Chuột có liên quan đến người
Năm nay là năm Mậu Tý, năm của con chuột, một con vật rất đặc biệt. Chúng ta không ai không biết chuột, nhưng cũng chẳng ai ưa con vật này vì chúng quấy phá đồng ruộng và ở thành thị chúng được xem là con vật dơ bẩn, mang nhiều mầm bệnh. Dù đó là những sự thật, nhưng tôi e rằng một cái nhìn như thế về chuột có phần phiến diện. Trong thực tế, chuột đã song hành cùng con người rất lâu, và chuột là con vật chịu những hi sinh vô bờ bến cho sự tiến bộ và văn minh của con người. Không có chuột, con người chắc chắn khó có tuổi thọ dài như ngày nay. Do đó, nhân năm con chuột, chúng ta – con người – phải kính cẩn cám ơn chuột.
Chuột và người: bà con họ hàng
Chuột là con vật đứng đầu trong danh sách 12 con giáp theo lịch Việt Nam. Không rõ tại sao trong 12 con vật tiêu biểu đó, chuột là con vật nhỏ nhất nhưng lại đứng ở một vị trí quan trọng như thế, nhưng xét về mặt sinh học và lịch sử tiến hóa, có lẽ cách sắp xếp này cũng có cơ sở. Ngày nay, qua nghiên cứu di truyền học, chúng ta biết rằng chuột và con người là anh em họ. Hai sinh vật này xuất thân từ một tổ tiên chung có tên là Eomaia scansoria, là loài vật cổ xưa nhất được xem là đại diện cho dòng Eutheria, là tổ tiên của tất cả các động vật có vú và nhau. Khoảng 75 triệu năm trước, sinh vật này tiến hóa thành 2 chi: con người và chuột. Dù đã trải qua 75 triệu năm tiến hóa, chuột và người vẫn rất gần nhau về mặt sinh học, và nhất là về cấu trúc gien. Sự gần gũi về gien giữa người và chuột đến độ ngạc nhiên. Năm 2002, công trình giải mã toàn bộ gien của con người và chuột được công bố cho thấy chuột và con người đều có khoảng 30.000 gien. Quan trọng hơn nữa, khoảng 99% gien của con người cũng là những gien tìm thấy trong chuột. Con người và chuột chỉ khác nhau có 300 gien! Có người còn ví von rằng con người là chuột không có đuôi! Tuy nhiên, hệ thống tổ chức gien trong tế bào của chuột có phần khác so với trong tế bào của con người.
Trong khi con người có 23 cặp nhiễm sắc thể (chromosomes), thì chuột nhắt (mouse) có 20 cặp, và trong chuột cống (rat) có 21 cặp. Chẳng hạn như nhiễm sắc thể số 3 của chuột có những mảng DNA giống như các mảng DNA trong nhiễm sắc thể số 1, 3, 4, 8 và 13 trong con người; và nhiễm sắc thể 16 trong tế bào chuột có những mảng DNA trong nhiễm sắc thể số 3, 21, 22 và 16 trong tế bào con người. Cần nhắc lại rằng gien được hình thành từ những mẫu tự DNA (A, T, G và C).
Tính bằng chiều dài, bộ gien của chuột (2.5 tỉ mẫu tự) ngắn hơn khoảng 14% so với bộ gien trong con người 2.9 tỉ mẫu tự). Tuy bộ gien của con người lớn và dài hơn so với chuột, nhưng điều này không có nghĩa là gien chúng ta tốt hơn hay phức tạp hơn, bởi vì một số nhóm mẫu tự DNA trong con người lặp lại nhiều lần, và những mảng DNA này không có chức năng gì quan trọng. Ngoài ra, chuột có nhiều gien liên quan đến khứu giác hơn con người. Đối với chuột, ngửi là một vũ khí lợi hại, nhất là trong việc cưới vợ hỏi chồng. Ngoài ra, chuột có nhiều gien liên quan đến tái sản xuất và miễn dịch hơn con người.