VĂN CÚNG TẾT NGUYÊN ĐÁN
(www.thongtri.com sưu tầm biên soạn gởi các bạn đọc giả tham khảo có thể dùng trong những ngày tết nguyên đán)
1.CÁCH SẮM LỄ VẬT VÀ MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT
Mâm ngũ quả, Chọn hoa quả thờ ngày Tết thì điều quan trọng là nên mua hoa quả chưa chín, nhất là chuối, phải là chuối còn xanh, có vậy nó mới giữ được "phong độ" trong suốt khoảng hai tuần ngự trên tủ, nếu không nó chín rụng, đen thui lại thì rất xấu.
Người , mâm ngũ quả có thể là : Mãng cầu, dừa xiêm, đu đủ, xoài xanh, một nhành sung, hoặc một thứ quả khác.
Người Bắc, mâm ngũ quả thường là : Phật Thủ ( hoặc Bưởi, nếu không có ), nải chuối xanh, cái "râu" ở đầu quả của chúng phải con nguyên, chưa rụng, hình như các cụ gọi là "đầu ruồi" gì ấy mà ) cam sành, hồng, quất. ( Mỗi gia đình đôi khi có thêm thắt một hai thứ quả khác nhau, nhưng cơ bản là phải có Bưởi hoặc Phật Thủ, chuối xanh và quất ).
Lễ cúng Giao Thừa, gồm có lễ ngoài trời và trong nhà.
Lễ cúng Giao Thừa ngoài trời : Đây là lễ cúng tiễn vị thần cựu vương hành khiển ( vị thần phụ trách việc coi sóc dân, cai quản hạ giới ) của năm cũ đi, và đón ông mới về . Nên chuẩn bị lễ sẵn trước phút Giao Thừa, đừng để qua giờ Giao Thừa mới bắt đầu bê mâm ra.
Sắm lễ cúng Giao Thừa ngoài trời :
- Gà trống tơ, luộc ( thời xưa còn dùng thủ lợn )
- Bánh Chưng
- Đèn nến
- Vàng mã
- Hoa tươi
- Trầu cau
- Rượu/ trà ( rượu trước, sau đến trà )
- Một chiếc mũ chuồn mua của hàng mã ( giống trong Tuồng Chèo ấy ), chính là mũ để cúng tế vị thần.
Lễ cúng Giao Thừa trong nhà : Là lễ cúng Thổ Công, thần Thổ Công là vị thần cai quản trong nhà. Lễ vật tương tự như cúng ngoài trời, chỉ bỏ mũ chuồn.
Các gia đình thường làm thêm cả món chè hoa cau, chè kho... cúng giao thừa.
Cơm tất niên ( chiều 30 Tết ),
Đồ nếp truyền thống :
- Bánh Chưng
- Xôi Gấc
- Chè kho
Các loại Giò :
- Giò lụa
- Giò xào giòn
Các món nộm, salad :
- Nộm Đu Đủ thịt bò
- Nộm rau câu
- Dưa Góp : su hào, cà rốt, dưa chuột... và củ hành muối.
Món Nguội :
- Gà luộc
- Bê tái chanh
- Bắp bò ướp ngũ vị hương, hấp chín
- Bắp bò ngâm mắm
Món chiên, rán :
- Mực ống nhồi tôm, thịt nướng mật ong
- Chả cá Tuyết Hoa
- Chả mực Tuyết Hoa
- Gà rán mật ong, lá chanh
- Nem
Món ninh, hầm :
- Chân Giò ninh măng
- Mọc nấu măng, mộc nhĩ
- Bông Nấm trắng làm từ đậu nành ninh măng, mộc nhĩ
Món nước :
- Miến gà - măng
- Bún sườn - măng
- Bún Thang
- Bún Tôm
- Hoặc một nồi lẩu Cá/ Nấm...
Cách luộc gà thì nhiều nhà làm na ná như nhau thôi.
Gà luộc cho cơm tất niên hơi khác với gà cúng Giao Thừa. Gà cúng Giao Thừa phải là gà trống non, cúng là chính.
