Ấm lại lòng người
Do ở chỗ cùng quê, có những đồng cảm, nên vài năm trước đây, hồi còn làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Hậu Giang, anh Tư Kiệt có mấy lần bàn với tôi về việc xây dựng lại ngôi đình Cái Dứa - đình làng xã Vĩnh Viễn ngày trước.
Có lần về thăm quê dưới Vĩnh Viễn, tôi đem ý định này nói lại, được bà con vui mừng và tán đồng nhiệt liệt! Theo các bậc kỳ lão ở Vĩnh Viễn, đình Cái Dứa xưa kia nằm phía Tây vàm rạch Cái Dứa, bằng cây lá, được dựng lên năm 1905, cùng thời với sự ra đời của làng Vĩnh Viễn. Do không hạp về mặt phong thủy nên năm 1925, đình được dời qua phía Đông vàm, nằm trong quần thể thiết chế văn hóa - hành chánh làng, bao gồm đình thần - trường tiểu học - nhà việc. Đình được xây dựng lại bằng bê tông kết hợp với gỗ tốt, phía trước có vỏ ca và bên hông có nhà tiệc rộng lớn, trông bề thế, uy nghi lắm. Ngôi trường tiểu học cạnh đình do thầy Phạm Hiển Thừa, người Đồng Tháp đứng dạy, thầy là người đầu tiên mang cái chữ tới gieo ở làng Vĩnh Viễn. Vĩnh Điền, soạn gia tầm cỡ ở Sài Gòn và miền Nam trước đây, tác giả vở cải lương nổi tiếng một thời “Tiếng trống Mê Linh”, từng là học trò của ngôi trường tiểu học này. Có lần má tôi bảo: “Đình làng là nơi thờ phượng những bậc tiền bối có công mở đất, những người có công với đất nước, dân tộc, nơi lưu truyền đạo đức nhân, lễ, nghĩa, trí, tín tốt đẹp của dân tộc. Cứ mỗi lần lễ hội kỳ yên, đều có hát bội, bà con trong vùng tụ hội về đây đông vui, náo nhiệt lắm. Thời gian qua còn để sao lãng, yên lặng quá, bà con cũng thấy trống lạnh trong lòng. Bây giờ được khôi phục lại chắc bà con vui mừng lắm!”.
Mấy người có trách nhiệm và tâm huyết đã có vài lần nhóm họp bàn kế hoạch xây dựng lại đình, nhưng chưa làm được, do bà con mình còn nghèo, thiếu người có đủ khả năng đứng ra tổ chức vận động để tiến hành việc làm quan trọng này. Bà con lại hỏi thăm và lại mong chờ…
Bẵng đi một thời gian. Hôm đó, sẵn dịp về thăm quê, tôi ghé thăm cậu Năm Bé, thuộc gánh con cháu trong đình ngày xưa. Trong lúc trò chuyện, bỗng được cậu thông tin vui, là ông Đại tướng Ba Trà ở Trung đoàn 1 ngày xưa, hứa sẽ vận động xây tặng bà con Vĩnh Viễn ngôi đình, tọa lạc nơi ngôi đình Cái Dứa xưa kia, trị giá ngôi đình khoảng xấp xỉ 500 triệu đồng, thật là một tin vui quá mức trông đợi của bà con! Tôi bèn đem thông tin này báo lại, bà con vui mừng quá đỗi, có người rơm rớm nước mắt…!
