Cho người nước ngoài mua nhà: Sợ gì mà ngập ngừng
Tiến sĩ Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, cho rằng: “Thật khó hiểu khi trong thời đại toàn cầu hóa như thế này mà chúng ta vẫn còn lạc hậu đến mức không cho người nước ngoài (NNN) vào mua nhà của mình. Muốn "giải cứu" thị trường BĐS hiện nay, không thể chỉ dựa vào nguồn lực trong nước. Chính phủ nên có thể chế cho phép NNN vào mua nhà tự do tại Việt Nam.
Thí điểm – nhiều bất cập
Trước đòi hỏi từ nhu cầu thực tế của phát triển hội nhập, năm 2008, Quốc Hội đã ra nghị quyết về việc thí điểm cho tổ chức cá nhân nước ngoài mua nhà, sở hữu nhà tại VN trong thời hạn 5 năm. Một năm sau đó, Chính phủ có Nghị định 51 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết này.
Tuy nhiên, sau 5 năm thí điểm, đến nay, chính sách đã bộc lộ rõ những hạn chế mà điển hình là việc bó hẹp đối tượng được mua nhà, thủ tục rườm rà và chỉ được mua nhà để ở. Chính bởi những bất cập này mà đến nay, mới chỉ có gần 500 NNN được mua nhà, trong đó đa phần là người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài (không đủ điều kiện thủ hưởng chính sách cho Việt kiều sở hữu nhà).
Theo các chuyên gia, sự hạn chế này đã khiến Việt Nam lãng phí một nguồn lực rất lớn để phát triển thị trường BĐS. TS Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BĐS Việt Nam phân tích: BĐS là loại tài sản có giá trị rất lớn, do đó việc được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu và định đoạt đối với tài sản là BĐS là yếu tố rất quan trọng để người có nhu cầu hoặc nhà đầu tư quyết định rót vốn đầu tư phát triển dự án BĐS hoặc mua nhà ở.
nhà đất, giải cứu, nguồn lực, BĐS, nước ngoài
Với thị trường BĐS Việt Nam, quyền sở hữu nhà ở còn có rất nhiều giới hạn đối với NNN và Việt kiều. Do đó, sự phát triển của thị trường bị hạn chế rất nhiều về sức mua, nhất là đối với những dự án hướng đến khách hàng là các đối tượng này như nhà ở cao cấp, dự án BĐS nghỉ dưỡng...
Ông Satmad Zok, một nhà tư vấn kinh doanh người Ả Rập đã có 8 năm làm việc ở Việt Nam chia sẻ, ông vẫn còn ngại ngùng khi quyết định mua một căn nhà tại Việt Nam, mặc dù “Theo quy định tôi có đủ điều kiện để sở hữu căn hộ, nhưng thủ tục mua bán nhà rất rắc rối nên việc đứng tên sở hữu căn nhà không phải đơn giản. Người Việt Nam mua thủ tục đã khó huống hồ NNN chúng tôi.”.
Trước nhận định Nghị quyết 19 đã bó hẹp nhu cầu về sở hữu nhà khi có những quy định khá “rắn” và cứng nhắc, Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận: “Lâu nay mình quá chặt chẽ cứ sợ vấn đề này vấn đề kia nên chỉ giới hạn thôi, bởi vậy chính sách này không vào được cuộc sống.. Thế giới hội nhập, dân mình vác tiền sang nước ngoài mua nhà ở, trong khi NNN sang Việt Nam mua lại không được”.
Nên theo xu hướng thế giới
Trong năm nay, Nghị quyết 19 về thí điểm cho tổ chức cá nhân nước ngoài mua nhà, sở hữu nhà tại VN sẽ hết thời hiệu. Ngay từ đầu năm, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng tiến hành tổng kết, rút kinh nghệm về chính sách thí điểm này đồng thời có chủ trương trình Quốc hội cho phép thực hiện theo mở rộng đối tượng và tạo thuận lợi hơn về điều kiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Về phía mình, Bộ Xây dựng còn có tư duy sửa đổi hơn khi dự kiến trình phương án theo hướng không chỉ giới hạn NNN đang làm việc sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mà còn mở rộng ra với những NNN có nhu cầu và hướng họ vào phân khúc nhà giá cao.
