Bất động sản nóng với thông tin góp vốn bằng căn hộ
Dư luận đang “nóng” với một dự thảo quy định do Sở Xây dựng Hà Nội soạn thảo, đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ.
Trong đó có việc cho phép người dân trong phạm vi dự án, góp vốn tham gia thực hiện bằng chuyển quyền sở hữu căn hộ; áp dụng hình thức BT cho doanh nghiệp tham gia dự án.
Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng cho biết: “Việc góp vốn của người dân bằng tài sản căn hộ của họ, thậm chí họ có tiền, có tài sản khác cũng được tham gia vào việc góp vốn với chủ đầu tư để sau đó hai bên chia tỷ lệ lợi nhuận từ việc hạch toán dự án. Giải pháp này vừa tháo gỡ cho doanh nghiệp (DN) trong việc huy động nguồn vốn, vừa giảm được nhiều chi phí cho dự án khi mà tự DN đi lo nguồn vốn. Đồng thời, khi người dân tham gia góp vốn thể hiện họ cũng chịu rủi ro, quyền lợi với chủ đầu tư nên sẽ kiểm soát được tiến độ, việc hạch toán của dự án”.
Cũng theo ông Vũ Ngọc Đạm, các giải pháp đưa ra nhằm giải quyết bài toán lợi ích giữa các bên, và về nguyên tắc áp dụng trên toàn TP. Có thể thấy, ở ngoại thành khi thực hiện dự án tùy năng lực tài chính của DN, có thể xây nhà cao tầng, bàn giao cho dân xong có thể tính toán “phần còn lại” để sinh lợi. Ngược lại ở các quận trung tâm, chỉ được phép xây tối đa 9 tầng, thì có thể áp dụng giải pháp BT – tức là chủ đầu tư xây dựng xong, chuyển giao cho Nhà nước, và “đổi” lấy công trình khác để thu hồi vốn, theo thỏa thuận.
Các giải pháp trên được cơ quan chức năng kỳ vọng là sẽ đẩy nhanh tiến độ cải tạo nâng cấp xây mới chung cư cũ trên đại bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại thì không ít người dân và các doanh nghiệp lại bày tỏ sự nghi ngờ về tính hiệu quả trong công tác triển khai thực hiện.
Qua thăm dò ý kiến các hộ dân đang sinh song tại các chung cư cũ, họ đã đưa ra hàng loạt những câu hỏi chưa có lời giải. Cứ cho rằng người dân sẽ ủng hộ và góp vốn, nhưng bao giờ thì làm xong để bàn giao nhà cho họ? Thời gian hoàn thiện dự án là 5 năm hay 10 năm, hay xây giữa chừng thì… dừng lại, như từng xảy ra ở rất nhiều dự án? Chất lượng công trình như thế nào, chế độ bảo trì ra sao? Hay bàn giao cho dân xong là doanh nghiệp “phủi” trách nhiệm, “sống chết”… mặc dân?
|
Anh Hùng, cư dân tòa nhà B4 - TT Thanh Xuân lại thắc mắc: “Chúng tôi đang ở đây, dù có nhếch nhác nhưng bù lại sự thuận tiện. Dù chung cư xây dựng từ những năm 80 nhưng lúc đó đã quy hoạch đầy đủ khoảng sân chung, nhà trẻ, trường học, trạm y tế… rất gần. Trong khi hiện nay, ở nhiều KĐT hiện đại những hạng mục trên… không có. Bây giờ xây tòa nhà to hơn 10 tầng, nhanh cũng mất 4 đến 5 năm. Thời gian đó ai đóng tiền thuê nhà cho chúng tôi? Xây xong chúng tôi về ở có bắt chúng tôi phải đóng thêm tiền “trượt giá” hay không? Mặt khác trong bối cảnh khó khăn hiện tại, việc người dân huy động vốn bằng quyền sử dụng đất, và các tài sản khác cũng… không dễ, và rủi ro rất lớn”.
Trong khi đó, nhiều DN cũng phản ánh rằng với tình hình thị trường BĐS như hiện tại, thì việc đầu tư xây dựng bất kỳ một dự án BĐS nào cũng là một bước đi mạo hiểm – cần phải được tính toán rất kỹ. Bởi lẽ, sức mua kém và người dân cũng sẽ không dễ dùng quyền sở hữu tài sản của mình tham gia dự án.
“Cho phép người dân góp vốn vào dự án là một giải pháp tốt. Tuy nhiên cơ quan chức năng phải quản lý được tỷ lệ phân chia theo cổ phần – tránh lợi ích nhóm. Bởi lẽ, như vậy có nghĩa là sẽ cho phép rất nhiều cổ đông cùng tham gia dự án, vì thế sẽ khiến việc quản lý trở nên phức tạp, và đẩy chi phí lên” - ông Trương Chí Kiên, Phó TGĐ Cty Him Lam Thủ đô, đưa ra nhận định.
Ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường BĐS, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng: “Việc cho người dân góp vốn tham gia dự án, phải được nhìn ở góc độ rộng hơn. Có nghĩa rằng, người dân hoàn toàn có thể chủ động (không cần DN), trong việc cùng nhau thực hiện dự án. Còn đối với giải pháp đưa hình thức BT cũng là cách để kêu gọi những doanh nghiệp có tiềm lực thật sự, chia sẻ khó khăn với Nhà nước. Với kỳ vọng tháo gỡ khó khăn về nhà chung cư cũ. Cả hai giải pháp này là mới, đang xin ý kiến và tiếp tục xây dựng – cần phải có thời gian thử nghiệm, mới đánh giá chính xác tính hiệu quả hay không hiệu quả”
Cũng theo ông Hiền, phải tạo ra cơ chế để người dân có quyền tham gia vào việc “cải tạo chung cư”. Vì thế cơ quan chức năng mới đưa các giải pháp mới này vào “khung” pháp lý để khuyến khích người dân vào làm. Sau này sẽ có những chính sách thực hiện cụ thể. Điểm mới là, nếu như trước đây bắt buộc phải có DN “nhảy” vào, thì bây giờ người dân có thể cùng nhau kết hợp để tự giải quyết, tự giám sát tự quản lý. Còn về hình thức BT như thế nào, khi DN thỏa thuận được với dân, trong việc “cải tạo chung cư” thì sẽ được chỉ định tiến hành.
(tổng hợp)