Sau này hỏi kỹ mới biết, ông Ba Trà vận động Công ty Him Lam đầu tư toàn bộ ngôi đình, từ khâu thiết kế đến khâu xây dựng, trồng cây xanh và trang trí nội thất, nghe đâu huy động toàn thợ Bắc có tay nghề cao đảm trách. Phần của xã và huyện thì lo khâu đất đai, mặt bằng. Con cháu trong làng thì lo sắm sửa các vật dụng nội thất. Ban Quản trị đình phối hợp với Công ty Him Lam lo các thứ chuẩn bị lễ khởi công và lễ khánh thành. Hôm lễ khởi công, ngày 18 tháng giêng năm Canh Dần (âm lịch), có ông Ba Trà và các quan chức đầu tỉnh về dự. Đại diện Ban quản trị các đình Nguyễn Trung Trực trong huyện cũng được mời về tham dự rút kinh nghiệm. Buổi lễ khởi công tuy được tổ chức đơn giản, nhưng đầy ắp nghĩa tình, Công ty Him Lam riêng tặng quý mẹ Việt Nam anh hùng trong xã mỗi mẹ 2 triệu đồng. Đúng như kế hoạch dự tính của ông Ba Trà, sau 150 ngày thi công khẩn trương, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Có một sự trùng hợp đầy ý nghĩa đối với bà con xã Vĩnh Viễn là, ngay ngày tổ chức lễ khánh thành Đình thần Cái Dứa, ngày 21 tháng 8 năm Canh Dần (âm lịch), cũng là ngày ra mắt xã Nông thôn mới Vĩnh Viễn, đặc biệt là trùng vào dịp lễ giỗ lần thứ 142 Vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực mà đình làng thờ phụng. Khung cảnh lễ khánh thành thật tưng bừng, náo nhiệt, quý quan khách và con cháu trong làng tụ hội về rất đông vui, chan hòa cả nỗi vui mừng và niềm xúc động. Đến tham dự lễ khánh thành, bên cạnh ông Ba Trà, còn có ông Bí thư Tỉnh ủy Hai Quang, ông Chủ tịch UBND tỉnh Bảy Chắc và các quan chức trong và ngoài huyện… Hôm đó trên nét mặt ông Ba Trà và các vị lãnh đạo tỉnh, huyện thấy rạng lên vẻ phấn khởi hân hoan pha lẫn niềm xúc động chân thành. Trong phần cảm tưởng của mình, ông Ba Trà xúc động nói: “Dân tộc ta có truyền thống uống nước nhớ nguồn hết sức tốt đẹp. Cụ Nguyễn Trung Trực là người có công đánh Tây ở vùng Rạch Giá ngày xưa này. Mảnh đất Vĩnh Viễn giàu truyền thống yêu nước, cách mạng do các bậc tiền hiền khai lập cơ nghiệp. Chính mảnh đất này, trong những năm kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ ác liệt, đã từng cưu mang, che chở chúng tôi được an toàn, vượt qua được khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Tâm nguyện của tôi là phải xây dựng ngôi đình tặng bà con nhân dân xã Vĩnh Viễn, trước là để làm nơi thờ phượng vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân mở đất lập làng, các mẹ Việt Nam anh hùng và các liệt sĩ trong xã có công trong kháng chiến giành độc lập, sau đó là thể hiện tấm lòng tri ân của tôi và đồng đội đối với bà con nhân dân xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Tôi tin rằng, truyền thống tốt đẹp này sẽ được lưu giữ và phát huy mãi mãi về sau!”. Tôi thấy mọi người chăm chú lắng nghe từng lời tâm tình gần gũi, chân thành của vị tướng mà bà con Vĩnh Viễn coi như người thân của mình, người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng làng quê Vĩnh Viễn, trong đó có lần trực tiếp chỉ huy tiêu diệt đồn Cái Dứa, ngay nơi đang xây dựng lại đình làng. Được biết năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp lễ tết thì ông Ba Trà lại tranh thủ thời giờ về thăm lại Hậu Giang, Long Mỹ, Vĩnh Viễn, đặc biệt là các gia đình từng