10 Nguyên tắc lớn của Phong Thuỷ
1. Một hệ thống chỉnh thể :
Một môn khoa học hoàn chỉnh phải có một chỉnh thể hệ thống luận thống nhất. Trước đây chúng ta hay bắt gặp những mảnh vụn của một lý thuyết hợp nhất nên có cảm tưởng rằng Phong Thuỷ là một môn khoa học phiến diện thiếu tính hệ thống. Kỳ thực nó phải dựa trên một chỉnh thể hệ thống luận, lấy con người làm trung tâm của thiên nhiên, bao quát thiên địa vạn vật, hoàn cảnh xung quanh con người có nhiều yếu tố chúng có mối liên hệ tương hỗ, hạn chế, tương hỗ tồn tại, tương hỗ đối lập và chuyển hoá. Phong Thuỷ học có mục đích truy tìm những nhân tố này, xem xét để tối ưu hoá kết cấu giữa các nhân tố tìm sự tổ hợp tốt đẹp nhất. Phong Thuỷ luôn quan tâm chú ý đến tính chất chỉnh thể của hoàn cảnh. Hoàng đế Trạch Kinh viết : "Lấy hình thế như thân thể, lấy sông nước như huyết mạch, lấy đất đai như da thịt, lấy thảo mộc như lông tóc, lấy đường ốc như y phục, lấy cổng cửa như đai mũ, nhược đắc như suy nghĩ, xem xét nghiêm túc như thế là thượng cát". Như vậy ứng dụng nguyên tắc này vào môn Phong Thủy là phải xem xét thấu đáo tất cả các nhân tố xung quanh môi trường, phối hợp, loại bỏ và tương tác chúng theo một hệ thống thống nhất đặt con người là trung tâm. Phong Thuỷ hiện đại còn cần lấy con người, mục đích sinh sống làm việc của con người làm trọng tâm.
2. Nguyên tắc Nhân - Địa phù hợp :
Nguyên tắc này là căn cứ tính chất của hoàn cảnh khách quan để thích nghi với mục đích, phương thức sinh hoạt của con người. Nước ta địa hình phức tạp, đồi núi sông hồ đa dạng, địa mạch kéo dài, thổ nhưỡng khí hậu đa dạng, địa hình thiếu đồng nhất. Mỗi vùng mỗi miền có một đặc trưng riêng về đất đai, mạch núi mạch sông, khí hậu, lượng mưa, rừng nhiều ít. Miền Tây Bắc thì núi non trùng điệp, khí hậu lạnh cần tàng phong tụ khí, tránh khí lạnh xâm nhập, tránh lụt lội lở đất. Miền Nam thì nắng nhiều, mưa ít phòng hoả hoạn, hạn hán. Chính vì thế phải phân hoạch cụ thể mỗi vùng thì phù hợp với Phong Thuỷ như thế nào, từ đó có cách thức hài hoà với điều kiện sinh sống và làm việc của con người.
3. Nguyên tắc dựa vào sơn thuỷ :
Nguyên tắc nương dựa theo sơn thuỷ là nguyên tắc tối cơ bản nhất của Phong Thuỷ, sơn mạch đại địa là khởi nguyên của năng lượng, thuỷ là mẹ của vạn vật, nếu không có mạch nước mạch núi thì con người và vạn vật không thể tồn tại. Nương theo hình thế sơn thuỷ chia làm hai loại, loại thứ nhất là "sơn bao huyệt" đất bao xung quanh huyệt, tức là xung quanh huyệt có ba mặt bao quanh bởi quần thể núi non, ở giữa là khoảng không, mặt phía nam của huyệt khoáng đạt có minh đường rộng lớn. Thế mạch núi của nước ta kéo dài trùng điệp theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, kéo dài qua hàng trăm cây số đột nhiên hội tụ lại, 3 phương Tây, Bắc, Đông hội tụ thành 3 đỉnh núi thế liên hoa như đài sen nở ra ôm lấy nhuỵ, ở giữa là huyệt tốt lành. Nếu là làng xóm, thị trấn thì yên bình phát triển. Nếu là huyệt nhỏ thì thành gia đình uy danh phú quý phát nhiều đời, nam nữ già trẻ tôn ti phép tắc phúc thọ lâu dài.
