Những công trình nổi bật của TP HCM năm 2012
Khởi công tuyến metro đầu tiên của cả nước, hoàn thành cải tạo dòng kênh bẩn nhất Sài Gòn, khởi công cầu Sài Gòn 2, thông xe cầu Rạch Chiếc... là những kết quả nổi bật của ngành giao thông TP HCM trong năm 2012.
Khởi công tuyến metro đầu tiên của Việt Nam
Với tổng vốn đầu tư lên đến 2,4 tỷ USD, tuyến metro số 1 được khởi công ngày 28/8 là tuyến metro đầu tiên của TP HCM và cả Việt Nam. Công trình sẽ đưa vào sử dụng đầu năm 2018. Theo thiết kế, tuyến metro số 1 dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).
Ưu điểm nổi bật của metro là khả năng vận chuyển hành khách rất lớn, lên đến hàng trăm nghìn lượt người mỗi ngày. TP HCM đang kỳ vọng metro sẽ giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông do quá tải phương tiện cá nhân hiện nay, trước hết là khu vực phía Đông của thành phố, nơi mỗi ngày có hàng chục nghìn sinh viên đi lại. Và khi hoàn thành metro sẽ là "mạch máu giao thông của TP HCM".
Việc triển khai dự án tuyến metro số 1 còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đô thị dọc tuyến như quận 2, 9, Thủ Đức (TP HCM) và Thị xã Dĩ An (Bình Dương). Trong tương lai, tuyến metro này có thể được kéo dài đến thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và đấu nối với tuyến đường sắt liên vùng đến TP Thủ Dầu Một (Bình Dương).
"Hồi sinh" dòng kênh bẩn nhất Sài Gòn sau gần 2 thập kỷ
Từng được mệnh danh là dòng kênh bẩn nhất Sài Gòn với những khu nhà ổ chuột hai bên bờ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được "hồi sinh" sau gần 20 năm cải tạo. Ngày 18/8, dự án vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 1 và xây dựng cải tạo đường Hoàng Sa và Trường Sa đã được khánh thành.
Để làm sạch dòng kênh, từ năm 1993, thành phố đã giải tỏa hàng nghìn căn nhà lụp xụp hai bên bờ cùng với việc xây dựng hai tuyến đường ven. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng để đền bù giải tỏa và tái định cư cho gần 7.000 hộ dân sống ven kênh, nạo vét khoảng 260.000 m3 bùn đất, làm đường, lát vỉa hè, trồng cây xanh...
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được hồi sinh sau gần 20 năm cải tạo. Ảnh: Hữu Công. |
Năm 2003, kế hoạch "hồi sinh" dòng kênh tiếp tục được thực hiện bằng dự án vệ sinh môi trường nước Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ nguồn vốn tài trợ của ngân hàng quốc tế. Dự án có số vốn hơn 300 triệu USD với các hạng mục chính như nạo vét bùn dưới dòng kênh; lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải.
Khi dự án đi vào vận hành, toàn bộ nước thải sinh hoạt trên lưu vực sẽ không đổ xuống kênh mà chảy vào tuyến cống bao như một tuyến kênh ngầm để chảy về trạm bơm xử lý. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chỉ tiếp nhận nước mưa và nước từ sông Sài Gòn chảy vào, nhờ đó nước kênh dần trong xanh trở lại.
Mở đường cho tàu biển 70.000 tấn vào TP HCM
Với tổng số vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng, dự án nạo vét luồng sông Soài Rạp được khởi công vào cuối tháng 11 để "mở đường" cho tàu biển có tải trọng lên đến 70.000 tấn có thể ra vào TP HCM.
Tổng chiều dài nạo vét của dự án lên đến 54 km được thực hiện trên diện tích 1.308 ha mặt nước sông Soài Rạp ở TP HCM, Long An và Tiền Giang. Khối lượng bùn đất nạo vét đợt 1 hơn 11,5 triệu m3. Dự kiến sau 14 tháng thi công, luồng Soài Rạp đưa vào sử dụng sẽ làm tăng khối lượng hàng xuất nhập khẩu qua cụm cảng TP HCM, tăng thu ngân sách thuế xuất nhập khẩu cho đất nước và kéo cả vùng đô thị Hiệp Phước phát triển theo.
Theo tính toán, sản lượng hàng hóa thông qua luồng Soài Rạp đến năm 2025 khoảng 120-150 triệu tấn. Nguồn thu do luồng Soài Rạp đem lại trong 10 năm đầu (2015-2025) ước chừng 580.000-720.400 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí để nạo vét, bảo dưỡng luồng và trả nợ vay của chính phủ Bỉ trong 10 năm chỉ khoảng 4.810 tỷ đồng, chiếm chưa đến 1% tổng khoản thu.
Xây dựng cầu Sài Gòn 2 ở cửa ngõ phía Đông Bắc
Khởi công ngày 14/4 với số vốn gần 1.500 tỷ đồng, cầu Sài Gòn 2 dự kiến hoàn thành vào năm 2014 sẽ góp phần giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu và giải tỏa ùn tắc giao thông tại cửa ngõ đông bắc TP HCM.
Cầu Sài Gòn 2 nằm song song và có thiết kế giống y hệt cầu Sài Gòn hiện nay. Ảnh: Hữu Công. |
Theo thiết kế, cầu Sài Gòn 2 sẽ nằm cách cầu Sài Gòn 3 m. Nếu đi từ phía vòng xoay Hàng Xanh ra, cầu Sài Gòn 2 nằm bên phải và dài tương đương cầu Sài Gòn hiện hữu (dài 987 m, rộng 23,5 m), chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hai bánh và có phần lề bộ hành. Cầu được thiết kế với tuổi thọ 100 năm, chịu được động đất cấp 7, cho phép các loại xe chạy trên cầu với tốc độ 80 km/h, tải trọng cho phép các xe siêu trường, siêu trọng qua cầu.
Khánh thành cầu Rạch Chiếc sớm 5 tháng
Ngày 10/7, cầu Rạch Chiếc với tổng số vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đã được khánh thành trước thời hạn dự kiến 5 tháng. Đây là cây cầu có ý nghĩa to lớn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cách đây 37 năm để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cầu Rạch Chiếc được hoàn thành sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch. Ảnh: Hữu Công. |
Cầu Rạch Chiếc mới có tổng chiều dài 736 m, rộng 48 m với 10 làn xe, tĩnh không thuyền ngang là 40 m và đứng là 6 m. Cầu được thiết kế với tuổi thọ 100 năm. Theo Sở Giao thông Vận tải, cầu Rạch Chiếc mới sẽ góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc, hạn chế tai nạn tại khu vực, cùng với nút ngã ba Cát Lái và tuyến xa lộ Hà Nội tạo nên trục mỹ quan thông thoáng tại cửa ngõ Đông Bắc TP HCM.
Xây 2 cầu vượt thép để giảm ùn tắc
Để giải quyết tình trạng ùn tắc tại nút giao thông Hàng Xanh và Thủ Đức, TP HCM đã cho khởi công xây dựng 2 cầu vượt bằng thép tại 2 khu vực này với tổng số vốn đầu tư 460 tỷ đồng. Theo yêu cầu của UBND TP HCM, 2 cầu vượt này phải được hoàn thành trước Tết Nguyên đán để kịp phục vụ người dân đi lại.
Tác giả: Hữu Công