Doanh nghiệp ngành xây dựng sống dựa vào đi vay
Theo báo cáo của Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng, doanh nghiệp ngành xây dựng hoạt động còn dựa nhiều vào các khoản đi vay đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển bền vững của các doanh nghiệp trên thị trường.
Báo cáo mới đây của Viện Kinh tế xây dựng cho thấy, tỷ số nợ/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn còn cao; trong đó, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước luôn không đủ khả năng dùng vốn chủ sở hữu của mình để thanh toán các khoản nợ. Điều này cho thấy, doanh nghiệp hoạt động còn dựa nhiều vào các khoản đi vay đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển bền vững của các doanh nghiệp trên thị trường.
Doanh nghiệp ngành xây dựng sống dựa vào đi vay. Ảnh: DK |
Tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành kinh doanh thua lỗ vẫn còn tương đối lớn, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Theo đại diện của Viện kinh tế xây dựng, nguyên nhân chủ yếu do năng lực tài chính của các doanh nghiệp và lệ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay, nguồn nợ đọng trong thanh toán của các chủ đầu tư, khách hàng đối với doanh nghiệp xây dựng còn lớn dẫn đến tỷ lệ nợ/nguồn vốn chủ sở hữu còn cao.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn yếu trong quản trị doanh nghiệp, bố trí và sử dụng lao động trong doanh nghiệp còn nhiều bất cập, chưa đổi mới, ứng dụng công nghệ mới trong doanh nghiệp gây ra tình trạng năng suất thấp trong các doanh nghiệp xây dựng hiện nay.
Các doanh nghiệp còn chưa chú trọng đến chiến lược kinh doanh, kế hoạch phát triển, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp và thiếu sự liên danh, liên kết giữa các doanh nghiệp.
Chức năng đại diện chủ sở hữu còn chồng chéo, còn phân tán, chưa phân định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý giám sát việc sử dụng vốn, tài sản của nhà nước.
Đến cuối năm 2010 cả nước có khoảng 36.000 doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng, trong đó có khoảng 30.000 doanh nghiệp thực hiện xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp và 6.000 doanh nghiệp xây dựng các công trình chuyên dụng.
Tìm lối thoát
Theo Viện kinh tế xây dựng, mỗi doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị của doanh nghiệp thông qua minh bạch thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ sự giám sát của xã hội đối với hoạt động doanh nghiệp, tăng cường áp dụng chuẩn mực kinh doanh hiện đại có hiệu quả cao, kiện toàn bộ máy quản lý, tăng cường công tác đào tạo cho các cán bộ quản lý doanh nghiệp để đáp ứng như cầu quản trị doanh nghiệp trong cơ chế thị trường.
Sắp xếp lực lượng lao động hợp lý trong các doanh nghiệp; tổ chức nghiên cứu triển khai sử dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, nâng cao mức độ cơ giới hóa trong thi công xây dựng, tạo giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm, dịch vụ.
Một yếu tố quan trọng là cần chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, quảng bá thương hiệu, hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp, thực hiện liên danh, liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các cơ sở khoa học công nghệ trong nghiên cứu triển khai.
Đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần tập trung đầu tư phát triển doanh nghiệp theo chiều sâu, phát huy thế mạnh vốn có của doanh nghiệp, cắt giảm hạn chế tối đa việc đầu tư chiều rộng vào các lĩnh vực không có tiềm năng, nhiều rủi ro.