Quan điểm này lập tức được các chuyên gia kinh tế, BĐS đánh giá rất cao. TS. Võ Đại Lược, phân tích, về ngắn hạn, việc Nhà nước mở rộng cửa cho NNN mua nhà là một kênh “giải cứu” bằng chính sách rất tốt và đúng hướng. Ông tin tưởng Nhà nước sẽ tiếp tục cho phép NNN mua nhà nhưng vấn đề tiếp theo sẽ là thủ tục thế nào.
Nếu tiếp tục khó khăn thì sẽ không giải quyết vấn đề gì. Còn nếu thủ tục dễ dàng thì đây sẽ là có hội cho thị trường BĐS. Ông ví, thủ tục cũng giống như một "cái khóa" để chính phủ Việt Nam để điều tiết thị trường. “Chính phủ nên có thể chế mở rộng, cho phép NNN vào mua nhà tự do tại Việt Nam…
Ở Mỹ người ta còn bán cả cái cảng cho NNN thì tại sao người Việt cứ lo bị thâu tóm? Họ muốn thâu tóm tài sản thì cũng phải đổ tiền vào mình chứ. Số lượng tiền đấy ta có thể dùng vào nhiều việc khác có lợi hơn rất nhiều. Thật khó hiểu khi trong thời đại toàn cầu hóa như thế này mà chúng ta vẫn còn lạc hậu đến mức không cho NNN vào mua nhà của mình.”, TS. Lược khích lệ.
Thạc sĩ Vũ Nhật Minh, một chuyên gia nghiên cứu, tư vấn chính sách BĐS cũng cho rằng: Nhiều quốc gia phát triển như Tây Ban Nha, Mỹ, Australia, các nước vùng vịnh, thậm chí là Singapore, Hồng Kông (nơi diện tích đất đai rất eo hẹp)… đều hết sức cởi mở và khuyến khích NNN sở hữu nhà ở tại đất nước của họ, và họ hiểu sâu sắc việc sở hữu nhà ở của NNN không những không làm mất cơ hội mua nhà của người trong nước mà trái lại còn thúc đẩy, tạo công ăn việc làm và tăng cơ hội sở hữu nhà cho người trong nước.
Việc hạn chế các đối tượng thực sự có khả năng chi trả đầu tư và sở hữu BĐS đang gây ra sự lãng phí rất lớn cho việc sử dụng tài nguyên đất đai một cách hiệu quả, làm giảm tính thanh khoản, sức hấp dẫn thu hút đầu tư của ngành BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Từng có nhiều năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành khẳng định: “Hầu khắp các quốc gia đã hội nhập trên thế giới này đều có chính sách cho NNN mua nhà một cách cởi mở.Việt Nam không nên là ngoại lệ. Ở đây đừng sợ phát sinh tiêu cực, chúng ta còn có những quy định pháp luật khác để ràng buộc về mặt trật tự an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng. Vấn đề quan trọng lúc này là cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích NNN cho đối tượng mua nhà”.
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, nếu một cơ chế thông thoáng cho NNN mua nhà được thông qua, trong vài năm tới sẽ có hàng chục nghìn căn hộ chung cư cao cấp tại Việt Nam được bán cho người nước ngoài, bao gồm trước hết những NNN đang sinh sống, kinh doanh, làm việc tại Việt Nam, thân nhân và bạn bè của họ.
Đối tượng mua có thể từ Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản và nhiều nước khác. Vốn thu hồi từ việc bán căn hộ chung cư cho NNN chắc chắn sẽ tạo cú hích để góp phần phục hồi thị trường BĐS Việt Nam, qua đó giảm bớt được khó khăn cho ngân hàng và một số ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, chính sách cũng sẽ là minh chứng, thể hiện sinh động quan điểm hội nhập toàn diện, cởi mở của Đảng – Nhà nước Việt Nam.
Tác giả: PV