Gà cho cơm tất niên ( cơm chiều ), thì mục đích là để ăn nữa, vì vậy nên chọn gà mái, con nào nhìn bụ bẫm kiểu đã đẻ trứng ( giống gái một con ở người ý )
Gà rửa sạch, để không còn tí tiết nào làm đục nước. Một củ gừng nướng, một củ hành nướng, đập dập, bỏ vào nồi nước luộc gà. Nước luộc gà phải là nước lạnh, nếu cho nước nóng sẵn, da gà bị nóng đột ngột sẽ co lại, dễ bị rách, nước ngập thân gà. Ban đầu đun cho nồi nước sôi lên, nhưng không để lửa to để nó sôi sùng sục, tính sao cho khi nước sôi, nó sủi một cách nhẹ nhàng thôi, hớt bỏ bọt nếu có, luộc như thế chừng 7- 8'', nếu là gà non, cúng Giao Thừa, nếu là gà mái to, thì luộc lâu hơn một chút, có thể 10'' . Tắt bếp,dậy vung để gà ngâm trong nước luộc thêm 5, phút ( nếu là bếp than ), còn là bếp ga, điện thì nên để lửa nhỏ tí xíu thay vì tắt bếp hoàn toàn và ngâm gà trong nồi. Bởi vì nếu là bếp than, thì người ta đặt nồi gà ra ngoài, không sôi nữa nhưng bên mép bếp nó vẫn giữ nhiệt đủ để gà âm ỉ chín, còn bếp điện và ga, khi mình tắt thì nó nguội hoàn toàn.
Lấy gà ra ngoài, muốn thịt gà giòn thì xả ngay vào nước thật lạnh, để ráo nước rồi bầy ra đĩa.
Khi chặt gà phải để gà thật nguội mới chặt, thì miếng gà mới gọn gàng, sắc nét, còn chặt khi nóng, vừa bị bắn, miếng thịt vừa nhũn, méo mó.
2.CÚNG ÔNG TÁO NGÀY 23 THÁNG CHẠP
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm người ta luôn cúng ông Táo. Ông Táo là thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà. Ông Táo còn được gọi là Thổ Công lên chầu trời nên có nơi gọi ngày này là Tết ông Công, lễ cúng có cá chép vì người Việt cho rằng, ông Táo cưỡi cá chép lên trời.
Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán.
Nghi lễ cúng Ông Táo
Theo tục cổ truyền của người Việt thì Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ, "đầu rau" hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nhà bếp. Vào ngày này, Táo quân sẽ lên thiên đình để báo cáo mọi việc lớn nhỏ trong nhà của gia chủ với Thượng Đế (hay Ông Trời). Táo quân cũng còn gọi là Táo công là vị thần bảo vệ nơi gia đình mình cư ngụ và thường được thờ ở nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp. Vị Táo quân quanh năm chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể. Lễ vật cúng Táo công gồm có: mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những giây kim tuyết màu sắc sặc sỡ. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Thí dụ:
+ Năm hành kim thì dùng màu Trắng
+ Năm hành mộc thì dùng màu Xanh
+ Năm hành thủy thì dùng màu Đen (năm 2013 Quý Tỵ)
+ Năm hành hỏa thì dùng màu đỏ
+ Năm hành thổ thì dùng màu Vàng
Những đồ "vàng mã" này (mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo Công.
Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy!
Ngoài ra, để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông sau khi cúng).
Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.
Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng...v...v) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc..v...v..) để tiễn Táo công.
Sự tích Táo quân bắt nguồn từ Trung Hoa, truyện đã được "Việt Nam hóa" với nhiều tình tiết khác nhau. Tuy nhiên, các câu truyện vẫn nói lên "tình nghĩa yêu thương" giữa một người vợ và hai người chồng cũ và mới. Chính vì những mối ân tình đó mà ba người đều đã quyên sinh vì nhau. Thượng đế thông cảm mối tình sâu nghĩa đậm này đã cho về bếp núc ở gia đình... Bài vị thờ vua Bếp thường được ghi vắn tắt là "Định Phúc táo Quân" nghĩa là thần định mọi sự hạnh phúc.
