Một số khoản vay bất động sản tăng bất thường
Mặc dù tăng trưởng tín dụng bất động sản trong năm 2011 giảm tới 13,4%, nhưng vẫn có những khoản cho vay bất động sản tăng mạnh.
Báo cáo của Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản năm 2011 vừa gửi lên Thủ tướng đã khẳng định điều đó trên cơ sở cập nhật số liệu tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, nếu như đến cuối năm 2010, tín dụng bất động sản có mức tăng 23,5% so cùng thời điểm năm 2009, thì tính đến ngày 30/9/2011, dư nợ cho vay kinh doanh trong lĩnh vực này đạt mức 203.598 tỷ đồng, giảm 13,46% so với 31/12/2010, chiếm khoảng 9,25% tổng dư nợ của toàn hệ thống.
Trong tổng dư nợ cho vay bất động sản, khoản vay ngắn hạn là 40.890 tỷ đồng chiếm 20,08%, vay trung và dài hạn là 162.708 tỷ đồng chiếm 79,92%. Dư nợ có tài sản đảm bảo chiếm khoảng 97%, dư nợ cho vay không có tài sản đảm bảo chiếm 3%. Dư nợ xấu khoảng 4,14%
Theo thống kê, nhìn chung các khoản tín dụng trong năm 2011 đều giảm, chẳng hạn như vay xây dựng khu đô thị là 24.618 tỷ đồng, giảm 13,08%; vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở (trừ trường hợp khách hàng vay trả nợ bằng tiền lương) là 54.285 tỷ đồng, giảm 26,97%.
Ngoài ra, vay mua quyền sử dụng đất là 15.915 tỷ đồng, giảm 13%; vay đầu tư, kinh doanh bất động sản khác (xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng) là 38.875 tỷ đồng, giảm 36,23% so với cuối năm 2010.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ cho thấy, vẫn có một số khoản mục có mức tăng dư nợ như: vay xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 13.877 tỷ đồng, tăng 5,74%. Đặc biệt vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán, cho thuê là 23.453 tỷ đồng, tăng tới 76,6% so với 31/12/2010. Riêng vay xây dựng văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 32.573 tỷ đồng, tăng 20,81%.
Theo Bộ Xây dựng, đây là một sự bất thường, khi mà cho vay các khoản mục xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán, cho thuê (thuộc đầu cung) lại tăng quá cao, đến 76,6%, trong khi cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở (đầu cầu) lại giảm nhiều tới 26,97%.
Lý giải sự bất hợp lý này, Bộ Xây dựng cho rằng, có thể tiêu chí thống kê từ phía Ngân hàng Nhà nước còn chưa rõ, dẫn đến số liệu chưa chính xác. Tuy nhiên hiện tượng thiếu vắng người mua trên thị trường cũng đã phản ánh phần nào sự mất cân đối trong tín dụng bất động sản trong năm 2011.
Báo cáo cũng khẳng định, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản 2011 giảm số tuyệt đối so với cuối năm 2010 (giảm hơn 31.000 tỷ đồng), chứ không phải giảm tốc độ tăng trưởng theo nghị quyết 11 và các nghị quyết phiên họp khác của Chính phủ.