CHIÊM BAO
HAY MỘNG TƯỞNG
- KHÔI VIỆT
Qua ba bài “Cổ nhân danh số” nói về 40 con số từ đời nhà Thanh qua các nhân vật trong Tam Quốc Chí, đến nay đã biến thành 120 con số đề qua các giấc chiêm bao. Kỳ này xin luận về các giấc chiêm bao mong giúp bạn đọc suy ngẫm thêm (TV)
Nằm chiêm bao cũng là “điềm” dự báo đến mọi người. Chiêm bao tức nói đến điềm thấy trong lúc lúc ngủ, có nghĩa điềm ấy cho chúng ta dự đoán được tính cát hung sắp đến, đôi khi được báo cả chuyện đã xảy ra. Vì thế đa số người cho việc đoán điềm giải mộng thuộc mê tín dị đoan.
Lý do tương đối được mọi người công nhận từ các nhà khoa học từng chứng minh, tại sao người ta khi ngủ lâu lâu lại gặp một giấc chiêm bao có lành có dữ, đấy là do trạng thái tâm sinh lý trong người không ổn định dẫn đến một giấc mộng đẹp hay xấu. Một lý do khác, do con người quá lao tâm hay lao lực trong ngày, hoặc khi ngủ có tư thế nằm không đúng cách, khiến tâm thất (tim) bị đè, nén, làm phát sinh ra những cơn mộng sảng…
Giải thích về hiện tượng nằm mộng từ tâm sinh lý : như ban ngày khi nhìn thấy chung quanh những chuyện làm ảnh hưởng đến tâm lý gây sốc, thí dụ như có người thấy một bạn thân trước đây có cùng hoàn cảnh, nhưng nay bỗng nhiên anh ta có tiền tiêu xài không chút dè xẻn, quần áo bảnh bao, ôm nhiều gái đẹp chân dài trong tay, cử chỉ thân mật nồng nàn; còn mình thì trái lại vẫn còn là kẻ nghèo túng, quần áo cũ nát, chân tay lem lấm và cô độc, cuộc sống phải tính chi li từng đồng khi sử dụng đến tiền. Vì thế trong tư tưởng sinh ra ghen tỵ, thèm muốn như người bạn đã nhìn thấy ban ngày, và tư tưởng đó không thể giải thoát những hình ảnh đang ám ảnh liên tục trong trí nhớ.
Đến đêm về ngủ, người đó có thể nằm chiêm bao thấy mình làm đủ mọi cách để có tiền, như đánh cướp nhà băng theo kiêu “găng-tơ” trong phim Mỹ, hay mua vé xổ số trúng được giải độc đắc, hoặc được chia tài sản bất ngờ v.v.. trở thành người giàu có hơn cả người bạn đã thấy lúc ban ngày, lúc đó sẽ ăn chơi, tiêu xài, phóng túng hơn hẳn người bạn cũ. Trong giấc chiêm bao người đó còn thấy cả tương lai lẫn hậu sự, có khi thấy một toán cướp bỗng xuất hiện giậ̣t đi hết số của cải vừa có; hay đang say sưa bên người đẹp gặp phải chồng, người yêu cô ta xông đến đánh ghen, chém cho nhiều nhát dao chí mạng máu chảy lênh láng, hoặc bị dí súng vào trán mà bóp cò, thật hãi hùng và khủng khiếp.
Nằm mơ trong trạng thái đó sẽ làm giật mình mà tỉnh giấc, sau khi miệng kêu la ú ớ, đồng thời giấc mơ vừa đẹp vừa dữ cũng tan biến khỏi tâm trí.
Còn hiện tượng nằm chiêm bao vì lao tâm, lao động mệt nhọc cũng phát sinh những giấc mộng linh tinh, do ban ngày đầu óc căng thẳng với công việc, nên về đêm thường xảy đến những cơn mộng dữ hơn là mộng lành. Đây là biểu hiện của hiện tượng trí não đang tổn thất, dễ sinh đau ốm bệnh hoạn.
Hay các hiện tượng nằm mộng khác :
- Ngủ không đúng cách : nhất là khi ngủ để một vật đè nặng lên người, ngủ nằm sấp, ngủ nghiêng lệch về bên tim, đều làm con người thấy khó thở, ảnh hưởng đến hệ thần kinh dễ sinh ra mộng mị.