Bài văn khấn cúng 23 tháng chạp (ông táo về trời)
(Nam mô A di đà Phật)
Nay nhân ngày 23 tháng Chạp
Lòng chúng con dào dạt mênh mông
Toàn gia quyết dốc một lòng
Sắm lễ mọn dâng lên dinh tọa
Đã nhất tâm một lòng một dạ
Thắp hương thơm lễ tạ chư thần
Đông trù tư mệnh. Táo phủ thần quân
Ngài là chủ ngũ tại chư thần xét soi
Người trần phạm tục phạm sai
Cúi nhận lỗi các ngài gia ân
Ban lộc ban phước ban phần
Công bằng hợp lý mười phân vẹn mười
Hôm nay ngài sắp về trời
Lòng con tâm niệm vài cầu xin
Cầu cho trăm họ bình yên
Cầu cho gia sự ấm êm thuận hòa
Xanh như lá, đẹp như hoa
Bước sang xuân mới trẻ già yên vui
(Họ tên… số nhà… đường phố)
Cùng nhất tâm cẩn cáo
Nam mô A di đà Phật
(Khấn xong 3 lần rồi đốt vàng. Nếu cúng cá chép sống thì đem thả ra sông)
3.VĂN KHẤN LỄ TẠ MỘ VÀO NGÀY 30 TẾT.
( phải Tạ Mộ để xin phép Thổ Thần Thổ Địa nơi đó cho Ông Bà về ăn Tết ).
NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT !
Kính lạy : _ Ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế Chí Đức Tôn Thần, Ngũ Ôn Chi Thần , Nguyễn Tào Phán Quan.
_ Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương.
_ Ngài Bản xứ Thần Linh Thổ Địa Tôn thần.
_ Các Ngài Ngũ phương , Ngũ thổ long mạch Tôn thần , Tiền Chu Tước , Hậu Huyền Vũ , Tả Thanh Long , Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn thần cai quản ở trong xứ này.
Kính lạy Hương Linh cụ...........
Hôm nay là ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp , nhằm tiết cuối đông sắp sang năm mới.
Chúng con là :...............
Sắm sanh phẩm vật , hương hoa phù tửu lễ nghi , trình cáo Tôn Thần , kính rước vong linh Bản Gia Tiên Tổ chúng con là..........
có phần mộ tại đây về với gia đình đón năm mới , để cho cháu con phụng sự trong tiết xuân thiên , báo đáp ân thâm , tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn Thần , phù thùy doãn hứa. Âm dương cách trở , bát nước nén hương , biểu tấm lòng thành , cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
4. LỄ TẤT NIÊN NGÀY 30 TẾT
Người Việt Nam có khá nhiều lễ tết như Tết Thượng nguyên, Tết Trung nguyên, Tết Trung thu, Tết Hạ nguyên, Tết Hàn thực, Tết Đoan ngọ, Tết Ông Táo … Nhưng quan trọng hơn cả là Tết Nguyên đán. “Nguyên đán” là “ngày đầu năm” (“nguyên” là đầu, bắt đầu, lớn, “đán” là buổi sớm – theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh). Như vậy, ngày mùng một tháng giêng là ngày bắt đầu Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, trong dân gian từ ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng chạp) không khí Tết đã rộn ràng, biểu hiện rõ nhất là người ta cùng chuẩn bị mọi thứ để đón xuân. Vào ngày 30 thì cả cộng đồng đều “rước ông bà” về ăn Tết. Nhiều gia đình thực hiện nghi lễ thiêng liêng này từ ngày 28 hoặc 29 tháng chạp (rồi đến ngày 30 tiếp tục cúng cơm trên bàn thờ gia tiên và tập trung vào việc đón giao thừa).
Người Việt cũng như nhiều dân tộc khác tin con người có linh hồn. Thể xác có thể mất đi nhưng linh hồn thì bất diệt, chết chỉ là “về thế giới bên kia”, là hoàn thành cuộc hành trình qua “cõi tạm” (quan niệm “sinh ký tử qui”- sống gửi thác về). Nhưng như thế vẫn chưa đủ bởi vì nếu chết là vĩnh viễn ra đi thì không thể “rước” trở về. Cùng với niềm tin con người có linh hồn, người Việt còn cho rằng người chết vẫn giữ “quan hệ” với người thân như lúc còn sống. Điều này đã trở thành tâm thức dân gian khiến cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên từ lâu đã trở thành “Đạo” thờ ông bà :
Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ (Nguyễn Đình Chiểu)
Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu (Ca dao)
Chữ “thờ” ở đây hiểu là tôn kính, nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ lúc còn sống và thờ cúng khi họ đã khuất. Do “dương gian âm phủ đồng nhất lý”, người chết cũng có nhu cầu ăn uống như người sống. Người ta cúng cơm trên bàn thờ ông bà trước khi ăn mỗi ngày hoặc khấn vái trước khi cầm đũa. Ông bà còn được “thỉnh” về chứng giám khi gia đình có hỉ sự (đám hỏi, đám cưới, con cái thi đậu, có người qua cơn bạo bệnh …) cho nên mỗi nhà đều rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu.
