Chính phủ đang gián tiếp kích cầu bất động sản
"Các giải pháp Chính phủ đưa ra sẽ góp phần kích cầu gián tiếp cho bất động sản, làm ấm thị trường, lưu thông nguồn tiền ứ đọng, ổn định nền kinh tế" Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại phiên giải trình Ủy ban kinh tế Quốc hội ngày 24/1.
Ngày 24/1, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trình Đình Dũng đã có buổi giải trình tại phiên họp của Ủy ban kinh tế Quốc hội về những vấn đề liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Đã có 13 câu hỏi được đưa ra xoay quanh các vấn đề chính như trách nhiệm Bộ Xây dựng trong việc quản lý thị trường bất động sản, phương án xử lý nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho, chất lượng đô thị, điều tiết giá bán bất động sản,...
Bất động sản: Thiếu thể chế
Đại biểu Nguyễn Thị Kha: Qua báo cáo Bộ Xây dựng, đánh giá nguyên nhân có nguyên nhân TTBĐS phát triển tự phát. Để tháo gỡ khó khăn, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng cũng như các Bộ ban ngành như thế nào?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Thị trường trầm lắng, do quá trình phát triển mất cân đối, thiếu quy hoạch, kế hoạch dẫn đến đầu tư phong trào. Dự án quá thừa trong khi cơ cấu sản phẩm nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu. Để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nươc.
Cụ thể, trách nhiệm cơ quan Trung ương, hoạt động kinh doanh bất động sản gắn liền phát triển đô thị, liên quan nhiều luật, luật Đất đai, Luật đầu tư, Luật Xây dựng, luật Ngân sách, do nhiều bộ ngành có trách nhiệm chủ trì, soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội thông qua
Việc kiểm soát phát triển đô thị, BĐS theo đúng kế hoạch, quy hoạch còn thiếu chế tài dẫn đến việc người quyết định đầu tư phát triển đô thị, doanh nghiệp lách luật làm dự án nhanh nhất không theo quy hoạch dẫn đến tình trạng lệch pha cung cầu. Để xảy ra việc này, trước hết là trách nhiệm của Bộ Xây dựng, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, kinh doanh bất động sản. Trách nhiệm nhiệm các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát thực hiện các quy hoạch như việc các cấp phê duyệt dự án, thực hiện dự án...
Để khắc phục tình trạng tự phát, thiếu quy hoạch, Bộ Xây dựng tập trung đổi mới quan điểm trong việc tiếp cận xây dựng pháp luật. Thay vì đi sâu số lượng, tập trung chất lượng và xây dựng xong nghị định quản lý phát triển đô thị và Chính phủ phê duyệt và ban hành.
Nhận xét về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc hướng dẫn thực thi luật hiện nay quá chậm. Luật Xây dựng được ban hành 2003, luật kinh doanh BĐS ban hành 2006, Luật quy hoạch đô thị ban hành 2009 nhưng đến 1/2013, Chính phủ mới ban hành nghị định quản lý phát triển đô thị. Nếu nghị định này được ban hành sớm thì có lẽ không dẫn đến khó khăn cho thị trường như hiện nay.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng giải trình tại phiên họp
của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 24/1
Ưu tiên giải quyết hàng tồn kho
Đại biểu Cao Sỹ Kiêm: Giải quyết khó khăn cho bất động sản bao gồm giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu. Nhưng trước nay, giải pháp đúng nhưng việc thực hiện không đúng vì số liệu, cách điều hành. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ giải quyết hàng tồn kho mà cần hướng đến hướng phát triển thị trường trong thời gian tới. Nếu không có giải pháp lâu dài cho thị trường khó.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Bộ Xây dựng đang cố gắng giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu bất động sản.Cần biện pháp tổng thể đồng bộ giải quyết hàng tồn kho. Những biện pháp mà Bộ Xây dựng đề xuất với Chính phủ tuy nhiên không phải chỉ 1 ngày có thể giải quyết được, cần nhiều thời gian đặc biệt là vấn đề tài chính tiền tệ.
Trong nhóm giải pháp, Bộ Xây dựng ưu tiên giải pháp rà soát lại các dự án để dừng các dự án nào đã giao cho nhà đầu tư nhưng không giải phóng mặt bằng. Hoặc đã giải phóng những không phù hợp với quy hoạch và kế hoạch phát triển. Các địa phương phải lập quy hoạch phát triển đô thị căn cứ vào nhu cầu tăng dân số cơ học, sinh học hàng năm để dự báo nhu cầu tăng khối lượng nhà ở. Kiên quyết dừng thu hồi dự án không phù hợp. Cơ cấu lại các dự án để cân đối cung cầu, những dự án đã hoàn thành, tùy theo khả năng vị trí, phù hợp với nhu cầu không thì có thể cơ cấu lại căn hộ phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, điểm mới trong nhóm giải pháp mà Bộ đưa ra gắn việc tháo gỡ khó khăn cho bất động sản với việc thực hiện chiến lược nhà ở Quốc gia giai đoạn 2020 -2030 và phát triển nhà ở xã hội.
