Hướng đi mới xóa đói, giảm nghèo ở Xín Mần
Không dừng lại ở việc giúp đỡ huyện nghèo bằng việc mua xe, xây trường học như thường thấy, các đơn vị nhận "đỡ đầu" huyện Xín Mần, Hà Giang còn lập một công ty giúp địa phương tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm, để có hướng xóa nghèo bền vững!
Xưởng sơ chế nông sản của Công ty cổ phần phát triển Xín Mần vừa đầu tư
theo Ðề án hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2009-2020
Chú trọng phát triển sản xuất
Xín Mần là huyện phía tây tỉnh Hà Giang, có tên trong danh sách 62 huyện chưa thoát nghèo của cả nước. Theo Nghị quyết 30a/2008 của Chính phủ, huyện Xín Mần đã được hai đơn vị doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia chương trình là Công ty Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt nhận "đỡ đầu". Ngoài những khoản chi hỗ trợ khẩn cấp như xây trường học, làm cầu như nhiều đơn vị "đỡ đầu" khác vẫn giúp các huyện nghèo thì hai đơn vị này còn thuê tư vấn xây dựng Ðề án hỗ trợ giảm nghèo huyện Xín Mần giai đoạn 2009-2020. Ðồng thời, còn góp vốn, thành lập Công ty cổ phần phát triển Xín Mần, trụ sở tại huyện Xín Mần với vốn điều lệ 20 tỷ đồng để cùng chính quyền địa phương tổ chức triển khai đề án đã xây dựng.
Theo đề án này, trong vòng 11 năm, Công ty cổ phần phát triển Xín Mần sẽ tập trung hỗ trợ huyện Xín Mần phát triển trên ba lĩnh vực chính là, phát triển nguồn nhân lực, phát triển giao thông và phát triển sản xuất. Trong ba lĩnh vực này, Giám đốc công ty Ngô Trường Sơn nói: "Chúng tôi xem việc hỗ trợ phát triển sản xuất là quan trọng nhất, bởi đây là công cụ chính để giúp người dân nâng cao chất lượng sản xuất, thay đổi tư duy bao cấp để tự xóa đói, giảm nghèo bền vững".
Ðể thực hiện chiến lược phát triển sản xuất, từ năm 2009, Công ty cổ phần phát triển Xín Mần cùng chính quyền địa phương tổ chức vận động, đầu tư cho người dân trồng ngô lai theo hướng sản xuất để bán chứ không phải để treo quanh bếp làm lương thực để dành như lâu nay người dân địa phương vẫn làm. Giám đốc Ngô Trường Sơn cho biết: Sau khi vận động, nếu người dân đồng ý trồng ngô hàng hóa thì công ty sẽ cung ứng giống, phân bón tại trung tâm xã. Ðến mùa thu hoạch, công ty sẽ điều xe ô-tô đến tận thôn, xã để thu mua cho bà con với giá cao hơn giá thị trường. Số ngô thu mua, được đưa về nhà máy chế biến, làm thức ăn gia súc.
Thống kê từ phía công ty đến nay cho thấy, sau hai vụ triển khai, đã có 356 lượt hộ dân tham gia với diện tích 175 ha, năng suất trung bình đạt 60 tạ/ha. Sản lượng thu mua đạt 784,9 tấn.
Phát triển giống ngô xóa nghèo
Mặc dù vụ ngô hàng hóa năm 2011 ở huyện Xín Mần đã kết thúc cách đây gần hai tháng, nhưng khi chúng tôi đến, câu chuyện về gia đình ông Sùng Seo Dìn, 52 tuổi ở xã Pà Vầy Sử thu được 55 triệu đồng từ bán ngô vẫn còn là "cú sốc" với người dân nơi đây. Tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, một người dân đến liên hệ công việc đã thốt lên: "Mình trồng ngô nhiều đời nay nhưng chưa bao giờ thấy ai bán ngô thu được một triệu đồng. Còn như ông Sùng Seo Dìn lần này thì quá sức tưởng tượng".
Ông Sùng Seo Dìn nghe kể lại chuyện, chỉ cười. Vì bản thân ông cũng cảm thấy bất ngờ khi số tiền thu được quá lớn: "Mấy năm trước mình trồng giống ngô địa phương, thu hoạch rất ít, có năm không đủ ăn. Năm nay nghe cán bộ xã và công ty động viên nên đã trồng thử 45 kg giống ngô C919. Ðúng như hẹn, đến ngày thu hoạch công ty cho xe ô-tô vào xã thu mua. Lúc đầu mình không nghĩ được nhiều như vậy. Ðến khi cân, mình càng run, vì ngô của mình được hơn 20 tấn, bán được 55 triệu đồng, nhiều quá. Sau khi trả tiền ứng phân bón, giống của công ty, mình còn lại 43 triệu đồng. Có tiền, mình mua nhà, xe máy cho con trai hết 24 triệu đồng".