Gia đình nào bận việc làm ăn thì trễ lắm đến chiều 30 bà thờ tổ tiên cũng phải tươm tất: bộ lư đồng được lau chùi, đánh bóng, lư hương sạch sẽ, dĩa ngũ quả (thường kèm theo hai dĩa đặt tương xứng nhau với dưa hấu có chuối xiêm bao quanh, một dĩa bánh mứt). Thức cúng phổ biến của người đồng bằng sông Cửu Long là thịt heo (gà, vịt) luộc hoặc cá lóc hấp hay nướng trui, dĩ nhiên là không thể thiếu cháo hoặc cơm, rượu trắng và nước trà. Người lớn tuổi nhất trong gia đình hoặc một người nào đó trong nhà hành lễ trước tiên, sau đó tất cả mọi người đều cúng lạy. Trong làn khói nhang nhè nhẹ bay, người ta khấn nguyện nhiều khi âm thanh phát ra rõ từng câu có thể nghe được. Lời khấn nguyện này nội dung chủ yếu thường là lời mời tôn kính và lời cầu xin được chở che, phù hộ.
Văn Khấn
- Nam mô A di đà Phật (3 lần)
Con kính lạy: - Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn Thần
- Ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế chí Đức Tôn Thần
- Ngài bản cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương
- Các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân cùng tất cả các vị thần linh cai quản ở trong xứ này.
Con kính lạy: Chư gia Cao tằng Tổ Khảo, Cao tằng Tổ Tỷ, Tiên linh nôi ngoại
Hôm nay ngày 30 tháng Chạp năm …
Tín chủ con tên là:
Ngụ tại:
Trước án toạ kính cẩn thưa trình:
Đông tàn sắp hết, năm kiệt, tháng cùng, Xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới. Nay là ngày 29 Tết (hoặc 30 tết), chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh, vàng nhang, trầu rượu, sửa lễ tất niên dâng cúng thiên địa Tôn Thần, phụng hiến tổ tiên truy niệm chư linh. Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị Tôn Thần, liệt vị gia tiên, Những người hữu danh vô vị, hữu vị vô danh, Tảo sa tảo lạc...Những người nay đây mái đó! vong vị vô hình, đi không rõ, về không tỏ, nhân gian lãng tử, bản xứ tiền hậu chư hương linh giáng lâm án toạ, mật thuỳ chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho toàn gia tứ thời cát khánh, bình an thịnh vượng.
Giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Nam Mô A Di Đà Phật ( 3 lần)
CẨN CÁO
5. VĂN KHẤN LỄ GIAO THỪA TRONG NHÀ.
NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT ( 3 lần )
Kính lạy : _ Đức Đương Lai hạ sinh DI LẶC Tôn Phật.
_ Hoàng Thiên , Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.
_ Long Mạch , Táo Quân , chư vị Tôn Thần.
_ Các cụ Tổ Tiên nội , ngoại chư vị tiên linh.
Nay phút giao thừa năm Mậu Tý ,
Chúng con là...........................
Ngụ tại.............................................
Phút giao thừa vừa tới , nay theo vận luật , tống cựu nghênh tân , giờ Tý đầu Xuân , đón mừng Nguyên Đán , tín chủ chúng con thành tâm , sửa biện hương hoa phẩm vật , nghi lễ cung trần , dâng lên trước án , cúng dâng Phật Thánh , dâng hiến Tôn Thần , tiến cúng Tổ Tiên , đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con xin kính mời :
Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương , Ngài Bản xứ Thần Linh Thổ Địa , Phúc Đức Chính Thần , các Ngài Ngũ phương , Ngũ thổ , Long Mạch Tài Thần , các Ngài Bản gia Táo Quân và chư vị Thần Linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật. Con lại kính mời các cụ tiên linh Cao Tằng Tổ Khảo , Cao Tằng Tổ Tỷ , Bá thúc huynh đệ , Cô dì tỷ muội , nội ngoại tộc chư vị hương linh cúi xin giáng về linh sàng hâm hưởng lễ vật.
