Những năm trước, hoạt động M&A ở ngành ngân hàng chủ yếu là thương vụ đầu tư cổ phần thiểu số bởi các tập đoàn tài chính nước ngoài. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty Dữ liệu và Phân tích StoxPlus, đến 2012, tác nhân lại đến từ các nhà đầu tư trong nước.
Điển hình là một loạt giao dịch liên quan đến Sacombank (Eximbank và gia đình ông Trầm Bê), thương vụ SHB mua Habubank. Bên cạnh đó còn thương vụ đầu tư chiến lược của DOJI vào TienPhongBank; Viettel vào MB, Tập đoàn Thiên Thanh chi tiền mua TrustBank. Đặc biệt, không thể bỏ qua thương vụ từ nước ngoài lớn nhất trong lịch sử M&A Việt Nam (BTMU vào Vietinbank)...
Đến đầu 2013, PVFC công bố sáp nhập với Ngân hàng Phương Tây. Chính phủ cũng đã đồng ý cho Ngân hàng Sài Gòn (SCB) bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài. Trong thời gian tới, báo cáo dự đoán hoạt động M&A trong ngành ngân hàng vẫn sôi động vì hiện 15 trong số 39 nhà băng đã có đối tác chiến lược cùng ngành. Đồng thời vẫn còn 3 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Theo StoxPlus, những ngân hàng có năng lực về tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ, thanh toán... sẽ là tầm ngắm của các tập tài chính nước ngoài. |
Theo công ty này, tiểu ngành tài chính tiêu dùng không ghi nhận thương vụ nào trong 2012. Tuy nhiên, đây là phân ngành vốn được các định chế tài chính nước ngoài rất quan tâm. Hơn nữa, ở Việt Nam, mức thâm nhập thị trường chưa cao nên nhà băng nào có thế mạnh về hoạt động này sẽ là tầm ngắm của M&A.
Ở ngành bất động sản, năm 2012, StoxPlus ghi nhận 35 thương vụ, chủ yếu là các dự án mới hoàn tất thủ tục pháp lý hoặc triển khai dở dang thuộc phân khúc căn hộ, nhà liền kề, biệt thự. Trong đó, chỉ có 6 dự án được chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài. Đối với các nhà đầu tư trong nước, riêng Tập đoàn Đất Xanh đã có tới 4 thương vụ mua lại với tổng giá trị hơn 34,6 triệu USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu mua dự án trung tâm thương mại, trong đó có Lotte (Hàn Quốc), AEON (Nhật Bản) liên doanh với Tập đoàn Him Lam. Năm 2012, một số dự án tòa nhà văn phòng và khu nghỉ dưỡng được chuyển nhượng cho ngân hàng qua hình thức khấu trừ khoản vay vốn đã quá hạn.
Năm 2013-2014, theo dự báo, cung cầu M&A trong ngành này rất lớn. Ở thị trường căn hộ, xu hướng chủ đạo là giữa các chủ đầu tư trong nước. Khối ngoại đang hướng quan tâm vào những khu đất trung tâm xây dựng văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, phức hợp.
Ở ngành thực phẩm và đồ uống, các thương vụ năm 2012 chủ yếu có quy mô nhỏ (15 trong tổng số 17 thương vụ đều có giá trị dưới 10 triệu USD) do đã đi vào các thị trường ngách. Trong khi năm 2011, lĩnh vực này từng ghi nhận thương vụ hàng trăm triệu USD.
Năm qua, báo cáo ghi nhận 2 thương vụ M&A dưới hình thức chuyển nợ thành vốn ngân hàng. Đó là thương vụ SHB mua lại Bianfishco và MaritimeBank thông qua công ty con nhận lại Cafe Mường Áng từ Tập đoàn Cà phê Thái Hòa.
Năm 2012, ngành F&B ghi nhận 2 thương vụ chuyển nợ thành vốn của ngân hàng. Ảnh: Thiên Phước |
Công ty dữ liệu này cho rằng, ngành F&B của Việt Nam có tiềm năng lớn. Masan và Công ty Thủy sản Hùng Vương tiếp tục đẩy mạnh chiến lược mở rộng chuỗi giá trị ngành thủy sản.
Riêng lĩnh vực đồ uống, các doanh nghiệp lớn chưa có đối tác ngoại như Sabeco, Habeco, Bia Việt Hà, Đại Việt, và Tân Hiệp Phát đều là những công ty hấp dẫn đối tác nước ngoài. Trong khi đó, những tập đoàn nước ngoài như San Miguel (Phillipines), Thai Beer, Heineken, Carlberg... đều công bố kế hoạch thâm nhập hoặc mở rộng đầu tư vào Việt Nam qua M&A. Rào cản lớn nhất hiện nay cho M&A trong ngành F&B là những quan ngại về quy định chống độc quyền.
Trong ngành xi măng, năm 2012, có 4 thương vụ. Điểm nổi bật năm nay là xuất hiện thương vụ thâu tóm từ nước ngoài (Gresik - Indonesia mua Xi măng Thăng Long).
Các tập đoàn xi măng lớn trong nước cũng tiếp tục mạnh tay thâu tóm các đơn vị nhỏ lẻ hoặc các công ty thuộc Nhà nước nhưng làm ăn thua lỗ. Giá trị của các thương vụ này thường được định giá thấp. Nhiều nhà máy xi măng như Đồng Bành, Cẩm Phả, Hạ Long có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao nên phải gánh các khoản nợ lớn. Do đó, khi M&A lãi suất chiết khấu cao.
Năm 2013-2014, xu hướng chuyển nhượng và sáp nhập trong ngành xi măng rất sáng sủa. Hiện ngành này có quá nhiều nhà máy đã đi vào hoạt động (đến cuối 2011 có 61 nhà máy) cùng với hàng loạt dự án khác đã được cấp phép. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chất lượng tốt, quy mô lớn nhưng doanh số bán giảm, trong khi phải chịu áp lực về tài chính.
Đồng thời, xu hướng xuất khẩu xi măng, clinke đang tăng lên. Năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu 12 triệu tấn (25% tổng sản lượng). Hiện các nước Thái Lan, Indonesia đang trong tiến trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nên nhu cầu xi măng lớn.