nuôi chứa, chở che mình năm xưa, như bà Bảy Việt ở kênh Chống Mỹ, dì Tư Phi ở Vịnh Cái Dứa, cô Hai Thảo ở kênh Trực Thăng… Những nghĩa cử thủy chung cao đẹp đó đã để lại dấu ấn không phai mờ trong tình cảm của nhân dân Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu Giang. Bà con nói với nhau là, ông Ba Trà và các vị lãnh đạo của tỉnh Hậu Giang là những người biết quý trọng văn hóa truyền thống dân tộc, kể cả các giá trị tâm linh có ích, trong đó “tri ân, hiếu nghĩa” là một đạo lý ngời sáng, mang tính cốt lõi trong dòng chảy lịch sử dân tộc, giống như chúng ta thờ cúng ông bà vậy. Có điều bà con còn trăn trở là, dường như vừa qua chúng ta chưa có sự kết hợp hòa quyện giữa truyền thống cách mạng với truyền thống dân tộc, nên sức mạnh trong cộng đồng còn bị phân tán. Tôi rất tâm đắc với suy nghĩ và tình cảm của ông Ba Trà là, đã là tri ân thì chúng ta có thể thờ phượng các bậc tiền nhân có công mở đất, giữ làng và các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các liệt sĩ cùng một nơi, miễn sao nơi đó thể hiện tập trung tinh thần dân tộc, tình cảm của nhân dân, đình làng cũng là một nơi rất thích hợp. Mấy hôm nay, có dịp trở lại thăm ngôi đình, tôi cảm thấy vui và ấm lòng hơn khi thấy cậu Năm Bé đang soạn lại danh sách mẹ Việt Nam anh hùng và danh sách liệt sĩ của hai xã Vĩnh Viễn và Vĩnh Viễn A để đưa vào bàn thờ tri ân trong tỉnh. Hôm lễ khánh thành, nhìn dòng người hâm hở kéo về đình dự lễ hội mỗi lúc một đông, trong đó có cả những ông bà cụ tóc bạc lưng còm, tay run gậy trúc, thành kính thắp hương khấn lạy tổ tiên…, làm tôi chợt nhớ đến lời tâu của Nguyễn Trãi với vua Lê Thái Tông: “…yêu thương và nuôi dưỡng dân chúng để nơi thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán hận sầu than”. Hiện nay, giữa lúc chúng ta đang đi tìm phương thức thích hợp cho công tác vận động, tập hợp quần chúng, nâng cao tính thiết thực của các mô hình xã, ấp văn hóa, thiết nghĩ, đây có thể là một trong những hình thức quan trọng chăng? Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa X, về phát triển tam nông có ghi: “…Khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường, vươn lên của nông dân. Xây dựng xã hội nông thôn hòa thuận, dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”. Hiện nay ở các địa phương còn rất nhiều đình làng thờ Nguyễn Trung Trực, nhưng chưa được quan tâm phát huy đúng mức. Nếu nhìn từ góc độ văn hóa tinh thần và quan điểm xây dựng nông thôn mới của Đảng thì có thể nói đây là một tiềm năng lớn, quan trọng mà chúng ta chớ nên thờ ơ, bỏ phí! Sắp tới, địa phương nên có sắp xếp, tổ chức, để nơi đây trở thành một thiết chế văn hóa nông thôn thiết thực, vừa là nơi sinh hoạt tâm linh vừa là nơi tụ họp, giải trí lành mạnh của nhân dân. Sức mạnh tinh thần của quần chúng có thể biến thành sức mạnh vật chất to lớn, nếu chúng ta biết cách hun đúc, phát huy thì nó sẽ thăng hoa, kết quả…
Xuân Tân Mão 2011 - Tết cổ truyền của dân tộc sắp về. Trong ánh nắng ấm áp của bầu trời xuân, muôn loài hoa trái đang khoe sắc đua hương sau những ngày tàn đông giá rét. Lòng người cũng vậy, có ấm áp mới có tinh thần và nghị lực để mạnh bước trên chặng đường mới - chặng đường đưa tam nông Hậu Giang mau đến đích “sung túc”, văn minh!”.