Linh Khí Việt-Nam
Thongtri copy bài của thầy TDT nói về lịch sử Thiền Tông VN và linh khí đất VN, giới thiệu cùng bạn đọc tham khảo.
Người đương thời gọi là Nam Thiên Tứ Đại Thần Khí (bốn thần khí của trời Nam) hay là Nam Thiên Tứ Bảo Khí (bốn bảo khí trời Nam). Bốn bảo khí này do hai thánh tăng Minh Không (còn gọi là Không Lộ) và Từ Đạo Hạnh đúc ra, làm phép, để bảo vệ đất Việt khỏi bị Trung Hoa xâm lăng...
...
Trước khi vào đề tài chính, TDT xin viết một chút về thiền sử (lịch sử về thiền tông) Việt-Nam, như vậy, đọc chắc sẽ hiểu câu chuyện nhiều hơn.
...
Giòng Thiền Tông Việt-Nam hồi lúc đầu có hai chi phái khác nhau. Chi phái thứ nhất do ngài Tăng Giả Nan Đà truyền thẳng từ Thiên Trúc sang đất Việt. Giòng Thiền Tông bên Thiên Trúc như sau:
Thích Ca Mâu Ni
1. Ma-Ha Ca Diếp
2. A-Nan
3. Thương Noa Hòa Tu
4. Ưu Ba Cúc Đa
5. Đề Ca Đa
6. Di Già Ca
7. Bà Tu Mật
8. Phật Đà Nan Đề
9. Tăng Giả Nan Đà và Phật Đà Mật Đa
Ngài Tăng Giả Nan Đà truyền Phật pháp vào đất Việt nhằm lúc Hai Bà Trưng khởi nghĩa năm Kỷ Hợi (39).
Chi phái thứ nhì được truyền từ ngài Bô Đề Đạt Ma. Ngài Bồ Đề Đạt Ma là đời thứ 28 của giòng Thiền Tông bên Thiên Trúc. Ngài Bồ Đề Đạt Ma cũng là tổ thứ nhất của phái Thiếu Lâm.
Bồ Đề Đạt Ma truyền cho nhị tổ là Huệ Khả. Huệ Khả truyền cho tam tổ Tăng Sán. Tăng Sán truyền cho ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Khi ngài Tăng Sán truyền tâm ấn cho ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi thì có nói là số ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi có duyên với người Việt, nên đi về phương nam mà hoằng dương Phật Pháp.
Vào năm Canh Tý (580) thì ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến chùa Pháp Vân và gặp một chú tiểu pháp danh là Pháp Hiền. Chú tiểu Pháp Hiền thấy một nhà sư bóng loáng, đen như lọ chảo, lấy làm lạ nên hỏi:
-- Ông tên gì?
Ngài Tỳ Ni hỏi lại:
-- Vậy chú tên gì?
Chú tiểu Pháp Hiền đố lại:
-- Tôi đố ông biết tôi tên gì?
Ngài Tỳ Ni quát:
-- Biết để làm gì?
Tự nhiên chú tiểu Pháp Hiền rùng mình một cái. Từ đó, ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi thu chú tiểu Pháp Hiền làm đệ tử và truyền tâm ấn cho.
Ngài Pháp Hiền hợp hai giòng thiền tông lại thành một phái mới gọi là Tiêu Sơn.
Từ ngài Pháp Hiền truyền đến ngài Định Không là tám đời. Ngài Định Không thấy người Việt bị cai trị gần 800 năm, điêu linh vô hạn, ý thức quốc gia, tư tưởng độc lập chẳng còn mấy người chú ý đến nữa. Quan lại Trung Quốc không mấy ai có đức, qua cai trị thì cứ đua nhau vơ vét. Nạn bị đồng hóa sắp đến. Ngài muốn làm một cái gì đó để gây dựng lại tinh thần quốc gia. Ngài đi khắp đất Việt và tìm được một ngôi đất phát đế vương rồi chờ thời, xem ai có đức sẽ được ngôi đất ấy và ngài sẽ đem đệ tử theo giúp.
