Thống kê của các đơn vị phân phối dự án tại Hà Nội, tình hình giao dịch trên thị trường phía Bắc từ đầu tháng 6 giảm khá mạnh so với trước đó. Ông Phạm Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Cen Group cho biết, sau khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chính thức được áp dụng, lượng khách hàng đến tìm hiểu dự án tăng mạnh, đặc biệt là với căn hộ dưới 70 m2/căn và giá không quá 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đơn vị này chủ yếu phân phối những căn hộ giá trên 15 triệu đồng/m2, do đó, giao dịch thành công giảm đáng kể.
Vị này cho biết, trong số khách hàng của Cen Group, hiện có khoảng 15-20 khách đang chờ đợi gói hỗ trợ. "Những khách hàng từng có ý định mua căn hộ có giá từ 15-17 triệu đồng đến nay cũng lưỡng lự. Một số nói rằng, họ chờ thông tin từ gói hỗ trợ rồi mới quyết", ông Hưng cho hay.
Tương tự là đơn vị phân phối nhiều dự án có giá dưới 15 triệu đồng, tuy nhiên, ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đất Xanh miền Bắc tiết lộ, lượng giao dịch bị giảm khoảng 25% so với tháng trước, trong khi số khách đến tìm hiểu lại tăng.
Giao dịch nhà đất tại Hà Nội sụt giảm mạnh do ảnh hưởng tâm lý chờ đợi giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. |
“Khách hàng đều nói rằng mình đủ điều kiện để vay gói hỗ trợ nên họ vẫn chờ đợi. Nhiều người trước đó đã định chồng tiền nhưng nay lại ra điều kiện nếu sàn làm việc được với ngân hàng đồng ý cho vay thì họ mới mua”, ông Quyết cho hay.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư và phân phối DTJ, lượng khách tìm hiểu dự án cũng tăng 30-40% nhưng số giao dịch lại giảm tương đương tỷ lệ đó.
Để gỡ khó, nhiều đơn vị phân phối cùng chủ đầu tư làm việc với các ngân hàng về việc giúp khách vay vốn từ gói hỗ trợ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các sàn nhiều thủ tục xét duyệt, đệ trình vẫn còn vướng mắc khiến thị trường càng ảm đạm hơn.
Ngược với Hà Nội, tại Tp.HCM, lượng giao dịch nhà đất thành công qua sàn bất ngờ tăng nhẹ. Nhiều chuyên gia nhận định thị trường phía Nam đang phản ứng tích cực hơn phía Bắc khi các thương vụ mua bán nhà đất tại Sài Gòn có xu hướng nhích lên.
Theo phản hồi của hệ thống sàn bất động sản khu Đông Tp.HCM, các căn hộ phân khúc trung và cao cấp trên thị trường sơ cấp như: Tropic, Imperial An Phú, Estela... bắt đầu có lượng giao dịch tăng trở lại. Nguyên nhân là nhờ chính sách bán hàng mới với thời gian thanh toán dài hơn và nhận nhà sớm hơn. Chẳng hạn như trường hợp của Imperial An Phú, trong quý I, dự án chỉ tiêu thụ được trung bình 9-10 căn một tháng. Thế nhưng từ tháng 4-5 trở đi, mãi lực tăng gấp 3-4 lần, giao dịch 30-40 căn một tháng.
Ngược chiều với Hà Nội, giao dịch tại Tp.HCM bắt đầu tăng nhẹ.
Tại khu Nam Tp.HCM, từ trung tuần tháng 5, lượng giao dịch thành công cũng có dấu hiệu khởi sắc. Dự án Khang Gia Tân Hương, nhận giữ chỗ từ tháng 5, đến trung tuần tháng 6 mở bán đã có 86 trên tổng số 99 căn có người đặt cọc.
Số thương vụ mua bán của tháng 5-6 theo thống kê của sàn giao dịch Khải Hoàn Land nhích nhẹ 10% so với 4 tháng đầu năm. Phân khúc có mãi lực tốt nhất là những căn hộ có giá 1,5- 3 tỷ đồng, nhà ở và căn hộ có vị trí thuận lợi. Tuy nhiên, theo đánh giá của sàn Khải Hoàn Land, mặc dù thị trường đang chuyển mình thay đổi nhưng chưa bền vững.
Trong khi đó, sàn ACBR chào bán đợt đầu tiên 60 căn hộ An Tiến (huyện Nhà Bè) đã bán được 35% sản phẩm. Ngay cả công trình nghỉ xả hơi 12 tháng qua là dự án Hưng Phát (huyện Nhà Bè) cũng sốt ruột chuẩn bị mở bán. Chủ đầu tư tăng thời gian thi công lên thành 3 ca để chạy nước rút cho kịp tiến độ giao nhà vào năm sau.
Lượng giao dịch tăng giảm trái chiều ở 2 đầu Tp.HCM và Hà Nội được các chuyên gia lý giải có liên quan mật thiết đến phản ứng tâm lý vùng miền đối với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội nhận định, đa số các dự án nhà được vay vốn ưu đãi ở phía Bắc chỉ mới khởi công, những dự án đã hoàn thiện còn nhiều vướng mắc về thủ giải ngân gói 30.000 tỷ nên khách hàng vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Điều này khiến cho giao dịch bất động sản tại Hà Nội sụt giảm mạnh.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty dịch vụ đầu tư Kiến Á, Trần Lê Khánh lý giải, Chính phủ đã có thông điệp rõ ràng về việc hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà. Gói 30.000 tỷ đồng chỉ hỗ trợ người nghèo an cư hơn là bình ổn giá cả thị trường nhà đất nên tâm lý chờ giá giảm thêm cũng được giải tỏa dần
Theo ông Khánh, ở khu vực phía Nam, bất động sản đạt được sự ổn định và bám sát nhu cầu thực tế tốt hơn phía Bắc. Địa ốc Sài Gòn đã điều chỉnh giá, tái cơ cấu sản phẩm trước Hà Nội. Vì vậy, sau một khoảng thời gian dài nghe ngóng khảo sát, người dân Tp.HCM đưa ra quyết định nhanh hơn. Số dự án được vay ưu đãi lãi suất 6% tại phía Bắc cũng nhiều hơn phía Nam là lý do khiến tâm lý chờ đợi tại Hà Nội nặng nề hơn.
Chủ tịch một công ty địa ốc tại khu Nam Tp.HCM nhận xét, mức độ dao động tâm lý và tốc độ tăng giảm giá bất động sản tại thị trường Hà Nội còn lớn, mặt bằng giá còn cao là nguyên nhân tạo sự khác biệt về mãi lực so với Sài Gòn. Theo chuyên gia này, cần thêm một thời gian lan tỏa trong 12 tháng tới, chuyển động của thị trường sẽ rõ ràng hơn, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ.
Riêng Tổng giám đốc sàn giao dịch địa ốc Việt Đô, Mai Đức Hùng cho rằng gói 30.000 tỷ đồng chỉ có hiệu ứng tâm lý chứ không tác động đến mua bán trên thị trường. Ông Hùng cho rằng lãi suất tiền gửi đang trên đà điều chỉnh mới là nhân tố đủ sức nặng kéo dòng tiền chảy vào địa ốc.