Loại thứ hai là loại "huyệt bao sơn", tức là lấy một ngọn núi trung tâm làm chủ, nhà cửa xây dựng lấy núi làm lưng mà dựa vào, hướng ra xung quanh. Núi ở sau lưng che chở bảo vệ cho huyệt thành thế đượ che chắn, tàng phong tụ khí vốn là nguyên lý chuẩn tắc của Phong Thuỷ, những đỉnh núi đẹp đẽ, địa mạch cát lành hội tụ, phía trước đỉnh núi thường có sông hồ hội tụ làm minh đường, thế toạ núi nhìn sông thường thấy nhất trong các huyệt vị đẹp về Phong Thuỷ.
4. Nguyên tắc quan sát hình thế :
Phong Thủy vô cùng quan trọng việc quan sát hình thế mạch khí, sơn thuỷ vì có quan hệ trực tiếp đến học phúc, phải quan sát tiểu cục thông qua sự tương quan với đại cục. Nếu đại cục hưng vượng thì cho dù tiểu cục có xấu cũng không đang ngại, nếu cả hai cùng xấu thì không nên dùng. Thoạt tiên phải xem xét tổ sơn long mạch xuất phát từ đâu đến, sau xem xét cụ thể các đỉnh núi mà long nhập thủ, xem xét cốt cách, hình dáng luận tính chất của mạch, xem xét sa sơn, thuỷ đến, thuỷ đi, xem xét minh đường rồi mới xem đến cách cục nơi huyệt toạ lạc. Nhiều khi thông qua quan sát hình thế đã phần nào nhận định được hoạ phúc, đó cũng chính là điểm mấu chốt của trường phái hình thế khi xem xét Phong Thuỷ. Cách thức chung nhất thường là xem xét xem long mạch chạy theo hình thế như thế nào, sau đó quan sát nơi có quần sơn toạ thủ hoặc nơi long mạch đổi hướng thì chắc chắn có huyệt, tìm kiếm các sơn bao bọc huyệt, dựa vào thuỷ tìm ra minh đường, rồi luận đến tính chất tốt xấu của huyệt dựa vào hình thế núi non sông nước, hình thế của án sơn, sa sơn, thuỷ đến, thủy đi.
5. Thẩm định địa chất :
Phong Thuỷ không thể không có khoa học về địa chất, riêng môn địa chất đã chứng minh được là nó có những liên hệ mật thiết đến sức khoẻ đời sống con người. Con người luôn có những dao động điện từ, ngay môi trường xung quanh cũng có những trường điện từ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người thông qua sự giao thoa về trường sóng. Những yếu tố sinh hoá cũng vô cùng quan trọng vì nó ảnh hưởng đến khí hậu và nguồn nước nơi con người sinh sống. Có thể khảo sát thông qua những yếu tố sau :
- Sinh hoá : Phẩm chất của đất hàm chứa những nguyên tố có lợi cho sức khoẻ, tránh những nguyên tố phóng xạ hoặc gây hại cho sức khoẻ. Thông qua quan sát màu sắc, mùi vị của đất, cần được màu sắc tươi tắn, hoặc đỏ vàng, hoặc nâu đen mịn màng, tránh mùi vị tanh hôi. Chất lượng đất cũng có thể phát hiện thông qua sự sinh trưởng của thực vật vùng quanh huyệt.
- Từ trường : Nếu vùng đất tồn tại phóng xạ hoặc từ trường xấu cũng sẽ ảnh hướng đến sinh hoạt, từ trường cần thuần nhất, tránh hỗn tạp, thông qua đo đạc la bàn ở nhiều vị trí có thể xác định được từ trường của huyệt tốt hay xấu. Hiện có những trường phái cảm xạ thông qua con lắc để thẩm định từ trường quyết định mức độ tốt xấu của huyệt. Ngay trong quá trình xây dựng cũng cần thiết lưu ý điều này, tránh những nguồn phát từ trường có hại cho huyệt.