Sau khi tìm kiếm một thời gian thì tìm được một ngôi đất phát đế vương tại làng Dịch Bảng (có sánh viết là Đình Bảng). Ngài Định Không xây một ngôi chùa gần đất ấy. Khi đào đất xây chùa thì tìm thấy mười chiếc khánh và một chiếc lư hương. Khi đem xuống sông rửa thì một chiếc khánh chìm mất. Ngài nói:
-- Mười chiếc là thập khẩu. Viết chữ thập trên chữ khẩu là chữ Cổ (nghĩa là xưa). Một chiếc rơi xuống nước là thủy khứ (bộ thủy), viết chung lại thành chữ Pháp. Ngài đặt tên cho thế đất đó là Cổ Pháp. Ngài có làm một bài thơ nói lên sự kiện đó:
Địa trình pháp khí
Nhất phẩm tinh đồng
Tri Phật pháp chi hưng long
Lập hương danh chi Cổ Pháp
Pháp khí xuất hiện
Thập khẩu đồng chung
Lý hưng vương
Tam khấu thành công
Tạm dịch nghĩa
Đất trình ra pháp khí
Phẩm chất cùng tinh đồng
Phật pháp sẽ hưng long
Đặt làng tên Cổ Pháp
Pháp khí xuất hiện
Gồm mười chiếc khánh đồng
Họ Lý lên làm vua
Ba khấu thành công.
Khi ngài Định Không viên tịch thì truyền cho ngài Thông Biện và trối trăn rằng:
-- Thế đất linh này phải coi sóc cẩn thận. Đừng để cho người ta phá đi, cũng đừng để cho ai chôn trộm tro cốt vào.
Ngài Thông Biện giữ gìn thế đất Cổ Pháp trọn vẹn.
Khi ngài Thông Biện viên tịch thì truyền cho ngài La Qúy An (852 - 936). Ngài La Qúy An thấy nếu chỉ nhận tăng lữ thì làm sao có anh tài cứu nước. Vì vậy ngài phá lệ mà thu tục gia đệ tử. Vì vậy mà sau này mới có nhiều anh tài giúp cuộc khởi binh của Dương Diên Nghệ, Ngô Vương, vua Đinh dẹp loạn, vua Lê đánh Tống và giúp Thái Tổ Lý Công Uẩn lập một triều đại lâu dài...
Đến đời ngài La Qúy An, thế Cổ Pháp vượng quá, chiếu sáng lên không, bao nhiêu tinh tú trên thiên hà đều chầu về. Quan nhà Đường xem thiên văn, nhìn rõ, tâu lên vua nhà Đường là Đường Ý Tông (860 - 873)...
Từ năm Bính Tý (856) đến năm Bính Tuất (866), quân Nam Chiếu (là tỉnh Vân Nam bên Trung Hoa bây giờ) cứ hay cướp phá An-Nam (Bắc Việt và một phần Trung Việt(1)).
(1) Ghi chú: Đời nhà Đường gọi ta là An-Nam và đặt phủ cai trị gọi là An-Nam Đô-hộ-phủ.
Năm Giáp Thân (864) vua Đường Ý Tông, nhân việc quan thiên văn báo cho biết thế đất Cổ Pháp và An-Nam có loạn, sai Cao Biền sang Giao Châu.
Khi đi, vua Đường dặn riêng với Cao Biền đại khái là Trưng thị là hai người đàn bà mà làm rung chuyển cơ nghiệp nhà Đông Hán (25 - 220). Rồi đến Triệu Ẩu (2), Lý Bôn v.v. làm cho ta vất vả lắm mới dẹp được. Nay trẫm thấy linh khí An-Nam quá thịnh, e sau này có biến. Khanh đến đó, trước bình giặc Nam Chiếu, sau tìm cách trấn yểm linh khí An-Nam đi và vẽ địa đồ về cho trẫm.
