Bất động sản đánh thuế cao để hạn chế đầu cơ
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 2196/CT-TTg về tăng cường quản lý thị trường bất động sản, phóng viên báo chí đã phỏng vấn ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) xung quanh việc đánh thuế bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ.
Ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) |
Theo ông, vì sao Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ nhanh chóng nghiên cứu, đưa ra cơ chế đánh thuế cao đối với bất động sản và sửa đổi quy định về thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản?
Thuế là một công cụ quản lý nhà nước. Các nước sử dụng rất hiệu quả công cụ này và thời gian qua, Việt Nam cũng đã áp dụng đánh thuế cao để quản lý, điều tiết thị trường ở những lĩnh vực mà Nhà nước không khuyến khích đầu tư.
Tác hại của đầu cơ bất động sản đã thể hiện rất rõ trong thời gian qua. Có một thực trạng đáng lo ngại là, một nguồn lớn vốn đổ vào bất động sản, nhưng bị chôn lại, không mang lại giá trị gia tăng, trong khi nhiều lĩnh vực sản xuất khác đang rất khát vốn. Cho nên, cần có những biện pháp để chuyển nguồn vốn ứ đọng này sang lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tạo động lực để kinh tế phát triển.
Hiệu quả của việc đánh thuế bất động sản rất rõ ràng, giúp giảm nạn đầu cơ, tích trữ nhà đất, giúp hạ giá nhà để người dân có nhu cầu thực tiếp cận được sản phẩm.
Vậy mức áp thuế với kinh doanh bất động sản sẽ như thế nào?
Trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có quan điểm về vấn đề này. Việc áp dụng mức thuế còn phụ thuộc vào các điều kiện thực tế của thị trường, tùy vào đối tượng kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, đánh thuế ở mức độ nào để có hiệu quả chống đầu cơ, thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác.
Nếu áp dụng việc đánh thuế bất động sản, các chủ thể có thể tìm cách trốn thuế bằng việc nhờ người thân sở hữu. Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao?
Pháp luật khi đã được ban hành, thì người dân luôn tìm mọi cách để tránh hoặc lách. Vấn đề là, người làm luật phải lường trước được những tình huống đó để hạn chế việc này. Giám sát việc trốn thuế không khó. Việc quản lý bất động sản phải được thực hiện công bằng, minh bạch, công khai, nên nếu chúng ta công bố rõ ràng, công khai trên Internet, thì sẽ tránh được tình trạng trốn thuế.
Ngoài công cụ thuế, để quản lý tốt thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cần áp dụng thêm những giải pháp nào?
Thuế chỉ là một trong những công cụ quản lý, điều tiết thị trường. Để quản lý tốt, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tích cực nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp về nhà ở và kinh doanh bất động sản; tiếp tục rà soát, kiểm tra các dự án phát triển nhà ở đang triển khai; chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm, 5 năm và dài hạn; chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chương trình xây dựng nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp và nhà ở thu nhập thấp tại khu vực đô thị và chương trình mục tiêu hỗ trợ nhà ở tại khu vực nông thôn.
Đồng thời, sẽ nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ Đề án Nhà ở cho thuê, trong đó chú trọng phát triển nhà ở xã hội cho thuê và Đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương xây dựng hệ thống số liệu thống kê về nhà ở, phục vụ công tác hoạch định chính sách và quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản.
(Theo Báo Đầu tư)