Bất động sản khép lại 1 năm đầy sóng gió
Năm 2011 khép lại, những tín hiệu tốt của thị trường bất động sản vẫn còn đang le lói phía trước con đường. Dothi.net xin điểm lại những nhận định của các chuyên gia bất động sản về năm 2011 vừa qua.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Hiện nay, thị trường đã có tình trạng giảm giá bán, còn thời gian tới thị trương sẽ như thế nào thì còn tùy thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế nước ta và sức chịu đụng của từng doanh nghiệp. Việc giảm giá thể hiện thị trường bất động sản đã trở về đúng giá trị thực của nó. Tuy nhiên, thị trường bất động sản gặp khó khăn cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế.
Các doanh nghiệp xây dựng dù khó khăn cũng phải thực hiện theo chính sách. Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ những chính sách để giảm lãi suất ngân hàng.
Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Thị trường hiện gần như đang bong bóng, nếu mình bơm thêm vốn thì chắc chắn sẽ bục ngay. Các doanh nghiệp bất động sản phải chấp nhận thôi, vì nếu bơm thêm vốn sẽ lôi kéo cả thị trường theo một ảo tưởng mới. Chủ doanh nghiệp bất động sản từng là những người giàu nhất nước, là những doanh nghiệp siêu lợi nhuận, lại được ngân hàng ưu ái, nên giờ giảm giá thì cũng chỉ là chia sẻ lợi nhuận mà thôi.
Quan điểm của chúng tôi là phải để cho thị trường này “xì hơi’ dần dần thì mới mong cứu vãn được, và người mua nhà cũng được lợi.
TS. Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng nghiên cứu phát triển Kinh tế - Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội
Chúng ta đã chứng kiến những giai đoạn tăng giá rất mạnh, thậm chí quá phi lý của thị trường bất động sản, và việc tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua có lúc đã tạo ra những cơn “sốt nóng” về bất động sản.
Kinh nghiệm của thị trường bất động sản lớn như Mỹ, Thái Lan… thấy rằng, đây chính là dấu hiệu khởi đầu cho sự sụp đổ bong bóng bất động sản, tạo ra những hiệu ứng domino về khủng hoảng kinh tế, tài chính. Tuy nhiên, độ nóng của nó đã được kiểm soát tại Việt Nam.
Tôi tin rằng, thời gian tới còn phải tiếp tục hạ hơn nữa, để đưa giá bất động sản về đúng giá thực, đưa lợi nhuận kinh doanh về đúng với số lợi nhuận bình quân, thì lúc đó chúng ta sẽ có được một trạng thái tốt hơn.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển
Nhiều nhà đầu tư cá nhân cho rằng thị trường đang đóng băng là do bất ổn tài chính tạm thời. Một khi bất ổn tài chính này được giải quyết thì thị trường sẽ ấm trở lại như xưa. Hơn nữa, kinh nghiệm trước nay cho họ thấy bất động sản chỉ đi ngang và rồi đi lên, không có tình trạng giảm giá mạnh như các nước khác.
Tuy nhiện, việc công bố giảm giá dự án làm người ta mới sực tỉnh lại, sẽ đánh động nhà đầu tư cá nhân.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình
Trong năm 2011, chúng ta đã có những nỗ lực lớn trong điều hành kinh tế, về vĩ mô Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát. Từ tháng 8/2011 tới nay, lạm phát có chiều hướng đi xuống. Đó là dấu hiệu rất tích cực, nhưng cũng phải khẳng định rằng, lạm phát của nước ta vẫn đang ở mức khá cao, từ nay tới cuối năm chung ta vẫn đang phấn đấu giữ lạm phát ở mức 18-18,5%.
Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội 2012, trong đó tín dụng ngân hàng từ 15-17%. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành các ngân hàng thương mại đạt mục tiêu này, để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát trong các năm tiếp theo nhưng đồng thời đảm bảo phát triển của nền kinh tế khoảng 6-6,5%.
Những lĩnh vực được ưu tiên trong năm tới là phát triển nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là khôi phục lại hoạt động sản xuất các vùng bị thiên tai lũ lụt thời gian qua; phục vụ cho hoạt động xuất khẩu; cho vay công nghiệp phụ trợ; đảm bảo vốn lưu động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ quy định cụ thể hơn trong việc cho vay phi sản xuất liên quan đến việc mua nhà ở của người có thu nhập trung bình và thấp ở thành thị cũng như ở các khu công nghiệp. Đó là lĩnh vực mà Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng ưu tiên phát triển tín dụng trong năm tới.