(2) Ghi chú: Đông Ngô (thời Tam Quốc) trở về sau, người Tàu thấy dân Việt hết sức thờ kính bà Triệu, gọi bà là Bà Vương, ghét lắm, bèn tìm cách nói xấu bà. Họ gọi bà là Triệu Ẩu (dịch ra tiếng Việt là con mụ họ Triệu,) đầy vẻ khinh miệt. Họ còn nói bà vú dài đến rốn. Trong sách tướng có nói, người đàn bà nào vú dài thuộc loại chồn cáo, ti tiện lại điêu ngoa, khắc chồng hại con. Người Tàu gọi vậy chẳng khác nào lăng nhục bà. Tiếc thay, ngày nay có người không hiểu cũng bắt chước gọi bà là Triệu Ẩu.
Cao Biền vâng lệnh ra đi.
Phải mất hai năm trời Cao Biền mới dẹp được quân Nam Chiếu, giết tướng Nam Chiếu là Đoàn Tú Thiên và người thổ làm hướng đạo là Chu Cổ Đạo.
Vua Đường Ý Tông đổi An-Nam làm Tĩnh Hải, phong cho Cao Biền làm Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ. Lúc bấy giờ chức tiết độ sứ lớn lắm, cai trị một cõi, uy quyền như một ông vua con.
Từ năm Bính Tuất (866) đến năm Ất Mùi (875) Cao Biền sửa sang đất Giao Châu (lúc đó mình gọi nước mình là Giao Châu, còn người Tàu thì gọi là Giao Chỉ, An-Nam hay Tĩnh Hải). Đắp thành Đại La (sau này vua Thái Tổ Lý Công Uẩn dời đô, xây lại thành Đại La lớn hơn và đặt tên là Thăng Long). Cao Biền đi trấm yểm các thế đất đế vương và linh địa (đất linh) khắp Giao Châu.
Tuy nhiên, có hai nơi Cao Biền yểm không được.
Nơi thứ nhất là núi Tản Viên. Tương truyền, Cao Biền thấy núi Tản Viên (còn gọi là núi Ba Vì) linh quá, muốn trừ đi mà không được, còn bị Thánh Tản Viên vật xém chút mất mạng.
Còn nơi thứ nhì là làng Cổ Pháp của dãy núi Tiêu Sơn (long mạch của dãy Tiêu Sơn ngưng và kết huyệt tại làng Cổ Pháp). Cao Biền cho đào 19 cái lỗ chôn bùa ngãi để yểm đất. Ngài La Qúy An biết vậy nên cho người lẻn đào 19 cái lỗ đó lên và trồng 19 cây lê vào.
Thế đất Cổ Pháp, đến đời ngài Vạn Hạnh, Lý Khánh Vân thì thân phụ của Lý Công Uẩn được ngôi đất ấy. Vì vậy Lý Công Uẩn được ngài Vạn Hạnh giúp sức, lập ra nhà Hậu Lý (1010 - 1225) một trong những triều đại hiển hách nhất nước ta. Nhà Lý có chiến công ba lần đánh Chiêm Thành, năm (5) lần đem quân vượt biên đánh nhà Tống Tống và một lần chống quân Tống xâm lăng.
Nói về Cao Biền, trong thời gian ở Giao Châu, khi trấn yểm, Biền thu tất cả hồn phách, linh khí của nước Nam vào bụng 36 con trâu vàng. Biền đem 36 con trâu vàng đó về chôn ở núi Thái Sơn cùng với con trâu vàng của Hoa Hạ (Trung Hoa)...
Nguyên từ hồi thượng cổ bên Trung Hoa có một ông vua tên là Thần Nông. Vua Thần Nông rất trọng việc canh nông. Mà nghề nông thì không thể thiếu trâu cày bừa. Vì lẽ đó mà ngay từ hồi ban sơ, họ cho là con trâu tượng trưng cho linh khí một quốc gia về canh tác. Nếu yểm linh khí vào bụng trâu vàng rồi đem giam trâu vào một nơi thì có thể giữ một quốc gia giàu có mãi mãi.