Tuy nhiên xưa nay các nhà triết học, các chuyên viên nghiên cứu về thế giới thần bí, văn hóa tâm linh, cho rằng hiện tượng nằm chiêm bao rất khó lý luận, để giải thích ông Diêu Vĩ Quân trong cuốn “Bí ẩn chiêm mộng (NXB Quảng Tây, năm 1993) đã viết :
1/- Nằm chiêm bao là một bộ phận không thể tách rời trong cuộc sống đời thường.
2/- Ai cũng có những giấc chiêm bao, liên quan đến mọi mặt trong cuộc sống.
3/- Nằm chiêm bao có tính sáng tạo và dự báo.
4/- Các nhà khoa học, các giới văn nghệ sĩ, các nhà kinh doanh… đều cần sự giúp đỡ của những giấc chioêm bao.
Những nghiên cứu về các giấc chiêm bao xảy đến cho con người, hiện còn đang được các nhà khoa học tiếp tục tìm hiểu về hiện tượng duy tâm này.
Chính vì thế đằng sau các giấc mộng hay các điềm dự báo đang còn là ẩn số, khi phân tích người ta thấy chúng đang thuộc về lĩnh vực thần bí, tâm linh, hay từ hiện tượng bệnh lý gây nên. Vì các điềm dự báo ấy không có định luật phát sinh như Lịch pháp, Tướng pháp có lý thuyết, chu kỳ rõ ràng.
Trong quá trình phát triển, người ta thấy những điềm được báo trước như giấc chiêm bao đã có lịch sử từ lâu đời.
Bắt đầu từ thuyết “vạn vật hữu linh” của người cổ đại, là kết tinh phức tạp giữa sinh hoạt xã hội với sinh hoạt tâm lý. Khi tính sùng bái thần linh trong xã hội đã phát triển rộng rãi, mọi người xem giấc chiêm bao như điềm được thần linh mách bảo, báo trước sự cát hung, nó đã hay sẽ xảy đến cho cá nhân hay cả một tập thể.
Người Hy Lạp nói chiêm bao có từ thời cổ, vì trong “Thần thoại Hy Lạp” có nhắc đến nước Thèbes, có một con yêu tinh mặt sư tử thân người, tên Sphinx.
Con Sphinx thường đứng cheo leo trên một mỏm đá phía ngoài kinh thành, gieo rắc cho khách qua đường muôn vàn nỗi đau khổ. Nó bắt mọi người phải giải đoán những câu hỏi đầy tính huyền bí do nó đưa ra, nếu không đáp được sẽ xé xác ăn thịt. Vì thế biết bao người vô tội bị con Sphinx xé xác mà chết thảm.
Về sau mọi người gọi những vấn đề nan giải trong các giấc chiêm bao mang tính thần bí, là “điều thần bí của Sphinx”.
Còn người Trung Hoa cho rằng, chiêm mộng và thuật giải đoán của họ bắt đầu thịnh hành từ đời nhà Tần (thế kỷ thứ III Tr.CN), nhưng trước đó đã mang tính phổ biến sâu rộng trong dân chúng qua mấy thế kỷ trước.
Họ lấy từ chữ Chiêm để chiết tự : Chiêm là nhìn vào điểm, là hỏi, có chữ bốc (bói) và chữ khẩu (nói). Chiêm mộng là nói ra những gì thấy trong giấc chiêm bao, tức nói điều họa phúc đã ẩn chứa trong đó.
Trong cuốn “Đế Vương thế ký” của Hoàng Phủ Dật có viết thuật giải đoán mộng như sau :
- Hoàng Đế (một nhân vật huyền thoại của Trung Quốc, được nói đến sau Phục Hi, Thần Nông vào những năm từ 2879 đến 258 Tr.CN) khi nằm mơ thấy gió lớn thổi quét tất cả bụi bẩn trong thiên hạ, rồi lại thấy có người cầm chiếc nỏ nặng nghìn cân chạy đuổi theo một đàn dê có cả ngàn con….
Tỉnh giấc Hoàng Đế tự giải đoán điềm mộng như sau :
- Gió (phong) là hiệu lệnh, như vị tướng cầm quân trên trận mạc. – Bụi bẩn bay đi theo sau cơn gió (tức hậu). Trong thiên hạ có ai họ Phong tên Hậu ?
- Còn chiếc nỏ nặng nghìn cân, tức có sức mạnh phi thường (lực). Đuổi đàn dê cả ngàn con, tức người có tài chăn dăt (mục). Trong thiên hạ có ai họ Lực tên Mục ?
