Tiếp tục cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam
Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ, trong số các giải pháp Chính phủ đề ra cho thời gian tới có việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhà ở bằng nhiều biện pháp phù hợp.
Cụ thể như cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi ổn định (tối đa 6%/năm) và cho người nước ngoài mua nhà để ở.
Liên quan đến việc cho người nước ngoài mua nhà để ở, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phùng Văn Hùng - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết: “Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam có hiệu lực từ đầu năm 2009 và chỉ được áp dụng thí điểm trong thời hạn năm năm.
Như vậy đến năm 2013, nếu như Chính phủ có đề xuất như nêu trên thì cần tổng kết để làm rõ những mặt được, chưa được của quá trình triển khai nghị quyết trong năm năm qua, sau đó mới đưa ra các chính sách cụ thể, ví dụ như có mở rộng hơn so với lúc làm thí điểm hay không”.
Một đại biểu Quốc hội khác là ông Cao Sĩ Kiêm (nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước) cho rằng nên sớm có chính sách cụ thể để thông tin tới đối tượng người nước ngoài đang có nhu cầu mua nhà để ở tại Việt Nam. Ông Kiêm nói: “Chủ trương tiếp tục cho người nước ngoài mua nhà để ở tại Việt Nam là đúng. Việc này sẽ có tác dụng tốt đối với thị trường bất động sản, tiếp cận các chuẩn mực của kinh tế thị trường trong lĩnh vực này”.
Theo ông Kiêm, thay vì tiếp tục ban hành một chủ trương thí điểm dưới hình thức nghị quyết của Quốc hội, đã đến lúc nên sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan để luật hóa việc người nước ngoài được mua nhà để ở tại Việt Nam, nâng tầm tính pháp lý của vấn đề nhằm tạo ra sự ổn định và yên tâm cho đối tượng mua nhà.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 30-3, ông Nguyễn Mạnh Hà - cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cho biết về phía Bộ Xây dựng hiện đang tổng kết việc thí điểm chính sách nêu trên, thống kê ban đầu đến đầu năm 2013 cả nước có chưa tới 500 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, trong đó TP.HCM có số người nước ngoài được mua nhà nhiều nhất. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng số liệu này là khá thấp nếu so với hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Từng có nhiều năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói: “Hầu khắp các quốc gia đã hội nhập trên thế giới này đều có chính sách cho người nước ngoài mua nhà một cách cởi mở. Việt Nam không nên là ngoại lệ. Người nước ngoài mua nhà xong rồi thì người ta cũng không thể nào mang cái nhà đó về nước được, hơn nữa đâu phải người nước ngoài mua nhà rồi họ muốn làm gì trong ngôi nhà đó cũng được, chúng ta còn có những quy định pháp luật khác để ràng buộc về mặt an ninh, quốc phòng. Ở đây đừng sợ phát sinh tiêu cực xã hội, vấn đề quan trọng là tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng mua nhà”.
Ông Bùi Kiến Thành phân tích: “Nghị quyết của Quốc hội quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được dùng nhà ở vào mục đích để ở, không được dùng để cho thuê, làm văn phòng. Tôi thấy đây là một giới hạn không nên tiếp tục đặt ra. Khi chúng ta đã cho họ quyền sở hữu nhà ở thì cũng nên có các quyền khác phù hợp với thực tiễn, giới hạn như vậy thì chính sách sẽ khó đạt kết quả tốt”.
Còn ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng: “Cần có tổng kết nghiêm túc phân tích cặn kẽ rằng tại sao thực tế thời gian qua số người nước ngoài mua nhà để ở tại Việt Nam ít như thế, trong khi nhu cầu rất nhiều. Nguồn cung của chúng ta hiện nay về các loại nhà ở, trong đó có nhà ở cao cấp, không đến nỗi không đáp ứng được nhu cầu của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Phải chăng nó tắc là về mặt cơ chế và cách quản lý? Nếu chúng ta tổng kết và đề ra được chính sách phù hợp thì không những được sự đồng tình của quốc tế mà cả người dân trong nước”.
Theo website Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ lần này, liên quan đến thị trường bất động sản, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang đề xuất xem xét chủ trương cho người nước ngoài mua nhà để ở tại Việt Nam, coi đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Song việc xem xét cho người nước ngoài mua nhà để ở tại Việt Nam phải có các quy định chặt chẽ, tránh những tiêu cực xã hội có thể phát sinh. Thủ tướng đồng ý với ý kiến đề xuất của một số thành viên Chính phủ về chủ trương cho người nước ngoài mua nhà để ở tại Việt Nam trên cơ sở các quy định quản lý chặt chẽ, tránh các tiêu cực xã hội có thể phát sinh. |
Tác giả: V.V.Thành