Nên sau khi thống nhất được sơn hà, vua Thần Nông làm phép, thu tất cả linh khí sơn xuyên, giang hà, cương vực, nhật nguyệt, tinh đẩu của Hoa Hạ xuống núi Thái Sơn. Đá trong lòng núi Thái Sơn kết tinh thành con trâu vàng. Khi thiên hạ thanh bình hoặc có chúa thánh ra đời thì những đêm trăng sáng, trâu vàng chui ra khỏi núi, bay lửng lơ trên các ngọn cây, tỏa ánh sáng ra cả một vùng.
Tại núi Thái Sơn có mỏ đồng đen. Các nhà phong thủy Hoa Hạ cho là đồng đen là mẹ của vàng. Vì vậy các đời vua về sau đều nhặt đồng đen ở núi Thái Sơn đem cất vào kho rồi làm phép cho trâu vàng không rời được núi.
Về thời Ngũ Đại (còn gọi là Ngũ Qúy hay Ngũ Hồ), không biết bằng cách nào đó, năm sắc dân Hồ làm phép, bắt con trâu vàng về với họ nên họ lần lượt nhau cai trị Trung Hoa (907 - 959). Năm nước đó là Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu.
Năm Kỷ Mão (979) Đỗ Thích mơ thấy sao rơi vào miệng, cho đó là điềm trời cho mình làm vua nên thí vua Đinh Tiên Hoàng cùng Nam Việt Vương Đinh Liễn. Nhưng sau đó Đỗ Thích bị đình thần giết đi rồi tôn Đinh Tuệ lên làm vua.
Lúc bấy giờ Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn, nhiếp chính, lộng quyền lại tư thông với Dương Vân Nga (hoàng hậu của vua Đinh). Hai tướng Đinh Điền và Nguyễn Bặc thấy vậy bèn đem quân đánh Lê Hoàn nhưng bị Lê Hoàn lừa bắt giết đi.
Bên Trung Hoa lúc bấy giờ là vua Thái Tông Triệu Khuông Nghĩa (976 -998) nhà Tống (960 - 1278) thấy nước ta có chuyện tranh chấp nên sai các tướng Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng, Quách Quân Biện, Lưu Trừng, Triệu Phụng Huân v.v. sang đánh lấy Đại Cồ Việt (quốc hiệu nước ta lúc bấy giờ là Đại Cồ Việt do vua Đinh Tiên Hoàng đặt).
Vì họa ngàn năm Bắc thuộc còn in sâu trong trí, quân tướng Việt cho rằng mặc dù Lê Hoàn làm nhiều chuyện xấu xa nhưng dù sao người Việt làm vua cũng tốt hơn là bị người Tàu cai trị. Vì vậy Lê Hoàn được tôn lên làm vua, đánh một trận Chi Lăng, một trận Bạch Đằng, thắng Tống vẻ vang, lập ra nhà Tiền Lê.
Sau khi nam xâm thất bại, Tống Thái Tông sai bảy đạo sĩ lên núi Thái Sơn đào 36 con trâu vàng của ta cùng với con trâu vàng của họ. Bảy đạo sĩ cho đúc 36 cái hộp bằng đồng đen, mỗi hộp nhốt một trâu với chín lá bùa để yểm trâu. Tất cả được đem vào hoàng cung triều Tống để trấn yểm với hy vọng Tống hùng mạnh mà linh khí nước Nam sẽ bị tuyệt.
Đời vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127), bên Tàu nhằm đời vua Tống Thần Tông (1068 - 1085).
Vua Tống Thần Tông dùng Tân Pháp của tể tướng Vương An Thạch (1068 - 1078) làm cho Tống trở nên phú cường, binh lực hùng mạnh. Tuy nhiên Vương An Thạch không được lòng dân và sĩ phu Hoa Hạ ủng hộ. Lúc nào Thạch cũng bị công kích. Để bị miệng thế gian và chứng minh cho Tống Thần Tông biết Tân Pháp của mình đúng, Thạch khuyên vua Tống đem quân đánh Đại Việt để trả thù 5 lần Đại Việt đem quân đánh Tống trước kia và trả hận trận Chi Lăng, Bạch Đằng vào thời Tống Thái Tông.