Thế rồi Hoàng Đế dựa vào giấc mộng mà tìm được hai người có tên Phong Hậu và Lực Mục phong cho làm quan. Sau hai người này làm vẻ vang cho Hoàng Đế, đánh đông dẹp bắc, mang chiến thắng về cho sơn hà xã tắc, dân chúng sống trong cảnh thanh bình như thời Nghiêu Thuấn.
Trước đời Tần thuật chiêm bốc đã có, nhưng triều đình chưa cất ra một chức quan để trông coi, sau Tần Thủy Hoàng mới có phủ Khâm Thiên Giám, mục đích coi các điềm cát hung xảy ra trong trời đất, các vị “thái sư”, “bốc sư” nhìn các tinh đẩu trên bầu trời dời đổi, nhìn thấy cường độ ánh sáng chiếu xuống trái đất, mà đoán ra quẻ (chiêm tinh), cũng từ việc này họ giải đoán những giấc mộng cho vua, hoàng hậu đến các cung tần mỹ nữ trong khi ngủ nằm mộng thấy được.
Đến đời Hán người ta chia ra sáu loại chiêm bốc :
1/- Thiên văn : coi về mặt trời, mặt trăng, tinh đẩu, mây mưa, khí hậu.
2/- Lịch phổ : căn cứ sự vận hành của mặt trăng quay quanh trái đất để tính lịch Can Chi – Ngũ Hành – Tiết khí. Tính các tinh đẩu cát hung mỗi ngày, để dự báo điều tốt xấu.
3/- Ngũ Hành : căn cứ vào biện chứng tương sinh, tương khắc giữa Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thô mà suy ra điều lành dữ.
4/- Thi quy : kiểu bói bằng xương thú, mu rùa và “phệ” trong Chu Dịch
5/- Hình pháp : thuật xem địa hình, người, khí cụ, vật dụng và gia súc .
6/- Tạp chiêm : có nội dung bao quát hơn, nó gồm 5 cách xem như trên và đoán giải mộng.
Trong tạp chiêm nói “mộng” là do kinh ngạc mà sinh ra, vì nội dung của mộng thường rất đáng sợ, chủ yếu trong mộng thường gặp “lành ít dữ nhiều”.
TẠI SAO CÓ THUẬT GIẢI ĐOÁN
Khoa học ngày nay vẫn coi con người là một “sinh vật” có đầu óc phát triển nhất trong các loài động vật. Vì con người được hình thành từ kỷ Paleocene trên 60 triệu năm về trước, từ loài vượn cao cấp. Đến kỷ Miocene tức cách đây 4 triệu năm, dần dần được chuyển hóa thành loài hominid. Nhóm này có óc lớn nhưng hàm răng nhỏ, lưng khòng, đi hai chân, biết chế tạo ra dụng cụ để lao động, sau được đặt tên Homo Erectus – người đứng thẳng – sau thời kỳ băng hà, loài người “thông minh” bắt đầu xuất hiện.
Nhưng lịch sử chỉ có thể khẳng định, các nhà khảo cổ học tìm thấy bằng chứng sinh hoạt của loài người vào năm 11.000 Tr.CN, với các dụng cụ đánh lửa, vũ khí bằng đá – tức thời kỳ đồ đá.
Trong xu thế còn man khai, con người chỉ tin đến Thượng đế và các vị thần bảo trợ; nên khi trong thân thể phát sinh một số hiện tượng, mà tự bản thân con người không thể tự khống chê hay chủ động, như nằm chiêm bao, nháy mắt, ù tai, nốt ruồi, chỉ tay v.v… và thấy chúng không xảy ra theo đúng một chu kỳ nào nhất định, nên cho đó là điềm được thần linh báo tin chuyện lành dữ.
Thời gian từ thời kỳ đồ đá đến thời kỳ văn minh, con người đã có trí óc phân tích, có chữ để viết, qua những hiện tượng trên đã tự suy luận và kiểm chứng qua các kinh nghiệm đã xảy ra, thấy chúng rất huyền bí, báo trước cho biết một thứ tin tức hung kiết. Dần dần với kinh nghiệm đã đúc kết thành sách, và các nhà đoán điềm giải mộng ra đời.
Thời Hán Vũ Đế đã có 15 quyển “tạp chiêm” xem về ù tai, nháy mắt và hắt hơi. Qua các đời vua sau, có rất nhiều sách nói về cách giải mộng lành, mộng dữ không theo một quy luật hay phương pháp nào, chỉ do kinh nghiệm dân gian mà viết ra tham khảo.