Vui không kém ông Dìn, tại xã Nấm Dẫn, Chủ tịch UBND xã Ðào Xuân Hòa cũng vừa thấy được kết quả thu hoạch từ 11,8 ha ngô lai trồng thử nghiệm. Chủ tịch Ðào Xuân Hòa nói: "Mấy lần trước mình kêu gọi người dân thay đổi cây trồng, gặp thất bại nhiều quá nên đợt này ngại, không dám khuyến khích người dân trồng ngô lai đồng loạt, chỉ dám tổ chức cho 32 hộ trồng thử nghiệm. Bây giờ đã có kết quả tốt, mỗi ha cho thu hoạch trung bình 60 tạ. Sau ba tháng trồng, tùy diện tích, mỗi hộ trồng ngô đã thu lãi từ 2 đến 10 triệu đồng".
Nhưng điều làm Chủ tịch UBND xã Nấm Dẫn vui hơn cả là "Từ thành công này, đồng bào trong xã đã tự đến UBND xã đăng ký mua giống ngô lai để sản xuất. Còn lãnh đạo xã như mình, khi thấy cây ngô có năng suất cao, lại có đơn vị bao tiêu sản phẩm nên ký duyệt cho dân trồng cũng thấy tự tin hơn. Ðây có thể coi là giống ngô xóa nghèo".
Trước thành công của cây ngô lai đã được khẳng định qua hai vụ, Bí thư Huyện ủy Xín Mần Dương Minh Hòa cho biết: Cách làm của hai doanh nghiệp là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Công ty Him Lam là cách làm hay. Trong khi nhiều nơi khác hỗ trợ huyện nghèo bằng cách mua xe, xây cầu thì hai công ty này đã tiến thêm một bước, đó là cùng huyện chia sẻ khó khăn. Và từ thành công của cây ngô lai theo Ðề án hỗ trợ giảm nghèo huyện Xín Mần, Ðảng bộ huyện Xín Mần mới đây đã ra nghị quyết đẩy mạnh phát triển diện tích trồng ngô hàng hóa, hướng đến mục tiêu sớm đưa Xín Mần ra khỏi danh sách huyện nghèo".
"Bà đỡ" bao tiêu sản phẩm
Trở lại việc tổ chức bao tiêu sản phẩm và hướng hoạt động của Công ty cổ phần phát triển huyện Xín Mần, trả lời thắc mắc của chúng tôi, Giám đốc công ty Ngô Trường Sơn cho biết, từ khi thành lập, công ty đã xác định đây là đơn vị hoạt động công ích, nếu có lợi nhuận sẽ đầu tư lại cho huyện.
Riêng về khả năng bao tiêu sản phẩm, Giám đốc Sơn trả lời rất tự tin: Sau khi thu mua, chúng tôi sẽ chế biến thành thức ăn gia súc rồi bán ra thị trường phục vụ người chăn nuôi ở Xín Mần và các huyện lân cận. Theo khảo sát của công ty, những sản phẩm cùng loại chở từ dưới xuôi lên thường có giá rất đắt. Sản phẩm công ty sản xuất tại địa phương nên giảm được cước vận chuyển, rất có lợi thế cạnh tranh. Ở Xín Mần và các huyện lân cận, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi rất lớn, nên chúng tôi không lo tồn đọng hàng. Về phía người trồng ngô cũng vậy. Họ trồng bao nhiêu, chúng tôi sẽ mua bấy nhiêu.
Mặc dù hướng phát triển của cây ngô hàng hóa ở Xín Mần đã thấy tương đối rõ nhưng theo Giám đốc Ngô Trường Sơn thì vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Ðó là chương trình trồng ngô hàng hóa còn mới nên ban đầu bản thân cán bộ xã, thôn chưa hiểu rõ về ý nghĩa lâu dài nên chưa sâu sát, nhiệt tình. Nhiều người dân còn nghĩ trồng ngô hàng hóa là làm cho Nhà nước, chứ không phải làm cho mình nên còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại... Vì thế, để chương trình có kết quả cao, Giám đốc Sơn kiến nghị huyện, xã, thôn cần xác định đưa mục tiêu phát triển cây ngô vào chương trình hành động là cây xóa đói, giảm nghèo lâu dài để tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Ðồng thời có chính sách khen thưởng kịp thời cho cán bộ thôn, xã khi thực hiện tốt nhiệm vụ này.