Ghi chú: Thời nhà Lý, Đại Việt đem quân vượt biên đánh Tống tất cả là 5 (năm) lần. Nhưng nổi tiếng nhất là lần thứ năm (lần cuối cùng):
Linh Nhân Hoàng Thái Hậu (tức là Ỷ Lan Phu Nhân, mẹ vua Lý Nhân Tông) nghĩ rằng nếu Tống mà đem quân nghiêng nước đánh Đại Việt thì Đại Việt chống không nổi. Ngồi yên đợi giặc chi bằng tìm giặc mà đánh. Vì vậy Bà ra lệnh cho quan Thái úy (có sách gọi là Đại tư mã) Lý Thường Kiệt tổng chỉ huy; Tôn Đản đem quân đánh Lưỡng Quảng bằng đường bộ, Trung Thành Vương Lý Hoằng Chân và Tín Nghĩa Vương Lý Chiêu Văn coi mặt thủy cùng tiến công, phá tan các đạo quân của Tống tại Hoa Nam vào năm Ất Mão (1075) chủ ý là làm cho Tống yếu đi.
Sang năm sau, vua Tống Thần Tông, vì bị áp lực của triều đình Tống, chịu nhượng bộ với Liêu phía bắc, Tây Hạ phía tây, đem tất cả quân mã từ tây thùy, bắc thùy xuống nam thùy đánh Đại Việt.
Trong khi Tống đang chuyển quân rầm rộ thì thái hậu Tống (có sách viết là hoàng hậu, cũng có sách viết là thái tử) bị trúng tà, lâm bịnh nặng. Thuốc thang chữa mãi không khỏi. Vua Tống truyền hịch khắp nơi nói là nếu ai chữa được bệnh cho thái hậu sẽ được trọng thưởng.
Lúc đó hai ngài Minh Không và Từ Đạo Hạnh đang vân du ở Tống, hay tin liền yết kiến Tống Thần Tông xin chữa bệnh cho thái hậu. Hai ngài lập đàn, làm chay, cúng bảy ngày thì tự nhiên thái hậu hết bệnh. Thái hậu mừng quá bắt văn võ bá quan triều Tống gọi hai ngài là thánh tăng (3).
(3) Ghi chú: Trong thiền sử Việt-Nam, có rất nhiều cao tăng đắc đạo, tuy nhiên chỉ có hai ngài Minh Không và Từ Đạo Hạnh được tôn làm thánh tăng có lẽ bắt nguồn từ lý thuyết trên.
Hai ngài xin vua Tống cho đầy một túi vải nhỏ đựng đồng đen do đích thân hai ngài chọn để đem về Đại Việt đúc chuông chùa. Vua Tống ưng thuận, sai quan coi kho dẫn hai ngài vào kho chứa đồng phía bên trái. Hai ngài làm bộ chê ỏng chê eo và xin quan coi kho dẫn hai ngài qua kho phía bên phải. Theo đúng luật triều Tống thì quan coi kho phải xin phép vua trước khi dẫn hai ngài qua kho bên phải. Nhưng quan coi kho nghĩ hai thánh tăng là người có công với triều đình, với lại một túi vải nhỏ phỏng có là bao, đúc một chuông nhỏ sợ còn không đủ nói chi đúc một quả chuông lớn như chuông chùa, nên tòng quyền dẫn hai ngài qua kho chứa đồng phía bên phải.
Trước sân kho đồng phía bên phải có một con trâu vàng to lớn như con trâu thật. Quan coi kho nói giỡn là nếu hai ngài muốn thì tặng luôn con trâu vàng đó cho hai ngài. Nhưng hai ngài nói là chỉ xin vua Tống chút ít đồng đen về đúc chuông chứ không xin trâu vàng. Quan coi kho lại càng tin tưởng hơn.
Khi vào kho đồng phía bên phải thì đó là cả một sự kinh ngạc. 36 cái hộp đựng 36 con trâu vàng với bùa được đặt trên một cái bệ cao theo hình tiên thiên bát quái. Xung quanh là những tượng hổ, báo, voi, trăn, rắn, gà, vịt, chó, mèo v.v. cùng những mô hình sông núi Đại Việt.
