'Bất động sản rơi tự do người mua nhà sẽ bị mất hết'
Tôi đã đóng 70%, gần 2 tỷ đồng vào dự án, nhưng bây giờ chủ đầu tư hết tiền, không tiếp tục triển khai, không giao nhà được, đòi lại tiền họ cũng không trả. Vậy tôi phải làm sao đây?
Tôi vừa đọc bài “Nên để thị trường bất động sản rơi tự do" và thư qua lại giữa ông Alan Phan và hội viên bất động sản (BĐS). Thú thực, tôi rất thất vọng khi thấy thư trả lời của ông.
Chính vì vậy, với tư cách là một người rất quan tâm tới vấn đề này và cũng là một nạn nhân của cuộc khủng hoảng BĐS hiện nay, đã đóng tiền mua 1 căn hộ tại một dự án đã quá hạn cả năm mà không được giao nhà, tôi xin được trao đổi với ông đôi điều.
Tôi hiểu quan điểm của ông là hãy để thị trường tự điều chỉnh những bất cập hiện nay bằng cách kệ nó “rơi tự do” mà không cần có biện pháp tháo gỡ? Thị trường BĐS đổ vỡ chỉ là cái “giá phải trả” của chính những gì nó gây ra?
Như trường hợp của tôi, đã đóng 70%, gần 2 tỷ đồng vào dự án, nhưng bây giờ chủ đầu tư hết tiền, không tiếp tục triển khai, không giao nhà được, đòi lại tiền họ cũng không có trả.
Nếu họ phá sản, Nhà nước cũng chỉ có thể bắt ông chủ doanh nghiệp đi tù là cùng chứ Nhà nước có bỏ tiền ra trả cho chúng tôi không? Theo luật Phá sản thì khách hàng như chúng tôi cũng không phải là đối tượng ưu tiên hàng đầu khi phát mại giải quyết phá sản; và ở hàng sau, liệu chúng tôi có nhận được đồng nào?
Việc ông viết trong thư trả lời hội viên BĐS rằng, nếu ngân hàng đổ vỡ, mỗi tài khoản hiện nay được bảo hiểm đến 50 triệu đồng; tỷ lệ mất mát cho những tài khoản tại các ngân hàng sẽ rất nhỏ...
Theo tôi, đó không phải là câu trả lời xác đáng mà chúng tôi mong muốn nhận được. Bởi nếu BĐS đổ vỡ hàng loạt, kéo theo ngân hàng đổ vỡ hàng loạt thì dù chia nhỏ món tiền của mình ra đúng bằng mức giới hạn bảo hiểm, người dân gửi tiền vẫn mất “cơ bản hết” vì bảo hiểm tiền gửi chỉ có mức % đền bù nhất định và cao nhất mới là 50 triệu mà thôi.
Cứu thị trường là một biện pháp tổng hòa, đồng bộ và cần sự vào cuộc không chỉ của nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng mà còn của chính cả người dân.
Tôi cho rằng kinh tế Việt Nam còn như một đứa trẻ (GDP hơn 100 tỷ USD/năm), khác hẳn với nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ (gần 16.000 tỷ USD/năm) nên không thể để thị trường “tự đề kháng”. Nếu để BĐS “rơi tự do” như ông nói thì chẳng khác nào để “đứa trẻ” đang bị viêm phổi ra giữa trời lạnh.
Người dân Việt Nam, trong đó có tôi, tất cả đều hy vọng, mong mỏi giá nhà sẽ giảm, không chỉ là 30 - 50% như ông dự báo mà còn muốn rẻ hơn nữa.
Khi viết thư này cho ông, tôi có đọc thấy một chuyên gia quốc tế đã khuyên rằng: “Với tình trạng của thị trường BĐS Việt Nam hiện nay, rất cần có sự can thiệp của Chính phủ. Thị trường BĐS hiện không đủ khả năng để tự cứu mình. Năm 1997 và 2002, Thái Lan và Philippines cũng đã có cuộc giải cứu tương tự. Kinh nghiệm cho thấy, sự can thiệp của chính phủ càng lớn thì sự khôi phục của thị trường càng nhanh.”
Theo ông, tôi có nên tin lời vị chuyên gia này hơn ông không? Lại có nguồn dư luận (cũng trái ngược với nhận định của ông là các nhà đầu tư nước ngoài đã “chán ngấy” BĐS Việt Nam) cho rằng: mặc dù thị trường BĐS Việt Nam đang rất ảm đạm nhưng các nhà đầu tư quốc tế có tầm nhìn dài hạn vẫn rất “kết” địa ốc Việt Nam và đánh giá là số 1 của Đông Nam Á về tiềm năng.
Chính vì vậy, hiện có một số nhà đầu tư (cả quỹ đầu tư và các tập đoàn BĐS) muốn nhân cơ hội khủng hoảng này để vào “thôn tính” thị trường mua lại các dự án với giá rẻ mạt. Theo ông tình huống này có thể xảy ra?
Tác giả: Phạm Thái Hà