Bộ trưởng Xây dựng: 'Chia nhỏ căn hộ là bất đắc dĩ'
Cho rằng chia nhỏ căn hộ đã hoàn thiện không phải là giải pháp tối ưu, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, dự án cần cơ cấu chính là những công trình còn đang ở trên giấy, chưa triển khai.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ với báo giới tại cuộc ngày phát động cuộc thi kiến trúc chung cư cho người thu nhập thấp đầu tuần này.
- Chiến lược phát triển nhà ở đề cập tới giải pháp đẩy mạnh nhà ở xã hội, tuy nhiên thực tế, doanh nghiệp còn e dè. Theo bộ trưởng làm thế nào để thu hút nhà đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội?
- Nhà ở thương mại sẽ do thị trường điều tiết theo đúng quy luật thị trường còn nhà ở xã hội một mặt theo thị trường, mặt khác sẽ được Nhà nước có chính sách hỗ trợ thông qua hình thức giảm tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT, vay với lãi suất ưu đãi. Nhà ở thương mại nhiều người làm, to cao đẹp rất nhiều, nhưng nhà ở rẻ, đẹp chất lượng, giá thấp, quy mô nhỏ lại chưa nhiều.
Nếu làm nhiều nhà xã hội sẽ tạo ra cung mới cho nền kinh tế và đồng thời cũng tạo ra cầu nhiều, do đó, kích thích nền kinh tế phát triển. Nhà giá rẻ, hay nhà xã hội phải sử dụng vật liệu trong nước là chủ yếu thay vì đồ xa xỉ như như gạch ốp lát trong nước, xi măng, sắt thép, đồ nội thất... Bộ Xây dựng đang động viên để nhiều đơn vị tham gia, một số doanh nghiệp lớn cũng đã hứa sẽ triển khai. Sau khi có chiến lược nhà ở, đặc biệt là có giải pháp quyết liệt tháo gỡ thị trường bất động sản cộng với nghị định nhà xã hội sắp ra thì nhà sẽ hội sẽ là sản phẩm chủ đạo trong thị trường nhà ở tại các đô thị lớn.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Hoàng Lan |
- Một trong các giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản là chia nhỏ căn hộ. Ý kiến của Bộ trưởng thế nào trước lo ngại, giải pháp này có tính khả thi thấp vì căn hộ sẽ bị hạn chế về khả năng thông thoáng?
- Tôi nói rất nhiều lần nhưng một số người chỉ đặt vấn đề chia nhỏ căn hộ mà không nói tới vấn đề cơ cấu lại các dự án. Chia nhỏ căn hộ là giải pháp bất đắc dĩ phải làm, không phải là phổ biến. Hiện có hàng trăm dự án nhưng chỉ có vài chục phần trăm là đã được thực hiện dở dang, còn đại đa số ở trên giấy tờ. Dự án có thể bồi thường giải phóng mặt bằng, thiết kế xong rồi, nhưng bây giờ đang cho thiết kế lại và các công trình chưa được xây dựng. Đây mới là những dự án cần chuyển sang nhà ở xã hội. Những công trình đã xong rồi thì không khuyến khích nhưng cho phép nếu như dự án nào có thể thực hiện được.
Điều sợ nhất là những dự án chưa có gì cả nhưng đã bán rồi như kiểu căn hộ hiện đại, biệt thự. Cái này lại tồn kho lớn nên cần phải cơ cấu lại ngay. Những loại này mới chỉ trên giấy tờ và phải điều chỉnh dự án trên giấy tờ. Có những dự án mới chỉ giải phóng mặt bằng xong, chưa xây dựng, hạ tầng mới chỉ làm một phần rất nhỏ nhưng có tới 50% người ta đã mua đất nền. Người ta mua chủ yếu là đầu cơ, giữ đất chứ không phải ở thực. Hai bên giữa nhà đầu tư và khách hàng thì đang chờ nhau. Khách hàng không chịu nộp thêm tiền, còn nhà đầu tư thì không có tiền, không vay được ngân hàng nên không thể tiếp tục đầu tư.
- Một số ý chuyên gia cho rằng nên cân nhắc giữa việc điều chỉnh dự án và thu hồi lại đất đai khi chủ đầu tư không còn vốn để triển khai, theo Bộ trưởng giải pháp nào khả thi?
