Gói 30.000 tỷ hỗ trợ bất động sản sắp được tung ra
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, gói 30.000 tỷ cho vay hỗ trợ nhà ở sẽ sớm được triển khai với lãi suất và thời hạn hợp lý, thông qua kênh các ngân hàng thương mại nhà nước.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 4/4/2013 phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2013 và hướng dẫn cụ thể của Bộ Xây dựng về đối tượng cho vay, NHNN sẽ ban hành Thông tư và triển khai quyết liệt, dành 30.000 tỷ đồng để tái cấp vốn với lãi suất và thời hạn hợp lý, hỗ trợ các NHTM của Nhà nước thực hiện cho vay.
Trước đó, dự thảo Thông tư khi được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều ý kiến phản biện đáng xem xét, trong đó nổi bật là việc cần cho người dân vay để mua nhà ở xã hội, thay vì chỉ cho vay để thuê và thuê mua.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho rằng trong 30.000 tỷ đồng, nên ấn định tỷ lệ 2/3 dành cho người mua nhà, 1/3 còn lại dành cho các doanh nghiệp có dự án cần hoàn thiện.
Vấn đề lãi suất vay cũng được quan tâm, khi ý kiến của nhiều nhà quản lý và giới chuyên gia cho rằng cần duy trì mức lãi suất 6% năm trong suốt kỳ hạn 10 – 15 năm, hoặc 6% trong 3 năm đầu còn sau đó lãi suất điều chỉnh nhưng chỉ bằng ½ mặt bằng lãi suất cho vay thương mại.
Cũng liên quan đến diễn biến tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trong 4 tháng đầu năm 2013, báo cáo mới nhất của NHNN cho thấy những dấu hiệu khá tích cực.
Về tăng trưởng tín dụng, tính đến ngày 23/4, tín dụng đã tăng 1,4% so với cuối năm 2012, cao hơn nhiều so với mức giảm 0,2% của cùng kỳ 2012. Mức tăng này, mặc dù được coi là thấp so với chỉ tiêu 12% cả năm, nhưng đã cải thiện đáng kể trong bối cảnh nhu cầu tín dụng của nền kinh tế rất thấp như hiện nay.
Cũng theo NHNN, huy động vốn đã tăng cao trở lại, đến ngày 23/4 tăng 5,34% so với cuối năm 2012, trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng huy động bằng VND cao hơn bằng ngoại tệ.
Điều này góp phần giúp thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng chuyển biến tốt, vượt mức yêu cầu dự trữ bắt buộc và đảm bảo nhu cầu thanh toán. Sự cải thiện của thanh khoản cũng thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng xuống thấp: lãi suất qua đêm xuống còn 2-3%/năm, 1 tuần là 2,6-3,2%/năm, 1 tháng là 4,3-5%/năm.
Một tín hiệu tốt khác đối với vĩ mô là từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD liên ngân hàng chỉ tăng trung bình 0,4% so với đầu năm, giúp VND giữ được vị thế tốt trong mắt người dân. Điều này cũng giải thích nguyên nhân vì sao lượng vốn huy động bằng VND của các ngân hàng thương mại tăng lên, dù lãi suất huy động giảm mạnh. Lãi suất huy động dưới 12 tháng hiện chỉ ở mức 6 - 7,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 9 - 10,5%.
Cũng theo NHNN, lãi suất đầu vào hạ khiến lãi suất cho vay có xu hướng giảm: lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-11%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 11-13%/năm ở khối NHTM Nhà nước, 12-15%/năm ở khối NHTM cổ phần.
Công ty mua bán nợ (VAMC) "có nhiều điểm sáng tạo" Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Nghị định về tổ chức, hoạt động và lập ban trù bị của Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC). Theo Dự thảo Nghị định thành lập và quản lý VAMC được Ngân hàng Nhà nước đưa ra cách đây 1 tháng, mô hình VAMC ở Việt Nam có nhiều điểm sáng tạo so với các nước. Trong đó, VAMC sẽ không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, mà sẽ phát hành trái phiếu để mua nợ. VAMC sẽ mua lại nợ xấu bằng 100% giá trị sổ sách (trừ đi phần đã trích lập dự phòng rủi ro). Trái phiếu của VAMC phát hành chỉ có giá trị trong 5 năm, trong 5 năm đó, mỗi năm ngân hàng bán nợ phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu. |
Tác giả: Hồng Kỹ