tốt trong mấy ngày đầu năm và đi đúng theo hướng chỉ dẫn trong các cuốn lịch đầu năm để có thể được một năm hoàn toàn may mắn.
HƯỚNG LỘC
Có nhiều người trong lúc xuất hành đi lễ thay vì hái lộc các cành cây, lại xin lộc tại các đình, đền, chùa miếu, bằng cách đốt một nắm hương hoặc một câu hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về nhà cắm tại bàn thờ tổ tiên hoặc bàn thờ thổ công tại nhà.
Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt. Lấy lửa từ các nơi thờ phụng mang về, tức là xin Phật, Thánh phù hộ cho được phát đạt, tốt lộc quanh năm.
Trong những lúc mang hương tới nơi thờ tự trở về nhỉu khi gặp gió, nắm hương bốc cháy, người ta tin đó là một điềm tốt báo trước sự may mắn quanh năm.
Thường, những người làm ăn buôn bán hay xin lộc tại các nơi thờ tư..
XÔNG NHÀ
Thường cúng ở giao thừa xong, người gia chủ mới đi lễ đền chùa. Gia đình có nhiều người, thường người ta kén một người "dễ vía" ra đi từ lúc chưa đúng giờ trừ tịch, rồi khi lễ trừ tịch tới thì dự lễ tại đình chùa hoặc thôn xóm, sau đó xin hương lộc hoặc hái cành về.
Lúc trở về đã sang năm mới, người này đã tự xông nhà cho gia đình mình, mang sự tô"t đẹp quanh năm về cho gia đình theo quan điểm của ông bà xưa.
Đi xông nhà như vậy tránh được sự phải nhờ một người tốt vía khác đến xông nhà cho mình.
Nếu không có người nhà dễ vía để xông nhà lấy, người ta phải nhờ một người khác trong thân bằng cố hữu tốt vía để sớm ngày mồng một tết đến xông nhà, trước khi có khách tới chúc tết, để người này đem sự dễ dãi may mắn lại.
TỤC LỆ VỀ TẾT NGUYÊN ĐÁN
Ở trên mới nói về trừ tịch và mấy tục lệ trong đêm giao thừa. Thực ra với ngày Tết Nguyên Đán dân ta có những tục lệ trước và sau ngày trừ tịch.
Người dân Việt Thuần túy rất tha thiết với tết, nhất là ở nông thôn. Quanh năm vất vả, Tết mới là dịp nghỉ ngơị Bao nhiêu lo nghĩ, người ta gác qua một bên để hưởng thụ Xuân cho đầy đủ. Cảnh Xuân muôn hồng ngàn tía, pháo Xuân rền nổ rắc hồng trên ngõ. Nhất là ở miền Trung và miền Bắc, thâm mưa Xuân phơi phới, thử hỏi ai là người không xúc cảm trước cảnh Xuân, trước mầu Tết.
Người ta đón lết một cách nồng nàn, người ta đợi tết một cách trịnh trọng, người ta vui tết một cách náo nhiệt hân hoan. Từ ngàn xưa, những tục lệ về tết làm cho tết thêm ý nghĩa và cùng một phần nào tăng niềm vui phấn khởi cho con người lúc Xuân sang.
SỬA SOẠN NGÀY TẾT
Tết Nguyên Đán bắt đầu từ mồng một tháng Giêng, nhưng thực sự, người ta sửa soạn tết ngay từ đầu tháng chạp. Nhà nhà lo mua gạo nếp, đậu xanh để gói bánh chưng. Rồi lại lo vài vại dưa hành, củ kiệụ Nhân sẵn, mua vài con gà thả trong vườn để rủ nhau đụng độ trong vài ngày tết.
Chưa hết, người ta còn sắm sẵn vàng hương dùng để cúng ở trong nhà, mua sẵn những bánh mứt hoa quả, phần thì để nhà dùng, phần thì để biếu tết.
