Him Lam xin 1.000 hécta trồng 'cây tỷ đô'
Thông tin trên được ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), đơn vị cùng Công ty cổ phần Him Lam triển khai dự án trồng mắc ca tại Tây Nguyên chia sẻ.
Theo ông, Him Lam sẽ xin 1.000ha đất tại mỗi tỉnh Tây Nguyên để ươm giống và cung cấp giống theo tiêu chuẩn quốc tế cho nông dân. Dự kiến, trong năm 2015, công ty này cũng sẽ khởi công và hoàn thành việc xây dựng nhà máy chế biến mắc ca và thành lập Hiệp hội mắc ca Việt Nam.
"Nhà máy chế biến mắc ca sẽ đưa người nông dân thành công nhân, cho phép họ làm giàu trên chính mảnh đất của mình", ông Hưởng nói. Cùng với đó, quy trình cho vay tín chấp dành cho các hộ nông dân trồng mắc ca cũng được LienVietPostBank xây dựng, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2015.
Việt Nam hiện có khoảng 2.000ha cây mắc ca. |
Ông Quách Đại Minh, Vụ phó Vụ phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết hiện nay mắc ca đã được công nhận là cây lâm nghiệp, do đó khi trồng loại cây này ở Tây Nguyên, doanh nghiệp sẽ không phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.
Ngoài ra, ông Minh kiến nghị nên có kinh phí và giao cho các tỉnh xây dựng quy hoạch chi tiết trồng cây mắc ca, còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ xây dựng quy hoạch định hướng. "Trồng cây mắc ca cần phải có quy hoạch vì đây là loại cây dài ngày", vị này nhấn mạnh.
Theo Giáo sư Hoàng Hòe, Việt Nam cũng nên sớm có một Hiệp hội mắc ca để đẩy mạnh ngành công nghiệp này. "Ngành công nghiệp mắc ca Việt Nam phát triển hơn Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia. Thậm chí, có thể gấp 10 lần Australia bởi họ mới có 20.000ha, còn Việt Nam tiến tới phải có 200.000ha", Giáo sư Hòe cho biết.
Song, trước khi có "sân chơi" trong nước, mới đây, Công ty cổ phần phần Him Lam đã trở thành thành viên của Hiệp hội mắc ca Australia. Đây sẽ là cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận với các nghiên cứu kỹ thuật về giống, công nghệ chế biến và sản phẩm mắc ca có thể tiêu thụ ở thị trường quốc