Thị trường M&A: Làn sóng bất động sản và tài chính
Khi giá trị tài sản sụt giảm mạnh thì đó cũng là thời điểm nhiều thương vụ M&A lớn “nổi sóng”, mà điểm nhấn của năm 2012 là các vụ chuyển nhượng dự án bất động sản.
Thị trường M&A năm nay ghi nhận 2 xu hướng nổi bật đó là xu hướng bán dự án bất động sản có thanh khoản và sự “sôi động” của việc mua bán sáp nhập ngân hàng. Thị trường BĐS trầm lắng quá lâu khiến nhiều DN gặp phải vấn đề dòng tiền dẫn đến gặp khó khăn về việc duy trì hoạt động công ty.
Khi gặp khó khăn việc bán lại, sang nhượng lại dự án là điều dễ hiểu. Và đây cũng là cơ hội cho những DN có tiềm lực mạnh thâu tóm những dự án tiềm năng.
2012 là năm của nhà đầu tư trong nước
Theo ghi nhận của Công ty CP StoxPlus, năm 2012 có tới 35 thương vụ M&A bất động sản và chủ yếu là các dự án ở dạng hoàn tất thủ tục pháp lý hoặc đang triển khai dở dang của phân khúc căn hộ, nhà liền kề và biệt thự. Phần lớn diễn ra ở các nhà đầu tư trong nước, riêng Đất Xanh đã có 4 thương vụ với tổng giá trị 34,6 triệu USD.
Trong số 35 thương vụ có tới 29 thương vụ thuộc các nhà đầu tư trong nước, chỉ có 6 thương vụ là của các nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình như Hoàng Quân và Đất Xanh mua lại một số dự án căn hộ tại Tp.HCM, Công ty Thế kỷ 21 mua lại 52,5% vốn trong Công ty TNHH khu nghỉ dưỡng Bãi Dài, Vinataba mua lại dự án của VinaCapital, Công ty TNHH Sông Hằng mua lại 50% dự án Hattoco,…
Tuy nhiên, gần đây thị trường M&A bất động sản lại có chiều hướng diễn biến khác, đó là sự thâu tóm các dự án lớn của các tập đoàn nước ngoài, và đây cũng là xu hướng chủ đạo của những tháng đầu năm 2013, khác với năm 2012.
Theo StoxPlus, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tham gia mua lại các dự án trong phân khúc trung tâm thương mại/bán lẻ trong đó có Lotte của Hàn Quốc, AEON của Nhật Bản (liên doanh với Tập đoàn Him Lam). Các dự án căn hộ chưa được sự chú ý nhiều của các nhà đầu tư nước ngoài. Giao dịch M&A trong phân khúc này chủ yếu là các giao dịch gia tăng sở hữu của phía nước ngoài như đối tác Perdana Parkcity của Malaysia tăng sở hữu từ 75% lên 100% trong liên doanh với Vinaconex Hoàng Thành trước áp lực tài chính và trả nợ của Vinaconex.
Các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc (bao gồm cả Hông Kong và Đài Loan) đã và sẽ tạo lên sức cầu M&A chính.
Theo nhận định của công ty này, trong 2-3 năm tới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chủ yếu quan tâm đến các dự án bất động sản thương mại.
Tiềm năng của lĩnh vực này vẫn rất lớn khi có các “ông lớn” đang có rất nhiều tham vọng như Lotte muốn phát triển 60 TTTM tại VN đến 2020, Mapletree –Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Singapore muốn rót 1 tỷ USD vào VN, hay Tập đoàn Toyoko của Nhật muốn xây 100 khách sạn 3 sao tại VN…
Nhưng riêng với mảng bất động sản nhà ở, các thương vụ chủ yếu là mua bán giữa các chủ đầu tư trong nước. Lý do là phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn e dè do sự quan ngại về nguồn cung đã quá lớn trong khi thu nhập của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam được dự báo chưa có sự khởi sắc trong ngắn hạn.
“Sôi động” sáp nhập ngân hàng
Trong thời gian qua, chúng ta thường nhắc nhiều tới vấn đề tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Và đây cũng là lý do chính khiến thị trường này sôi động hiếm thấy trong khoảng 1 năm qua.
Diễn biến sôi động của ngành ngân hàng xuất phát từ thực tế là có tới 9 trên tổng số 39 ngân hàng thương mại nằm trong diện kiểm soát đặc biệt bởi Ngân hàng Nhà nước do tỷ lệ nợ xấu quá lớn, có vấn đề về thanh khoản và cần phải được sáp nhập hoặc mua lại.
Và đến nay đã có 6 ngân hàng tái cấu trúc thành công, trong đó có 3 ngân hàng hợp nhất gồm Đệ Nhất, Tín Nghĩa và Sài Gòn; Habubank - đã sáp nhập vào SHB; TienPhongBank đã tự tái cơ cấu và ngân hàng Phương Tây hợp nhất vào PVFC.
Đối với thương vụ giữa PVFC và Westernbank hiện đã có dự thảo đề án hợp nhất với tỷ lệ hoán đổi cô phần là 1:1. Đại hội cổ đông của Westernbank đã thông qua nguyên tắc hợp nhất với PVFC và chủ trương này cũng sẽ được PVFC trình ĐHĐCĐ trong thời gian tới.
Theo ghi nhận của StoxPlus, năm 2012 có lẽ là năm sôi động nhất về M&A trong ngành ngân hàng Việt Nam khi có tới hai thương vụ thâu tóm liên quan đến Sacombank (Eximbank và bầu Kiên) và Ngân hàng Phương Nam (gia đình ông Trầm Bê), hai thương vụ đầu tư chiến lược trong nước (DOJI vào Tiên Phong Bank và Viettel vào MB Bank), một thương vụ thâu tóm của tập đoàn Thiên Thanh mua lại TrustBank và một thương vụ từ nước ngoài lớn nhất trong lịch sử M&A Việt Nam (BTMU vào Vietinbank).
Stoxplus cho rằng, theo lộ trình từ nay đến 2017 Việt Nam sẽ giảm số lượng ngân hàng thương mại từ con số 39 ngân hàng hiện tại về 13-15 ngân hàng. Đã có 15 ngân hàng đã có đối tác chiến lược cùng ngành.
Hiện vẫn còn 3 ngân hàng nằm trong diện kiểm soát đặc biệt cần phải được tiếp tục tính tới phương án sáp nhập hoặc chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài cùng ngành. Do đó, hoạt động M&A trong ngành ngân hàng của Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong năm 2013 và các năm tiếp theo.
Kiều Thuật