- Thực ra thu lại thì chắc là khó vì doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất hoặc làm một số bước rồi. Bởi vậy, thu lại sẽ gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Nhiều dự án hiện nay đều trên giấy cả nhưng theo hướng nhà cao cấp, hiện đại phong cách nước ngoài với giá bán khoảng 20-30 triệu đồng mỗi m2. Những dự án này cần điều chỉnh. Giả sử có 10 dự án thì cho 5 dự án sang nhà ở xã hội, còn lại 5 dự án cho nhà ở cao cấp thôi.
- Thị trường bất động sản cũng như người dân sẽ hưởng lợi thế nào từ việc cơ cấu lại các dự án trên giấy thưa ông?
- Cơ cấu lại các sản phẩm để cho thị trường cân đối hơn, phù hợp hơn tránh lệch pha. Điều chỉnh các dự án chưa xây dựng là chính. Nhưng nhà đầu tư có đề nghị thì cho phép nhưng phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu nhất. Trong bối cảnh khó khăn, có những nhà đầu tư không thể bán được nhà, bởi vậy, các trường hợp này, nếu chia được, hợp lý thì chia. Bởi thực tế không phải căn hộ nào cũng chia được. Nhà ở xã hội bán được không chỉ kích cầu bất động sản kéo theo đó là vật liệu xây dựng, nội thất bán được. Sản xuất phát triển, nhiều người dân sẽ có nhà để ở.
- Theo ông, làm thế nào để kéo giá nhà xuống thấp nhằm phù hợp với đại đa số thu nhập của người dân?
- Chiều cao công trình và tầng hầm đóng vai trò quyết định đến giá. Ngoài ra, giá rẻ hay không còn phụ thuộc vào tối ưu hóa trong quá trình thi công, giảm chi phí. Đấy là yếu tố mà người kỹ sư, thi công phải tính toán. Còn Nhà nước sẽ có những ưu đãi về thuế. Quy mô căn hộ phải nhỏ thì giá tiền sẽ giảm đi. Từ 17-18 triệu đồng mỗi m2, nếu làm nhà ở xã hội thì chỉ còn khoảng 10-13 triệu đồng thậm chí dưới 10 triệu đồng, tùy vị trí, tầng cao công trình.
Bộ cũng đã khảo sát công trình của một tổng công ty xây dựng. Dự án có chiều cao 35 tầng nay giảm xuống 1 tầng hầm. Nhà cao cấp thường có nhiều tầng hầm nên rất khó có thể hạ xuống dưới 20 triệu đồng mỗi m2. Nếu nhà đó là thương mại thì chắc chắn phải bán ít nhất 17-18 triệu đồng mỗi m2, còn nhà xã hội thì chỉ bán khoảng 13 triệu đồng. Nhưng nếu cũng quỹ đất đó mà chỉ xây 6 tầng thì chỉ bán khoảng 8-9 triệu thôi.
- Việc quan trọng nhất trong tháo gỡ khó khăn cho bất động sản là cơ cấu lại các dự án chưa triển khai, tuy nhiên, việc này lại bị một số chủ đầu tư kêu khó từ các cơ quan chức năng. Vậy Bộ sẽ tháo gỡ vấn đề này thế nào?
- Nếu dự án cần điều chỉnh quy hoạch, theo Nghị định 11 thì phải tùy thuộc vào theo quy mô dự án. Người quyết định chấp thuận đầu tư chủ yếu là Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh. Nếu trong trường hợp phải xin ý kiến Bộ Xây dựng, bộ sẽ tháo gỡ rất nhanh. Bộ Xây dựng sẽ thành lập những tổ công tác cùng với các địa phương để cùng nhau tháo gỡ dựa trên nguyên tắc phải tính tổng thể. Hiện nay còn ít nên mình đang khuyến khích, nhưng về lâu dài thì phải tính đến kế hoạch hóa về chiến lược phát triển nhà ở xã hội. Hiện nhu cầu 5 năm tới cần bao nhiêu căn nhà ở xã hội cho TP HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh... Trên cơ sở đó điều chỉnh các dự án.
Ngày 25/2, tại Bộ Xây dựng, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản phối hợp với Hiệp hội Bất động sản, Hội kiến trúc sư phát động cuộc thi Kiến trúc nhà ở chung cư cho người thu nhập thấp. Theo đó, cuộc thi có nội dung là thiết kế mẫu mới nhà chung cư diện tích mỗi sàn căn hộ tối thiểu 25 m2, tối đa không quá 70m2, không giới hạn số tầng; cải tạo hợp lý mẫu thiết kế chung cư cao cấp đã xây dựng thành căn hộ diện tích nhỏ hơn để tăng số lượng căn hộ. |
Hoàng Lan