Chuột có liên quan đến người (P2)
Sự tương đồng về gien giữa chuột và người cũng là một điều không may mắn cho chuột. Lợi dụng sự tương đồng này, con người đã sử dụng chuột làm vật thí nghiệm để tìm các phương pháp điều trị bệnh tật cho con người. Đứng trên quan điểm sinh học, chuột là sinh vật lí tưởng nhất cho phân tích gien, vì chuột là loài vật nhỏ (chỉ cân nặng 25 đến 40g) dễ kiềm chế và kiểm soát trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra, một thế hệ của chuột thường ngắn (chỉ khoảng 10 tuần từ lúc sinh), và chuột cái có thể nuôi và sinh con rất nhiều, trung bình khoảng 5-10 con mỗi lần sinh, nhưng chuột cha không ăn chuột con, và do đó chúng có thể sống chung trong “hoà bình” sau khi sinh.
Hầu như bất cứ kiến thức nào về bệnh tật và thuốc điều trị cũng đều được tiếp cận hay thu thập qua nghiên cứu trên chuột. Muốn biết hóa chất 3-MCPD có khả năng gây ung thư? Muốn tìm hiểu xem phơi nhiễm phóng xạ có phải là nguyên nhân của ung thư? Làm sao để biết một dây thần kinh có ảnh hưởng đến xương? Giải pháp đơn giản nhất và nhanh nhất để giải đáp các câu hỏi trên là làm thí nghiệm trên chuột. Chuột được nhốt trong chuồng nhỏ, cho uống hóa chất (nếu không chịu uống thì sẽ bị tiêm trực tiếp vào mạch máu), chuột được cho phơi nhiễm phóng xạ (nếu cố tránh thì nhà nghiên cứu có cách làm cho chuột không cách nào tránh khỏi những tia độc), chuột được đem ra giải phẫu cắt dây thần kinh, v.v… Ngoài ra, bằng các thao tác sinh học -- hoặc do nhân tạo, hoặc do tự nhiên -- một nhóm gien trong chuột có thể được “đánh ngã gục” và thay thế vào đó một nhóm gien khác để sản sinh ra các giống chuột với bất cứ bệnh tật nào mà con người mắc phải. Và, sau một thời gian theo dõi chuột được cho … hi sinh (một mĩ từ thay cho từ “giết”), cơ thể sẽ được giải phẫu và các cơ phận sẽ được đem đi đo lường và phân tích. Dựa vào các chuột này, các nhà khoa học tìm hiểu nguyên nhân và quá trình phát bệnh với hi vọng tìm những liệu pháp điều trị bệnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm có đến 25 triệu con chuột được hi sinh cho các thí nghiệm y khoa như thế.
Với một sự tương đồng sinh học giữ người và chuột, có lẽ không ngạc nhiên khi rất nhiều kết quả thí nghiệm trên chuột có giá trị thực tiễn cho con người. Khó mà liệt kê hết những thành tựu từ nghiên cứu chuột đã đem lại lợi ích cho con người trong một bài ngắn, nhưng có thể nói gọn rằng nếu không có thí nghiệm trên chuột chưa chắc con người có thể sống thọ như ngày nay.
Nguyễn Văn Tuấn
Viện nghiên cứu Y khoa Garven, Sydney, Australia