Những thí dụ sau đây thuộc cách giải đoán khi nằm chiêm bao thấy áo quần :
- Thấy mặc áo mới : tật bệnh
- Thấy người cởi quần áo : khẩu thiệt
- Thấy người mặc áo xanh : quan chức
- Thấy người mặc áo vàng : đại hỷ
- Thấy người mặc áo xanh lục : vợ có thai
- Thấy người mặc áo trắng : đại cát
- Thấy người mặc áo đỏ : có kiện thưa
- Thấy nữ nhân đang mặc áo : đại hung
- Thấy người mặc quần áo rách : vợ có bệnh
- Thấy người đội khăn trắng che đầu : có tang
- Thấy người xài khăn rách : tốt – khăn mới : xấu
- Thấy giày dép : mọi sự đều tốt
- Thấy người đeo thắt lưng : có việc đến quan làng
- Thấy người mặc quần có dây đeo : mọi việc không đúng sức mình
Ngoài cách giải đoán trên còn cách đoán phản mộng :
- Thấy thây ma, đám ma, chết đuối : hên
- Thấy cưới hỏi : xui
- Thấy tiền : gặp chuyện thị phi
- Thấy mua xe : mất xe
- Thấy chủ nợ đến đòi : có tiền
Có một chuyện về phản mộng :
- Đời nhà Thục có thư sinh tên Tô Hiệp, nhà nghèo nhưng ham học, có tư tưởng hướng Phật. Trước ngày đi thi Tô Hiệp xin vào chùa tỉnh tâm, niệm Phật, xin phù hộ cho được trúng tuyển trong thi cử.
Tô Hiệp được nhà chùa cho ở riêng một phòng để yên tâm ôn tập, giữa đêm nằm ngủ mơ thấy trên bức họa treo bên kệ, có một chữ thư pháp trông rất đẹp nhưng ý nghĩa của nó làm Tô Hiệp đâm ra lo lắng, đó là chữ “sầu”, phía sau lại thấy các đồ dùng trong phòng tự nhiên to lớn.
Sáng ra Tô Hiệp kể lại giấc mộng cho vị trụ trì biết, anh ta lo sợ sẽ thi rớt, vì mộng báo chữ “sầu”, vị trụ trì còn là thuật sĩ trong ngành chiêm bốc đã ôn tồn giải đoán :
- Đó là điềm tốt đẹp, tuy chữ sầu mang ý nghĩa của điềm xấu, không vui, lại thêm có đồ vật to lớn hiện đến, tức sẽ gặp tin vui lớn bất ngờ. Vì đây là phản mộng, chắc chắn thí chủ sẽ thi đậu làm quan to.
Quả nhiên khoa thi ấy Tô Hiệp đậu tiến sĩ, làm quan vào năm Quảng Chinh thứ 19.
Cũng một chuyện khác về phản mộng :
- Tưởng Uyển thời Tam Quốc nằm mơ thấy từ sừng một con bò đang chảy máu lênh láng xuông tân mũi. Tỉnh giâc bèn cho là gặp phải ác mông, nên nhờ bốc sư Triệu Trực giải đoán dùm. Bốc sư liền nói :
- Ông đã nhìn rõ ràng thấy máu từ sừng con bò chảy ra. Sừng hợp hợp với Mũi thành chữ Công. Vậy đây là giấc mộng lành không phải mộng dữ, và nay mai ông sẽ làm quan đến chức công hầu.
Sau này Tưởng Uyển được phong hầu thật.
Từ cách giải phản mộng đã nảy sinh ra nhiều tục lệ trong dân gian, như :
- Đầu năm lì xì : hiểu theo nghĩa đen là “phát tài” và theo nghĩa bóng phân phát tiền bạc tức bị mất tiền, nhưng trong năm trái lại sẽ thu tiền về nhiều hơn.
Những người Hoa buôn bán tại nước ta, đầu năm ai đến cửa hàng của họ dù có mua hàng hay chỉ để hỏi giá, đều được chủ nhân tặng cho một bao lì xì màu đỏ. Đầu năm chủ cửa hàng phát càng nhiều bao màu đỏ, trong năm sẽ thu về gấp năm gấp mười lần; họ tin như thế và trở thành tục lệ.