Hai ngài làm bộ không thấy, xin quan coi kho ra ngoài một chút cho hai ngài tự do chọn đồng cho vào túi vải nhỏ.
Một lúc sau, hai ngài đi ra với túi đồng đen đầy ắp, giã từ quan coi kho rồi đi về Đại Việt.
Đến chiều quan kiểm kho xem xéi lại kho đồng phía bên phải thì thấy trống trơn. Lập tức trình lên vua Tống. Vua Tống biết là chuyện không xong bèn sai quan tổng lĩnh thị vệ Lý Hiến đuổi theo. Khi đuổi đến bờ biển thấy ngài Minh Không quăng nón xuống nước, cái nón lập tức biến thành con rồng chở hai ngài tiến về Nam.
Hai ngài về đến Đại Việt, nhân lúc vua Tống sai tướng đem quân nghiêng nước đánh Đại Việt, lập tức dùng số đồng đen lấy từ hoàng cung Tống đúc thành bốn bảo khí giữ nước. Người đương thời gọi bốn bảo khí đó là Nam Thiên Tứ Đại Thần Khí.
Bảo khí thứ nhất: Đỉnh tháp Đại Thắng Báo Thiên.
Đỉnh tháp Đại Thắng Báo Thiên nằm trong chùa Sùng Khánh Báo Thiên.
Vào niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ ba đời vua Lý Thánh Tông (1056), nhà vua xa giá ra hồ Tây xem cá. Khi đến hồ, nhà vua gặp một người trang phục như ăn mày, chỉ tay vô mặt vua mà mắng rằng: "Nhà vua làm chúa trời Nam, sao không lo tu đức, sửa sang chính trị mà lại rong chơi? Như vậy vua làm gương cho kẻ xấu, cho bọn tham quan ô lại, cường hào ác bá hà hiếp dân chúng. Ta là thần giữ việc mưa gió vùng này. Nay thấy dân khổ nên báo cho vua hay." Nói xong thì biến mất.
Vua Lý Thánh Tông lập tức bỏ cuộc chơi, trở về kinh, cách chức các quan lại xấu xa, giảm chi tiêu trong nội cung và rút tiền trong ngân khố ra xây chùa, đặt tên là Sùng Khánh Báo Thiên để tạ ơn Trời Phật.
Sang năm sau (1057) nhà vua lại cho dựng một ngôi tháp trong sân chùa cao 20 trượng (40 m).
Hai ngài Minh Không, Đạo Hạnh dùng đồng đen xây đỉnh tháp. Từ khi xây xong thì bao nhiêu tinh tú trên thiên hà đều hướng về phương Nam, đêm đêm tỏa hào quang chiếu sáng đất Thăng Long (4).
(4) Ghi chú: Năm 1406, Hồ Qúy Ly cướp ngôi nhà Trần, tháp bị gẫy xuống. Quan An phủ sứ Đông Đô là Lê Khải cho là điềm gở, không báo cho Hồ Qúy Ly biết nên bị cách chức rồi cho người hàn đỉnh tháp lên như cũ.
Năm 1427, quân Minh bị Bình Định Vương Lê Lợi đánh bại khắp nơi. Có người mách rằng sỡ dĩ Bình Định Vương thắng là nhờ linh khí đỉnh tháp Đại Thắng Báo Thiên. Vương Thông cho người phá tháp xuống với hy vọng Bình Định Vương sẽ thua, linh khí trời Nam bị tuyệt.
Từ đó về sau chùa bị bỏ hoang phế.
Mãi đến đời vua Tự Đức, quan tổng đốc Hà Nội là Tôn Thất Bật theo nền cũ mà xây lại chùa. Nhưng đến thời Pháp thuộc, người Pháp phá chùa dể lấy gạch đá để xây nhà thờ ở Hà Nội. Vị trí chùa cũ là bên phải đền Lý Quốc Sư cho đến đầu phố nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bảo khí thứ nhì: Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni
Tượng đức Thích Ca Mâu Ni cao hai trượng (4 m), trong đó hai ngài cho yểm 18 viên xá lợi tử của 18 vị bồ tát của Đại Việt như các ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Pháp Hiền, Định Không, La Quý An, Vạn Hạnh v.v. và 360 viên đá lấy từ 360 đền thờ các thánh, các thần linh và các anh hùng Đại Việt.