Người ta cùng lo tới bộ quần áo ngày Tết. Nhất là đối với các cô gái mới lớn, ngày Xuân là dịp các cô chưng diện để dân làng nhìn vào, có cậu nào vừa mắt muốn "dương cung bắn sẻ"
TRANG HOÀNG NHÀ CỬA
Tết là bắt đầu cho một năm. Người ta phải đón Xuân trong một khung cảnh sáng sủa, sạch sẻ và đẹp đẽ. Do đó, trước ngày Tết, nhà nào cũng lau quét cửa nhà, trang hoàng trong nhà cho xứng với năm mới.
Con cháu lau chùi lại các đồ thờ. Bàn thờ được cắm thêm hoạ Các y môn được đe, giặt lại hoặc thay thế.
Trên tường, ngoài cổng nhà còn được dán các tranh tết, tranh đàn gà mẹ con, tranh lý như vọng nguyệt, tranh hứng dừa, tranh thầy đồ cóc , đám cưới chuột, tranh tiến tài, tiến lộc, tranh gà gáy sáng v.v ...
Nhà nào cũng có ít nhất là 1, 2 chậu hoa cúc vàng, không thì mai tứ quý hoặc đào tươi.
Từ trong nhà đến ngoài cửa, chổ nào trông cũng như mới, thật ăn khớp với cảnh tưng bừng của mùa Xuân với mưa phùn lấm tấm với lời chúc tụng nhau tốt đẹp trong ngày tết.
GỬI TẾT
Hàng năm, gần ngày tết đến, nghĩ tới tổ tiên, con cháu, những người ở riêng hoặc các ngành thứ, đều phải gởi tết tới nhà trưởng, tức là người có trách nhiệm giữ giỗ Tết các bậc dã qua đời. Gửi tết tức là đe, đồ lễ đến nhà gia trưởng để người gia trưởng cúng tổ tiên trong dịp tết.
BIẾU TẾT
Cùng với việc gởi tết tới nhà trưởng, người ta cũng nghĩ tới việc biếu tết. Đây là dịp người ta trả ơi những người đã có công với mình như: Học trò biếu tết thầy cô. Con bệnh biếu tết ông Lang. Bạn bè biếu tết lẫn nhau. Kẻ dưới biếu bề trên v.v ...
BỮA TIỆC TẤT NIÊN
Các bạn hàng buôn bán với nhau thành phường, những công chức cùng làm tại một dinh, một sở, nhân ngày tết đến đều có bửa tiệc tất niên để cùng nhau họp mặt trước khi chia tay về ăn tết.
Các bạn hàng trong buổi tất niên này có sửa lễ cúng thành sư rồi cùng nhau ăn uống.
Các công chức nơi công sở lấy bữa tiệc tất niên để cùng vui và nhân đó chúc Tết nhau trước rồi ai nấy về quê ăn tết.
BUỔI HỌC TẤT NHIÊN
Tại các lớp học, có buổi học tất niên. Nhân buổi học này, học trò chúc Tết thầy cô, và thầy gởi chúc tết tới bố mẹ học sinh và cùng nhau chúc cả học sinh một cái tết vui vẻ.
PHIÊN CHỢ TRẺ CON VÀ PHIÊN CHỢ TẾT
Đây là phiên chợ họp sau phiên chợ cuối của năm, thường vào ngày 28 hoặc 29 tháng Chạp. Gọi là phiên chợ "Trẻ Con", vì dân quê, trong phiên chợ này Bố Mẹ thường cho con trẻ tiền để đi sắm tết. Tức là đi mua tranh, mua đồ chơi tết.
Cần phân biệt phiên chợ trẻ với phiên chợ tết. Phiên chợ Tết là phiên chợ cuối cùng của năm. Tùy theo từng chợ họp từ ngày 26 tới 30 tháng Chạp.
Trong phiên chợ Tết, người bán hàng muốn bán hết hàng, nhất là trong những phiên chợ vào mấy ngày 29 hay 30 tết. Các ông đồ, nhân dịp phiên chợ tết cũng đem bán chữ. Người ta nhờ các ông viết cho những đôi câu đối, những bức đại tự v.v ...
