Bất động sản được vay vốn trở lại, tồn kho giảm
Tín dụng bất động sản tăng 4% so với cuối năm ngoái, trong khi đó tổng giá trị tồn kho giảm hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản sáng 9/8, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến cuối tháng 5, tổng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản là 237.500 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối 2012. Trong đó, dư nợ cho vay xây văn phòng cho thuê và vay mua nhà tăng mạnh nhất. Tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực này tiếp tục tăng, từ 5,39% vào cuối năm 2012 lên 6,53%.
Bộ Xây dựng nhận định, từ quý II các ngân hàng đã bắt đầu cho vay trở lại đối với các doanh nghiêp địa ốc làm ăn ổn định, dự án đảm bảo tiến độ. Lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh so với năm 2013, ở mức khoảng 11-13%.
Về lượng tồn kho, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, tổng giá trị vào khoảng gần 108.800 tỷ đồng, giảm 15,4% so với quý I. Số liệu này được dẫn từ báo cáo của 56 trong tổng số 63 tỉnh thành. Trong số đó, căn hộ tồn kho giảm khá nhiều, đặc biệt là TP HCM và Khánh Hoà.
Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư là 27.800 căn, nhà thấp tầng 15.000 căn, đất nền gần 10 triệu m2. Bên cạnh đó, diện tích đất nền thương mại khác cũng tồn hơn 2 triệu m2. Riêng Hà Nội, đến hết tháng 6, tổng giá trị tồn kho khoảng 17.000 tỷ đồng, TP HCM là 26.700 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành cũng có báo cáo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc triển khai gói 30.000 tỷ. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, đến cuối tháng 7, đã có 4 nhà băng cam kết cho vay 150 khách hàng cá nhân với số tiền 46,02 tỷ đồng. Trong đó các ngân hàng đã giải ngân được 33,46 tỷ đồng cho139 khách hàng. Theo Thứ trưởng, hiện nay nguồn cung đối với phân khúc này còn ít nên việc giải ngân cho khách hàng không thể nhanh.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Bất động sản cho rằng, việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng còn rất nhiều vướng mắc. Một số khách hàng cá nhân khi đến nhà băng đề nghị được vay vốn thì ngân hàng yêu cầu phải có sổ đỏ.
“Trong khi đó, hiện nay rất nhiều dự án mới hoàn thiện nên làm gì đã có sổ. Để giải quyết bế tắc, chúng tôi đã đề xuất phương án ký hợp đồng 3 bên giữa ngân hàng, khách mua và chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhà băng nào đồng ý. Vì thế, một loạt khách của các doanh nghiệp vẫn đang xếp hàng chờ vay mà chưa được”, vị này cho hay.
Lãnh đạo TP HCM cũng cho rằng nên tiếp tục xem xét vấn đề lãi suất để thực hiện cho được mục tiêu nhiều người dân có nhà. Ở góc độ người mua nhà, vị này tính toán, thu nhập bình quân một tháng của đa số hộ gia đình hiện nay tại TP HCM là khoảng 8 triệu đồng. Trong khi đó, việc chi tiêu các nhu cầu khác chiếm 70-80%, chỉ còn khoảng 15-20% dành chi tiêu cho nhà ở.
“Nếu vay 80% số tiền mua nhà, mỗi tháng họ phải trả tương đương khoảng 3 triệu đồng tiền gốc. Lãi mỗi năm khoảng 40 triệu, tức là mỗi tháng trả hơn 3 triệu nữa thì nhiều gia đình sẽ không đáp ứng được khả năng thanh toán”, vị này cho hay.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các nhà băng đã có báo cáo cập nhật tình hình giải ngân gói 30.000 tỷ. Vietinbank cho biết đã nhận 300 hồ sơ của khách hàng cá nhân và ký 66 hợp đồng trong số này. Theo đó, số tiền cam kết cho vay là 20,3 tỷ đồng. Với khách hàng doanh nghiệp, đơn vị này đã ký hợp đồng liên kết với 20 dự án. |
Tác giả: Ngọc Tuyên