Lần đầu tiên, chúng ta có Chiến lược nhà ở quốc gia cho 2 loại nhà ở là nhà ở hàng hoá (theo cơ chế thị trường, cung cấp cho những người có khả năng thanh toán) và nhà ở phi hàng hoá (có thị trường nhưng khả năng thanh toán yếu và cần hỗ trợ Nhà nước). Mục tiêu của bất động sản phải hướng vào nhu cầu của người dân.
Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS như Chỉ thị 2196 năm 2011 của Thủ tướng về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản và mới nhất là Nghị định 02/2013/NĐ-CP.
Trong nghị định 02, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ dành từ 20.000 – 40.000 tỷ đồng với thời hạn tối đa 10 năm để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại nhà nước cho vay mua nhà.
Đồng thời, các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; và cho vay đối với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.
Với các giải pháp Chính phủ đưa ra, sẽ kích cầu gián tiếp cho bất động sản, làm tăng cầu, làm ấm thị trường BĐS, lưu thông nguồn tiền ứ đọng, góp phần ổn định kinh tế.
Bất động sản cần thiết phải giải cứu
Đại biểu Vũ Viết Ngoạn: Trong báo cáo này Bộ Xây dựng nêu hàng tồn kho hơn 100 ngàn tỷ đồng, không lớn. Số liệu thống kê chưa phản ánh đúng thực trạng thị trường. Dư nợ 200 ngàn tỷ, nợ xấu 6,5%, số liệu chưa đủ sức tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng kinh tế cần phải giải quyết. Vì vậy có cần thiết phải giải cứu bất động sản không?
Một số đại biểu cho rằng: Quốc hội nên chỉ đạo ngân hàng nhà nước có báo cáo đầy đủ, chính xác thực trạng bất động sản hiện nay. Bất động sản đóng băng có phần không nhỏ vốn nước ngoài và vốn tự có của các tổ chức và cá nhân VN. Vậy có nên cứu hay không, hoặc coi đó là sự phân phối lại thu nhập trong xã hội?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Đây là thống kê sơ bộ, trên thực tế số liệu về hàng tồn kho và nợ xấu lớn hơn rất nhiều. Trong đó, số liệu về dư nợ tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước chưa tính đến các khoản vay tiêu dùng khác nhưng thực chất được đầu tư vào bất động sản, cũng như dư nợ có tài sản bảo đảm bằng bất động sản còn chiếm khoảng 46,5% tổng dư nợ tín dụng. Nợ xấu chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ bất động sản, nhưng đại đa số doanh nghiệp nợ bất động sản khó có khả năng thanh toán khi đến hạn do không bán được sản phẩm.
Đồng thời, về số liệu hàng tồn kho trên chưa phản ánh được tình hình thực tế, còn nhiều dự án có tồn kho nhưng chưa báo cáo và do đặc điểm của tồn kho bất động sản khác với tồn kho của các sản phẩm công nghiệp khác. Như, nhiều nhà chung cư đang xây dựng dở dang, đã huy động vốn một phần, nhiều dự án đã giải phóng mặt bằng, đã đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng nhưng phải dừng do không có thị trường, các nhà đầu tư thứ phát đã mua nhưng không bán được cho người tiêu dùng. Vì vậy, số vốn tồn đọng trong bất động sản còn lớn hơn nhiều so với số liệu trong báo cáo. Do đó, cần thiết phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cho doanh nghiệp bất động sản.
Thị trường BĐS liên quan nhiều lĩnh vực khác như điện, thép, nội thất, ngành phụ trợ liên quan, thị trường tài chính tiền tệ chứ không chỉ ngành xây dựng, vật liệu xây dựng.
Hơn nữa, sản phẩm BĐS không như các sản phẩm khác, có khối lượng công việc lớn, đầu tư lâu dài, dòng tiền vốn rất lớn nên nếu được khai thác hiệu quả sẽ góp phần cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm. Nếu thị trường BĐS “đóng băng” sẽ làm một lượng vốn lớn không luân chuyển dẫn tới nền kinh tế “đóng băng”.
Do đó, gỡ khó cho thị trường BĐS là gỡ khó cho cả nền kinh tế, doanh nghiệp BĐS và người dân mà trong đó tập trung vào quyền lợi của người dân.
Anh Đào