Ngân hàng Liên Việt được trao tặng Bằng khen vì thành tích giúp xóa đói giảm nghèo tỉnh Hà Giang
Ngân hàng Liên Việt và Công ty Cổ phần Phát triển Xín Mần, do Ngân hàng Liên Việt và Cổ đông là Công ty Cổ phần Him Lam thành lập, vừa được trao tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2006-2010.
Lễ trao tặng bằng khen diễn tra trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết Chương trình giảm nghèo- giải quyết việc làm (GN- GQVL) giai đoạn 2006- 2010 và triển khai chương trình GN- GQVL- đào tạo nghề (giai đoạn 2011- 2015) do UBND tỉnh tổ chức ngày 20/01/2011.
Đồng chí Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo GN- GQVL và 135 tỉnh chủ trì hội nghị.
Công ty Cổ phần Phát triển Xín Mần được thành lập tháng 1/2010 nhằm hỗ trợ phát triển huyện nghèo Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Là mô hình công ty công ích hỗ trợ phát triển thuộc loại đầu tiên do một doanh nghiệp thực hiện đối với một địa phương nghèo thuộc diện 62 huyện nghèo trong toàn quốc. Các hoạt động hỗ trợ phát triển thông qua Công ty Cổ phần Phát triển Xín Mần hướng vào 3 trọng tâm là hỗ trợ xây dựng cầu treo giao thông và cơ sở giáo dục, hỗ trợ đào tạo nhân lực giáo dục – y tế, giúp tăng cường giao lưu thương mại.
Tổng tài trợ cho các dự án của Công ty được cam kết lên tới 200 tỷ đồng. Hoạt động theo mô hình công ty công ích nên toàn bộ lợi nhuận của Công ty Cổ phần Phát triển Xín Mần sẽ được dùng để tái đầu tư, phục vụ mục tiêu hỗ trợ giảm nghèo và phát triển huyện Xín Mần, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết 30A/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước.
Chương trình GN-GQVL giai đoạn 2006- 2010 của tỉnh Hà Giang được đánh giá là có hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo từ 51% năm 2006, giảm xuống còn 15,12% năm 2010. Các chính sách, dự án GN- GQVL giúp người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Đặc biệt trong thời gian qua, nhiều chương trình mới được triển khai, thực hiện như Nghị quyết 30a; cuộc vận động ủng hộ giống gia súc nuôi luân chuyển, phản nằm màn cho hộ nghèo và một số chương trình khác đã huy động được hàng trăm tỷ đồng cho công tác GN- GQVL.
Về chương trình mục tiêu giải quyết việc làm, trong 5 năm vừa qua việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh như: chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt; dự án dạy nghề; dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo…đã tạo cơ hội cho người lao động nói chung và lực lượng thanh niên nói riêng trong việc học nghề và tìm kiếm việc làm.
Thông qua thực hiện các chương trình, dự án đã hỗ trợ giải quyết việc làm mới cho trên 68 nghìn người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 30%. Tuy nhiên, do điều kiện xuất phát điểm của tỉnh thấp, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Vấn đề thiếu đất, thiếu nước sản xuất vẫn đang là thách thức lớn đối với chính quyền địa phương. Công tác giải quyết việc làm vẫn còn nhiều hạn chế, chất lượng việc làm chưa cao, tính ổn định và bền vững còn thấp. Ngoài ra các dự án vay vốn giải quyết việc làm chủ yếu là trong lĩnh vực phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp nên chỉ tăng thời gian làm việc, chưa tạo được việc làm mới.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm nâng cao công tác GN- GQVL trong giai đoạn 2011- 2015.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sèn Chỉn Ly ghi nhận, biểu dương kết quả triển khai thực hiện chương trình GN- GQVL và đào tạo nhề giai đoạn 2006-2010, thực hiện Nghị quyết 30a của các ngành, các cấp. Để Chương trình tiếp tục phát huy có hiệu quả trong giai đoạn tới, đồng chí yêu cầu: Các cấp, các ngành cần nắm rõ, tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và các chính sách của Nhà nước về phát triển KT-XH, giảm nghèo nhanh và bền vững đến với người dân, người lao động; triển khai có hiệu quả các chính sách, dự án có liên quan đến GN- GQVL.