- Đầu năm chưa qua khỏi ngày rằm (tức trước ngày Nguyên tiêu) : người ta chỉ đi đám ma nhưng không đi đám cưới. Lý do, đám ma là chuyện buồn nhưng trong năm sẽ gặp nhiều sự̣ vui vẻ; trái lại tuy đám cưới là ngày vui nhưng trong năm sẽ gặp nhiều chuyện buồn phiền.
NHỮNG ĐIỀ̀M MỘNG
Mặc dù giải mộng không có quy luật cụ thể, nhưng các bốc sư lâu ngày đã nghiệm đến ảnh hưởng của Âm Dương, Ngũ Hành, Can Chi, họ phối hợp chúng vào việc giải mộng hay vào những hiện tượng bộc phát bất ngờ như ù tai, máy mắt, hắt hơi để giải đoán điềm lành, dữ.
Thí dụ máy mắt bên phải liên hồi vào ngày ngọ, giờ tý. Theo thuật đoán mộng, nếu máy mắt vào ngày Ngọ sẽ có cãi nhau, vào giờ Tý sẽ có lộc. Nhưng các bốc sư khi đoán quẻ lại kết hợp ngày và giờ, yếu tố nam nữ (nam tả nữ hữu) để thành lời giải đoán :
- Nếu nam nhân máy mắt, thì đây là cuộc tranh cãi về một buổi ăn uống sắp đến, nhưng người găp máy mắt không phải trả tiền cho buổi ăn uống (điềm lành).
- Nếu nữ nhân máy mắt, có tranh cãi về tài lộc, nhưng sẽ gặp thất bại (điềm xấu).
Vì bên phải thuộc âm là nữ, nên ảnh hưởng trực tiếp vào ngày Ngọ (chủ đề), còn giờ Tý chỉ thêm vào dự báo cho rõ nghĩa (bổ túc cho chủ đề).
Ngoài ra các bốc sư còn xem tuổi của người nữ có tương sinh hay tương khắc với ngày Ngọ hôm đó không.
Thí dụ nữ nhân tuổi Tỵ, nếu tương hợp (gồm nhị hợp, tam hợp : Tỵ – Thân là nhị hợp; Tỵ, Dậu, Sửu là tam hợp) chuyện cãi nhau sẽ mang phần thắng; nếu tương khắc (Dần, Thân, Tỵ, Hợi tứ hành xung) có thể thua cuộc. Nếu không tương sinh hay tương khắc tức bình hòa, thì chuyện cãi nhau ấy không làm cho phải buồn phiền.
Theo thời gian con người có tư tưởng sùng bái thần linh đến tiêu cực, đã phát sinh ra nhiều việc mê tín hơn, vì vậy các bốc sư có nhiều cách giải đoán phức tạp hơn cho các điềm chiêm bao, ù tai, máy mắt, hắt hơi… như trực giải (giải ngay giấc mộng), chiết tự (theo lối ráp nét chữ trong chữ Hoa), phá dịch (phản mộng) v.v..
Các bốc sư phải tinh thông biện chứng thuyết Âm Dương Ngũ Hành, biết quan sát tinh đẩu, nhất là chòm sao Thái Tuế. Mỗi năm ở cung nào, tháng nào, ngày nào và giờ nào bị sao Thái Tuế chiếu mệnh; cũng như về vận khí bốn mùa xuân hạ thu đông.
Giải mộng còn phải biết tuổi tác, giới tính của từng người, để phân định cho 6 loại đoán mộng như sau :
1/- Chính mộng, 2/- Quái mộng, 3/- Tư mộng, 4/- Tẩm mộng, 5/- Hỷ mộng và 6/- Cự mộng.
Biết đến 6 loại dự báo về mộng nhằm giúp việc giải đoán cho chính xác, vì hiện có nhiều người trước khi ngủ muốn mơ thấy một giấc chiêm bao, đa số để phục vụ cho ý đồ tìm số hay sự vật để đánh đề. Đây gọi là “cầu mộng”.
Cầu mộng là trước khi ngủ người ta muốn thấy “Kỳ” tức gặp giấc chiêm bao lành, và “Nhượng” tức không muốn thấy điềm hung. Phương pháp Kỳ mộng, Nhượng mộng là do mê tín phát sinh, vì trong tư duy người mang tính sùng bái thần thánh, cũng như có quan niệm người chết nhưng linh hồn vẫn tồn tại và đang ở khắp nơi; trước khi đi ngủ đầu óc luôn liên tưởng, cầu khấn thần thánh hay vong linh người chết về báo cho gặp một giấc mơ lành tránh gặp mộng dữ.