Tuy là tượng Phật nhưng lại thờ những vị bồ tát và anh hùng nước ta nên linh khí các ngài hợp lại rất mạnh. Hai ngài Minh Không, Đạo Hạnh đặt tượng Phật đó tại chùa Quỳnh Lâm trên núi Quỳnh Lâm thuộc Đông Triều, mặt hướng phía bắc. Như vậy vừa trấn được phương Bắc vừa trấn được biển đông (5).
(5) Ghi chú: Chùa Quỳnh Lâm tọa lạc tại núi Quỳnh Lâm, xã Hà Lôi, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương, nay là tỉnh Quảng Ninh.
Khi giặc Minh xâm lước nước Nam năm 1407, chúng phá chùa Quỳnh Lâm đi và chở tượng phật Thích Ca Mâu Ni về Kim Lăng, Trung Hoa.
Vào đầu đời nhà Hậu Lê, chùa được xây lại. Vào đời Vĩnh Khánh (1729 - 1732) nhà Lê Trung Hưng, Uy Nam Vương Trịnh Giang cấp tiền cho sử sang, tu bổ chùa rộng lớn hơn. Đến đời Vĩnh Hựu (1735 - 1746) sửa sang lần nữa cho rộng lớn hơn.
Năm Thiệu Trị thứ sáu đời nhà Nguyễn (1845) chùa bị bọn giặc biển người Tàu đốt đi hơn phân nửa chính điện. Sau đó chùa được tu bổ lại...
Bảo khí thứ ba: Vạc Phổ Minh
Vạc Phổ Minh được đặt tại chùa Phổ Minh thuộc trấn Thiên Trường.
Sau khi vua Thái Tổ Lý Công Uẩn băng hà vào năm 1028, Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương, Đông Chinh Vương đem quân làm loạn. Ngô Quốc Quận Vương Trần Tự Mai, ra công giúp vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) định loạn. Khi đi ngang quê nhà là làng Tức Mặc thì xây một ngôi chùa đặt tên là Phổ Minh, để cầu phúc cho mẹ.
Hai ngài Minh Không, Đạo Hạnh cho xây cái vạc (chảo), bệ đặt tại chùa. Vạc mang tên Phổ Minh, nặng ba vạn cân (13,000 kg).
Phía ngoài vạc có hình rồng quấn xung quanh và hình chim (chim Lạc ???) đang bay để tượng trưng cho con Hồng cháu Lạc. Đầu rồng, đầu chim nghểnh lên, hướng vào lòng vạc. Trên thành vạc khuyết 100 lỗ hình quả trứng. Trong mỗi lỗ đặt một tượng rồng vàng, để thu linh khí của một trăm người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ và của Bách Việt.
Bệ vạc khắc tên tất cả các vị vua của tộc Việt, trên cao nhất là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân v.v. cho đến vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072) cho các vị tiên đế cùng nhau phù hộ dân giàu, nước mạnh, mưa thuận, gió hòa.
Khi an trí vạc xong, ngay đêm đó, trên không, hàng vạn con hạc không biết từ đâu đến, bay lượn xung quanh. Hào quang từ trong vạc phát ra sáng chói một vùng. Ngài Minh Không thấy vậy nói: "Không ngờ linh khí tụ nhanh đến vậy. Sau đây trên trăm năm sẽ có giặc Bắc phương đến xâm lăng. Chúng hùng mạnh vô song, vô địch thiên hạ không ai đương nổi. Tuy nhiên, nơi đây sẽ sinh ra một vị thánh, ba lần đánh bại giặc đó (6).
(6) Ghi chú: Nơi chùa Phổ Minh được đặt tên Tức Mặc. Làng Tức Mặc là nơi phát tích ra nhà Trần sau này.