THĂM MỘ GIA TIÊN
Vào những ngày tết, tuy vui Xuân, nhưng người dân Việt mình cũng không quên nguồn gốc và tổ tiên mình. Nhất là vào những ngày cận tết. dân Việt mình thường hay có tục đi thăm mộ Gia Tiên. Ddể mời gia tiên về hưởng tết. Bởi vậy, ở nhiều nơi, sau khi sắm sửa tết xong người ta có tục đi viếng mộ, đắp lại mộ, thắp hương khấn mời hương hồn của những người quá cố về hưởng tết.
SÚC SẮC SÚC SẺ
Tối hôm 30 tết, ngày xưa tại các làng xã, các trẻ em nghèo, họp mặt thành từng bọn rủ nhau đi chúc tết, tuy chưa hẳn là ngày tết.
Các em, mỗi bọn có một chiếc ống trong đựng tiền, thường là ống tre. Các em đi tới từng gia đình, và các em cùng nhau hát, vừa hát vừa lắc ống tiền:
"súc sắc súc sẻ
Nhà nào còn đèn còn lửa
Mở cửa cho chúng tôi vào:
Bước lên giường cao
Thấy đôi rồng ấp;
Bước xuống giường thấp,
Thấy đôi rồng chầu;
Bước ra đằng sau
Thấy nhà ngói lợp
Voi ông còn buộc,
Ngựa ông còn nằm.
Ông sống một trăm
Linh năm tuổi lẻ
Vợ ông sinh đẻ:
Những con tốt lành
Những con như tranh,
Những con như rối.
Tôi ngồi xó tối.
Tôi đối một câu.
Đối rằng:
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ:
Nêu cao pháo nổ bánh chưng xanh.
Các em vừa súc sắc súc sẻ vừa hát, tronmg lúc gia đình chủ nhà chăm chú nghe, và sau câu hát gia đình nào cũng tặng các em chút tiền, tiền đó các em bỏ luôn vào ống. Tục cho rằng, các em đến đem sự may mắn lại. Không gia đình nào không tặng tiền các em một số tiền trước khi các em rời sang nhà khác.
ĐÒI NỢ CUỐI NĂM
Các chủ nợ có tục lệ đòi nợ cuối năm thường thúc con nợ, cố đòi cho bằng được số tiền đã cho vay, dù rằng đòi được tiền về để đấỵ Người ta cho rằng nếu không đòi được tiền trước giao thừa, ngày hôm sau, món tiền nợ dã ra nợ cũ, và ngày mồng một và những ngày sai nữa, người ta không dám đòi nợ, vì con nợ kiêng "sợ giông" . Đòi nợ vào ngày tết, không những con nợ không trả nợ mà còn mắng lại chủ nợ vì không biết kiêng cho mình.
CÚNG GIA TIÊN
Chiều 30 tết, mọi việc sửa soạn đã xong xuôi, sau khi đã đi viếng mộ gia tiên về, người ta sửa lễ cúng gia tiên, và sau đó đèn nhang, nhất là nhang phải giữ thắp suốt mấy ngày Tết cho tới khi hóa vàng.
Trong mấy ngày này, trên bàn thờ luôn luôn có sự hiện diện của tổ tiên. Để giữ cho hương khỏi bị tắt, từ chiều 30 Tết người ta thường dùng hương vòng hoặc hương sào. Hương vòng là một cuộn hương thắp được từ suốt đêm tới sáng, còn hương sào là một cây hương thật to có thể thắp được suốt ngày đêm mới hết.
Ta cúng gia tiên lúc chiều 30 tết, bởi vậy lúc cúng giao thừa, ta không cúng gia tiên nữa.
Cùng với lễ cúng gia tiên, lẽ tất nhiên phải có cúng Thổ Công.
Cúng gia tiên 30 tết, sáng ngày mồng một cũng lại cúng. Và trong mấy ngày tết cho đến khi hóa vàng, ngày hai buổi có lễ cúng gia tiên.
Thái Mộng Trinh
Theo: http://dactrung.net