Tín chủ lại kính mời các vị vong linh Tiền chủ , Hậu chủ , y thảo phụ mộc ở trong đất này. Nhân tiết giao thừa , giáng lâm trước án chiêm ngưỡng tân xuân , thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ : Minh niên khang thái , trú dạ cát tường. Thời thời được chữ bình an , gia đạo hưng long thịnh vượng.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
6. VĂN KHẤN LỄ GIAO THỪA NGOÀI TRỜI.
NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT ! ( 3 lần )
Kính lạy : _ Đức Đương lai hạ sinh DI LẶC TÔN PHẬT.
_ Hoàng Thiên , Hậu Thổ , chư vị Tôn Thần.
_ Ngài Cựu Niên Đương cai Hành khiển.
_ Đương niên Thiên Quan Chu Vương Hành khiển , Thiên Ôn hành binh chi thần , Lý Tào phán quan năm …..
_ Các Ngài Ngũ phương , Ngũ thổ , Long mạch , Táo Quân , chư vị Tôn Thần.
Nay là phút giao thừa năm …..
Chúng con là.................
Ngụ tại ......................
Phút thiêng giao thừa vừa tới , năm cũ qua đi , đón mừng năm mới , tam dương khai thái , vạn tượng canh tân. Nay Ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Thượng Đế giám sát vạn dân , dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều để khuyết , lưu phúc lưu ân. Quan mới xuống thay , thể đức hiều sinh , ban tài tiếp lộc. Nhân buổi tân xuân , tín chủ chúng con thành tâm , sửa biện hương hoa phẩm vật , nghi lễ cung trần , dâng lên trước án. Cúng dâng Phật Thánh , dâng hiến Tôn Thần , đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời : Ngài Cựu niên Đương cai , Ngài Tân niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần , Ngài Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương , Ngài Bản xứ Thần Linh Thổ Địa , Phúc Đức Chính Thần , các Ngài Ngũ phương , Ngũ thổ , Long mạch Tài Thần , các Bản gia Táo Quân và chư vị Thần Linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Nguyện cho tín chủ : Minh niên khang thái , trú dạ cát tường. Thời được chữ bình an , gia đạo hưng long thịnh vượng.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
7. VĂN KHẤN TỔ TIÊN NGÀY MÙNG 1 TẾT.
NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT !
Kính lạy : _ Đức Đương Lai hạ sinh DI LẶC Tôn Phật .
_ Các cụ Tổ Khảo , Tổ Tỷ , Bá thúc huynh đệ , Cô dì tỷ muội , đường thượng tiên linh các hương hồn nội tộc , ngoại tộc.
Nay theo Tuế luật , Âm Dương vận hành tới tuần Nguyên Đán , mồng Một đầu xuân mưa móc thấm nhuần , đón mừng năm mới. Con cháu tưởng niệm ân đức Tổ Tiên , như trời cao biển rộng , khôn đem tấc cỏ báo ba xuân. Do đó chúng con cùng toàn thể con cháu trong nhà sửa sang lễ vật , oản quả hương hoa kính dâng lên trước án.
Kính mời các cụ Cao Tằng Tổ Khảo , Cao Tằng Tổ Tỷ , Bá thúc đệ huynh , Cô dì tỷ muội , nam nữ tử tôn nội ngoại. Cúi xin thương xót con cháu , linh thiêng giáng về linh sàng , hâm hưởng lễ vật. Phù hộ độ trì cho con cháu năm mới an khang , mọi bề thuận lợi , sự nghiệp hanh thông. Bốn mùa không hạn ách nào xâm , tám tiết có điềm lành tiếp ứng. Tín chủ lại mời : các vị vong linh , tiền chủ , hậu chủ ở trong đất này cùng về hâm hường.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.
8.VĂN KHẤN LỄ TẠ NĂM MỚI (MÙNG 3)
Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Kính lạy:
- Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn Thần.
- Ngài Đương niên, Ngài Bản Cảnh Thành Hoàng, các Ngài Thổ Địa, Táo Quân,
Long Mạch Tôn Thần
- Các Tổ Khảo, Tổ Tỷ, nội ngoại tiên linh. Hôm nay là ngày mồng Ba tháng Giêng năm …..
Tín chủ chúng con ..........................
Ngụ tại ..........................................
Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cúng dâng trước án. Kính cẩn thưa trình: Tiệc xuân đã mãn, Nguyên Đán đã qua, nay xin thiêu hoá kim ngân, lễ tạ Tôn Thần, rước tiễn tiên linh trở về Âm giới. Kính xin: lưu phúc lưu ân, phù hộ độ trì, dương cơ âm mộ, mọi chỗ tốt lành. Cháu con được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng. Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.