Ngành xây dựng vượt qua khó khăn thách thức
Bước sang năm 2012, nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Xây dựng rất nặng nề, trước yêu cầu của nhân dân, của thực tiễn đặt ra, ngành Xây dựng cần nỗ lực nhiều hơn nữa.
Sáng 06/01/2012 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2012. Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm 2011 ngành Xây dựng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Suy thoái kinh tế thế giới do khủng hoảng nợ công ở châu Âu có diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, lạm phát cao, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, thị trường chứng khoán sụt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng, lãi suất cao... đã tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành Xây dựng.
Theo đó, ngành đã tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đồng bộ, nâng cao chất lượng ban hành, phù hợp với thực tiễn, tạo ra những đột phá trong việc huy động các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của ngành, đặc biệt là lĩnh vực phát triển đô thị, phát triển nhà ở, hoạt động kinh doanh bất động sản…
Ngành Xây dựng cần nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý theo quy hoạch. Ảnh: Duy Khánh |
Tính đến nay, cả nước có khoảng trên 750 đô thị, gồm 2 đô thị đặc biệt; tỷ lệ đô thị hóa ước khoảng 31%. Tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị trung bình đạt từ 12 – 15%, cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước…
Hiện, tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở đạt khoảng 80 triệu m2. Diện tích bình quân về nhà ở tính đến cuối năm 2011 đạt khoảng 18,3 m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 21,3 m2 sàn/người, tại nông thôn là 16,8m2 sàn/người.
Các công trình hạ tầng đô thị như giao thông đô thị, cấp, thoát nước, xử lý chất thải rắn, chiếu sáng công cộng, cây xanh đô thị được tập trung đầu tư; phần lớn chất thải rắn tại đô thị đã được thu gom, xử lý theo quy định.
Cùng với đó, hoạt động quản lý xây dựng như quản lý các dự án đầu tư, cấp phép, quản lý chất lượng công trình xây dựng; năng lực hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng; quản lý, phát triển vật liệu xây dựng; theo dõi và kiểm soát thị trường bất động sản; thanh tra xây dựng; hội nhập quốc tế… cũng là những mặt công tác lớn, có nhiều chuyển biến.
Báo cáo của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá về những tồn tại, hạn chế mà ngành Xây dựng cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ cơ bản đồng tình với Báo cáo đánh giá những mặt đạt được, những tồn tại, cũng như những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra cho 5 năm tới và năm 2012 của ngành Xây dựng.
Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Xây dựng trong năm 2011. Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, ngành Xây dựng đã nỗ lực rất lớn để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức hoàn thành nhiệm vụ với những kết quả đạt được khá toàn diện, đóng góp thiết thực thành tựu chung của đất nước trên các mặt xây dựng thể chế, quản lý phát triển đô thị, quản lý chất lượng công trình xây dựng, phát triển nhà ở, trong đó nhà ở xã hội, nhà ở cho hộ nghèo ở nông thôn và các vùng khó khăn, nhà ở cho đồng bào vùng ngập lũ là một điểm sáng cần được phát huy trong thời gian tới.
Thủ tướng chỉ đạo, về các nhiệm vụ trong thời gian sắp tới, ngành Xây dựng cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong đó, có việc nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị, rà soát quy hoạch hiện có, bổ sung cập nhật quy hoạch, tiến hành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho đầy đủ; quan tâm đến nâng cao chất lượng công trình, an toàn của công trình xây dựng; tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, cụ thể hóa chiến lược phát triển nhà ở bằng các chính sách cụ thể; xây dựng chiến lược phát triển thị trường bất động sản; có các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng phát triển đồng thời kiểm soát, quản lý chặt chẽ để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành Xây dựng.
Trong năm 2012, ngành Xây dựng triển khai quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm lớn như, tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản. Cụ thể là tổ chức thực hiện điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2010 – 2015; Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009 – 2020 và các Định hướng phát triển nhà ở, hạ tầng đô thị;… Tiếp tục rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, phát hiện những bất cập và nghiên cứu các giải pháp để đảm bảo hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu đô thị mới phải được xây dựng đồng bộ và kết nối với hạ tầng kỹ thuật. Thực hiện rà soát quy hoạch xây dựng vùng, vùng tỉnh và quy hoạch đô thị; tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch đô thị. Tập trung quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, phát triển lực lượng xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành và toàn xã hội; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học trong năm 2012, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng, thi công xây dựng nhà ở và hạ tầng kỹ thuật theo hướng công nghiệp hóa; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Tổ chức thực hiện phương án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Bộ và các doanh nghiệp thuộc ngành Xây dựng giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời, tiếp tục theo dõi, đôn đốc, xử lý những vướng mắc hậu cổ phần hóa và nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thuộc Bộ sau cổ phần hóa… |
Duy Anh - Nguyễn Khan