Khi dùng phương pháp cầu mộng tức làm cho thần kinh lúc ngủ bị ức chế, nên Kỳ mộng – Nhượng mộng chưa chắc được xem là chính mộng (mộng thật), có thể chỉ là quái mộng hay tư mộng (mộng ảo) thôi !
Hãy để giấc ngủ đi vào tự nhiên, đừng tạo “áp lực” lên não bộ, như thế mới có chính mộng, và việc dự báo mới có kết quả, nhưng chưa chắc đã đúng với lời giải đoán.
Vương Phù nhà tư tưởng tiến bộ vào thời kỳ cuối nhà Đông Hán, cả đời không ra làm quan, ở ẩn và viết sách. Ông có bộ “Tiềm phu luận” nói về thuật trị quốc, trong một số chương nói về triết học thần bí, có chương ông luận về mộng.
Vương Phù thừa nhận, ông có những nhận thức độc đáo về đoán mộng, và đoán mộng có một ảnh hưởng nhất định trong nền văn hóa thần bí Trung Hoa. Với các loại mộng được xem là chính mộng, trong đó được chia làm hai loại là Hỷ mộng và Cự mộng, tức mộng lành và mộng dữ; đồng thời trong chính mộng có phản mộng.
Khi giải đoán phải tính đến không gian và thời gian của người nằm mơ thấy mộng, tính đến tướng sang hèn, tư duy hằng ngày khi nhìn ngắm vạn vật và bệnh lý nếu có, nhất là người có bệnh suy nhược thần kinh.
Nói về không gian thời gian, như trong khu phố đang được bàn tán về một người bỗng nhiên có của hoạnh tài, chỉ trong một ngày từ kẻ nghèo khó bỗng trở thành người trưởng giả. Ai ai cũng mong ước được như người đó, nên tối ngủ có những giấc mơ thuộc về vàng bạc châu báu, ngọc ngà gấm vóc, cao lương mỹ vị v.v… là thuộc ảo mộng, tư mộng, không mang ý nghĩa nhất định.
Nói về tướng sang hèn, người giàu có luôn có những giấc mơ đẹp, thấy có kẻ hầu người hạ, phục dịch đến nơi đến chốn, có người đến cầu thân, chịu sa ngã trong vòng tay quý tộc để tìm chốn nương thân, ít khi xảy ra mộng dữ, muốn xem phải tính đến cự mộng, phản mộng.
Còn người nghèo, suốt ngày kham khổ lao động chân tay, sáng tối bị chủ nhân hành hạ mắng nhiếc, đêm về chỉ thấy toàn ác mộng, xem đến quái mộng.
Nói về tư duy, con người ung dung thư thái luôn nhìn mọi người với vẻ ôn hòa, điềm đạm, ít khi gặp mộng dữ nếu không bị cú sốc làm ảnh hưởng. Còn người có con mắt biển lận, tham lam, giàu có nhưng đêm nằm không sao yên giấc vì đầu óc luôn nghĩ đến cách kiếm tiền và thường lo sợ trộm cướp đến nhà, làm sao có được những giấc mộng lành, là những giấc mộng thuộc về tẩm mộng.
Nói về bệnh lý cũng suy ra nhiều giấc mộng hoang tưởng, như người bệnh nặng luôn mơ thấy Ngưu đầu Mã diện, Hắc bạch vô thường. Người thất tình, cô quả luôn mơ thấy có người cùng ân ái v.v…đây cũng thuộc về quái mộng.
Dù chính mộng (quái mộng, tẩm mộng) nhưng lúc giải đoán đôi khi thành phản mộng, hoặc không thể giải cho chính xác nếu thuộc tư mộng, ảo mộng.
Vì mộng do trạng thái tâm sinh lý, do thân xác mỏi mệt mà hình thành, mộng chính là linh cảm từ con người nhưng không nhìn thấy đoán ra, vì thế mộng có những điều mơ thấy đã xảy ra và những điều sẽ xảy ra.
Mặc dù Vương Phù giải thích cặn kẻ về mộng, nhưng mọi người vẫn tin trong những giấc mộng của họ có những điềm được dự báo. Nên sách đoán điềm giải mộng ra đời rất nhiều là vậy.
Chúng tôi không thể kể hết về các giấc mộng cùng việc giải đoán.