Đúng như lời ngài Minh Không nói. Vị thánh đó họ Trần, tên Quốc Tuấn, được sắc phong là Hưng Đạo Vương, ba lần đánh bại quân Mông Cổ.
Chùa Phổ Minh ở xã Tức Mặc, nay là Lộc Vương, ngoại ô thành phố Nam Định.
Đời nhà Trần, chùa được tu sửa nhiều lần, mỗi lần là một nguy nga hơn. Các vua Trần và thái thượng hoàng thường dùng chùa làm nơi nghỉ mát.
Năm 1428. Giặc Minh cho là sỡ dĩ Bình Định Vương Lê Lợi thắng được chúng là nhờ đỉnh tháp Đại Thắng Báo Thiên, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và vạc Phổ Minh nên Vương Thông cho phá đi.
Bảo khí thứ tư: Quả chuông Ngân Thiên.
Sau khi hai ngài làm ba bảo khí trên, cho thần linh, anh hùng và các vị bồ tát tụ về Đại Việt xong, hai ngài đúc một quả chuông lớn gọi là chuông Ngân Thiên. Đúc xong, hai ngài treo chuông lên đỉnh tháp Đại Thắng Báo Thiên, làm phép rồi đánh chuông. Tiếng chuông vang rền cả trời. Con trâu vàng trong hoàng cung Tống triều tưởng là tiếng mẹ gọi liền chạy bổ về Đại Việt. Khi trâu vàng chạy ngang qua hồ Tây, ngài Minh Không bắt lại, cho 100 thẻ đồng vào một quả chuông rồi cột vào cổ trâu. Ngài làm phép, liệng trâu và chuông xuống đáy hồ và nguyền rằng: "Nhà nào, một vợ một chồng mà sinh được 10 người con trai thì kéo được trâu vàng và chuông lên." Từ đấy, những đêm trăng sáng, dân chúng Thăng Long thường thấy trâu vàng đi mập mờ trên mặt hồ.
Bắt trâu vàng xong, hai ngài đem quả chuông Ngân Thiên đến chùa Chúc Thánh. Chùa Chúc Thánh còn gọi là chùa Phả Lại, nằm trên núi Phả Lại, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc. Hai ngài nghiệm thấy rằng thần linh Đại Việt tuy nhiều nhưng ác qủy ác ma cũng không thiếu.
Nguyên từ thời Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân cho đến nhà Lý, người Việt với người Tàu đánh nhau không biết bao nhiêu phen. Tướng sĩ người Tàu tử trận thật không ít. Hồn phách những người đó, một số đã trở về quê quán hay đã đi đầu thai. Nhưng số còn lại, vì chết quá tức tưởi nên không siêu thoát được, chúng chỉ chờ phương Bắc đem quân xâm lăng thì chúng quấy phá nhân gian.
Hai ngài chiêu hồn họ về chùa Sùng Khánh Báo Thiên làm chay giải oan. Một số tuân theo còn một số vẫn không tuân, chúng chỉ chờ quân Tống sang là phá rối. Hai ngài bèn nhốt họ vào quả chuông Ngân Thiên, chở về chùa Chúc Thánh.
Trên đường đi, có không biết bao nhiêu oan hồn bị trầm mình xuống sông, chúng làm cho sóng gió nổi lên. Hai ngài sợ chúng sẽ hại thủy quân Đại Việt bèn nhốt hết chúng vào quả chuông Ngân Thiên rồi ném quả chuông xuống sông Lục Đầu.
Còn 36 cái hộp và 36 con trâu vàng của ta thì sao?
Hai ngài Minh Không, Đạo Hạnh đem 36 cái hộp với bùa tìm 36 cái sương sọ của tướng sĩ Tống tử trận bỏ vào rồi đem chôn ở tất cả các cửa sông, cửa biển Đại Việt làm quỷ trấn áp quân Trung Hoa. Còn 36 con trâu thì hai ngài làm phép chôn xuống hồ Tây làm thần trấn Thăng Long cùng với con trâu vàng của Trung Hoa.