6. Thẩm định nguồn nước :
Nước vô cùng quan trọng đối với các sinh vật nói chung và với con người nói riêng. Về Phong Thuỷ, nước chính là những dòng mạch đi kèm hộ vệ cho sơn mạch. Chất lượng của đất quyết định chất lượng của nước bởi nước sinh từ trong lòng đất. Các phái Phong Thuỷ kinh điển chú trọng "tầm long nhận khí", nhận khí thuờng thủy", tức luôn lấy chất lượng thuỷ làm tiêu chuẩn đánh giá khí trường tốt xấu. Nên lưu ý những kinh nghiệm sau đây về chất lượng cuả nước : Quý nhất là sắc nước trong màu xanh ngọc, vị ngọt hoặc nước phát ra mùi thơm không tanh hôi chủ đại quý. Khí chất nước trong màu trắng, vị thanh, ấm áp chủ trung quý. Mạch nước cần dài sâu, bốn mùa xuân hạ thu đông đều không cạn kiệt. Tránh nước có màu sắc đen, sắc đỏ, nguồn nước hung dữ, nước vẩn đục tanh hôi, hoặc vị đắng chủ hung khí. Phải lưu ý rằng nếu nước xấu sẽ có những nguyên tố có hại cho sức khoẻ con người mà khoa học hiện đại cũng chỉ ra đó là những nhân tố có thể gây bệnh như ung thư.
7. Toạ bắc hướng nam :
Đối với các tỉnh phía Bắc, chịu ảnh hưởng chủ yếu của khí hậu nhiệt đới gió mùa, gió mùa thường thổi vào từ phương Bắc mang theo khí lạnh nên gọi là âm phong, chủ hại cho sức khoẻ con người và mọi vật. Phương nam thường có gió đông nam ấm áp, nhiều hơi nước gọi là dương phong tốt mang nhiều dương khí. Thường nhà cửa từ xưa đều chọn toạ bắc hướng nam vì vừa tránh được lạnh, vừa lấy được gió mát nam mùa hè. Tuy nhiên đối với các khu vực ở miền nam thì sự suy luận lại đảo ngược, phương bắc lại là phương tốt để lập hướng. Thông qua việc ngũ hành âm dương hoá các phương vị đã phản ánh được tính chất của khí hậu và sự vận chuyển các luồng khí theo thời gian và không gian.
8. Nguyên tắc hài hoà trung tâm :
Xét trong một chỉnh thể thống nhất, Phong Thuỷ tối quan trọng sự hài hoà âm dương, thể hiện ở nguyên lý nhà cửa phải hài hoà cân đối, không cao không thấp, không nghiêng lệch, thường được thiết kế theo nguyên tắc cân đối, đối xứng theo hình chữ Tam, chứ Tứ. Nếu hình thế quá cao thì gọi là cô dương không tốt chủ sự thái quá. Nếu hình thế quá thấp gọi là cô âm chủ sự bất cập, đòi hỏi phải cao vừa phải, cân xứng. Sau khi xây dựng nên các công trình sẽ hình thành nên trường khí, sự vận chuyển của khí phụ thuộc rất nhiều vào quy hoạch kiến trúc. Phải lấy khí uốn lượn hữu tình, tụ khí, tránh khí bị trực xạ, tản mát, minh đường cần rộng thoáng vừa với huyệt để dừng khí trước khi tụ lại huyệt. Lấy một toà nhà trung tâm làm chính, các phương tả hữu phải thiết kế phù trợ cho trung tâm, tránh to lớn hoặc cách xa trung tâm để tạo thế vua tôi triều củng.
9. Nguyên tắc cải tạo :
Ngoài việc thuận theo hình thế tự nhiên của núi sông, tìm ra nơi sinh khí tụ hội để xây dưng. Ngoài ra tự nhiên không phải bao giờ cũng tối ưu về mọi mặt. Thông qua sự khảo sát tìm ra khiếm khuyết của huyệt, dùng những cách thức cải sửa Phong Thuỷ thích hợp sẽ hoá giải được những bất cập. Nếu thiếu sơn thuỷ có thể xây dựng các công trình giả lập, khí không tụ tàng có thể xây dựng để hướng dẫn luồng đi của khí theo hướng thích hợp tránh được tản mát. Nếu chất lượng khí, nước không tốt có thể cải sửa thanh lọc dần biến hung thành cát hoặc ít ra cũng đỡ được một phần cái xấu.
10. Tiên tích đức hậu tầm long :
Cái đích cuối cùng cuả thuật Phong Thuỷ là đạt tới mức Thiên -Địa - Nhân tương hợp. Để sử dụng, cảm hoá được những nguồn năng lượng của trời đất, con người cũng phải có được những giá trị tương ứng về tâm linh với cùng một sự đồng cảm. Đòi hỏi phải tu nhân tích đức, chỉ khi có đức mới tìm ra được những huyệt vị tốt hài hoà với căn cơ của mình. Bởi luật nhân quả chi phối rốt ráo mọi hoạt động của con người.