Quyết liệt cứu thị trường bất động sản
Tái cấu trúc thị trường, hạ lãi suất cho vay để kích thích nguồn cầu tạo thanh khoản thị trường, ... là một trong nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Sáng 22/2, Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã họp tổng kết tình hình hoạt động năm 2012 và phương hướng năm 2013.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn, giá cả bất động sản, nhà ở sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường.
Đáng chú ý, lượng tồn kho bất động sản cả nước lên đến 42 ngàn căn nhà trong đó 26 ngàn căn hộ chung cư và 15 ngàn căn nhà liền kề, đất nền 792 ha, đất nền thương mại 195 ha. Ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho 119 ngàn tỷ đồng. Trong đó, TPPHCM theo báo cáo của 121 dự án đã tồn kho 14.816 căn nhà với giá trị lên đến 30 ngàn tỷ đồng. Hà Nội tồn kho 5.875 căn nhà, 5 nghìn m2 mặt bằng thương mại, giá trị tồng kho 14 ngàn tỷ đồng .
Tuy nhiên, số liệu này chưa phải là con số cuối cùng và con số thực tế còn lớn hơn rất nhiều bởi nhiều dự án có tồn kho nhưng chưa báo cáo và do đặc điểm của tồn kho bất động sản khác với tồn kho của cá sản phẩm khác. Nhiều dự án đã huy động vốn một phần, nhiều dự án đã giải phóng mặt bằng, đã đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng nhưng phải dừng do không có thị trường, các nhà đầu tư thứ phát đã mua nhưng không bán được cho người tiêu dùng.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Chung – Viện trưởng Viện kinh tế TW cho rằng, nguyên nhân khiến thị trường khó khăn là do không có luồng tiền nào được rót vào thị trường. Trong 2 năm qua, các doanh nghiệp và nhà đầu tư chỉ làm để trả nợ ngân hàng. Tổng số tiền trả cho ngân hàng khoảng 200 ngàn tỷ đồng, trong đó có 80 ngàn tỷ đồng tiền lãi suất. Ngoài ra, việc nhiều doanh nghiệp lớn rút vốn khỏi thị trường, không có luồng tiền nên thị trường đóng băng. TS Trần Kim Chung cho rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề phải nhanh chóng tái cấu trúc nền kinh tế trong đó bao gồm tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp, đầu tư và tái cấu trúc thị trường tài chính. Xem xét tái cấu trúc thị trường và nền tảng là tái cấu trúc thị trường bất động sản.
Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam – ông Nguyễn Ngọc Thành cho rằng, bất cập lớn nhất của thị trường bất động sản là quan hệ cung cầu mất cân đối do một thời gian dài phát triển tự phát. Đồng thời, do hệ thống chính sách không đồng bộ đã tạo nhiều rào cản cho thị trường. Đơn cử, nhà đầu tư cố gắng đưa ra giải pháp để giảm chi phí, giảm giá thành bất động sản xuống nhưng hệ số chênh lệch từ giá trị bất động sản với thực tế khảo sát vượt lên 5-10 lần. Trong cơ cấu giá thành bất động sản, tỷ trọng tiền đất chỉ chiếm 30% tối đa và lãi suất ngân hàng 10% nhưng trên thực tế, chi phí tỷ trọng tiền đất chiếm 40-50%, lãi suất ngân hàng quá lớn khiến giá đẩy lên mức cao hơn so với thu nhập người dân.
Hay như việc khuyến khích cho các đối tượng thu nhập thấp được vay tiền mua nhà nhưng Ngân hàng thương mại đưa ra những quy định như phải chứng minh thu nhập, có tài sản đảm bảo trong khi thực tế những người nghèo không thể có tài sản để thế chấp ngân hàng....
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội bất động sản TP.HCM, giải bài toán khó trong lúc này, doanh nghiệp quan tâm tới yếu tố Nhà nước bởi chỉ có Nhà nước mới tháo gỡ được khó khăn. Để khôi phục thị trường, phải giảm bớt gián thu mà tăng trực thu. Sửa đổi ngay chính sách lãi suất 6 - 8% cho thời hạn 20 năm cho người vay mua nhà.
Cho vay tiếp với doanh nghiệp có phương án khả thi, các cơ quan quản lý cần sửa đổi nghị định 153 để cho phép chuyển đổi dự án theo cơ chế thị trường. Cần điều chỉnh chính sách thuế, lãi suất để điều chỉnh giá bất động sản. Cần có chính sách hạn chế chi phí tăng….Có như vậy sẽ giảm tới 30% giá thành so với thực tế hiện nay.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, trước hết phải thực hiện tốt Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ, tiếp tục bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Nếu không ổn định được kinh tế vĩ mô thì không thể bảo đảm một thị trường bất động sản ổn định, bền vững. Đồng thời, Phó thủ tướng cũng yêu cầu, cần cơ cấu lại thị trường bất động sản, chuyển dần phân khúc cao cấp sang phân khúc có cầu lớn; rà soát lại các dự án nhà ở xã hội đã xây dựng nhưng chưa có người vào ở, những dự án gần hoàn thành nhưng thiếu vốn cần có sự hỗ trợ, tháo gỡ; cơ chế tín dụng cho người mua cần triển khai khẩn trương hơn…
Anh Đào