Địa ốc giảm giá mạnh cũng không lo “vỡ trận” thị trường
Trước thực tế nhà đất Hà Nội trên đà giảm giá mạnh tới mức 30-40% khiến nhiều người lo ngại sẽ xảy ra tình trạng “vỡ trận” thị trường bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia thì đó chỉ là chiêu thức giải quyết vốn của một số chủ đầu tư, không phải là xu hướng chung của toàn thị trường.
Dự án giảm dưới “giá gốc”
Theo khảo sát của PV, trên thị trường Hà Nội, thời gian gần đây đã xuất hiện khá nhiều trường hợp rao bán căn hộ chung cư dưới giá gốc mua vào từ một vài năm trước.
Đơn cử như dự án chung cư Keangnam ở đường Phạm Hùng (Cầu Giấy), khi bắt đầu mở bán, giá gốc được niêm yết 3.000USD/m2. Thế nhưng, sau gần 4 năm triển khai xây dựng và đến nay đã bàn giao cho khách hàng được gần 1 năm thì giá bán chỉ còn 2.400 -2.700 USD/m2, thậm chí có căn chỉ chào bán giá 2.100 USD/m2.
Một dự án chung cư cao cấp khác như chung cư Eurowindow Multicomplex ở đường Trần Duy Hưng lại đang có thông tin rao bán thấp hơn 10 triệu đồng mỗi m2. Cụ thể, giá bán dự kiến thời điểm quý 2.2011 chủ đầu tư đưa ra là 50 triệu đồng/m2 trở lên cho các căn hộ có diện tích 82-148 m2; thì nay lại có sản phẩm được rao bán chỉ với giá 34 triệu đồng/m2.
Giá bán chung cư cao cấp Keangnam hiện giảm từ 300 - 600 USD/m2, thậm chí có căn rao bán giảm tới 900USD/m2 so với giá gốc trước đây. Ảnh: Nguyễn Lê |
Không chỉ phân khúc căn hộ cao cấp, ngay cả phân khúc căn hộ bình dân cũng đã có dự án đang chào bán giảm tới 30% như dự án chung cư An Bình Tower ở Cổ Nhuế (Từ Liêm). Hiện căn hộ tại dự án này đang được nhiều sàn giao dịch BĐS chào bán ở mức giá 15,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT), trong khi các suất mua căn hộ dự án này chuyển nhượng trên thị trường tự do thời điểm tháng 10.2011 khoảng 20 - 21 triệu đồng/m2...
Tìm hiểu về nguyên nhân của việc giảm giá này được biết, do khó khăn về nguồn vốn, áp lực trả nợ vay đã khiến nhiều chủ đầu tư và các nhà đầu tư thứ cấp phải chấp nhận giảm giá để tạo thanh khoản nhằm mục đích bán được hàng để thu tiền về.
Không lo “vỡ trận” thị trường
Trước việc giảm giá này, khá nhiều người lo lắng thị trường Hà Nội sẽ xảy ra tình trạng “vỡ trận”. Song, theo GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, động thái giảm giá đó chỉ là chỉ chiêu thức giải quyết vốn bởi chuyện giảm giá nhà ở, không phải là xu hướng chung của toàn thị trường nên không lo "vỡ trận". Trên thực tế, có tình trạng thiếu vốn đầu tư, ít giao dịch nhưng không thể kết luận là có tình trạng xuống giá đồng loạt.
Theo phân tích của ông Võ, đồ thị giá BĐS trong suốt 10 tháng đầu năm 2011 vẫn đi lên. Cụ thể, tháng 1- 2.2011 giá nhà tăng trung bình 1%,từ tháng 3 đến tháng 5 tăng 3-4%/tháng. Từ tháng 6 đến tháng 9 tăng 0,5%/tháng. Như vậy, việc các nhà đầu tư giảm giá là chưa hề xảy ra vì vẫn có thể giữ được giá. Tuy nhiên, đầu tháng 10 tới tháng 11, mới có nhiều dự án nhà ở tuyên bố giảm giá tới 30%, việc chuyển nhượng dự án và sáp nhập doanh nghiệp cũng phổ biến hơn.
Mặt khác, bà Nguyễn Anh Thư, Phó Giám đốc Bộ phận kinh doanh BĐS, Cty Savills Việt Nam cho hay, trước đây khi tham gia vào thị trường BĐS nhiều nhà đầu tư cho rằng cứ mua thì có lời, mua rồi lại bán. Có lúc thị trường tốt chỉ cần đầu tư 1-3 tháng có thể thu lời tới 300%. Nhưng khi thị trường khó khăn, gánh áp lực trả nợ vay nên nhiều người chấp nhận bán tháo để trả lãi cho ngân hàng. Đối với thị trường Hà Nội, mọi người có tâm lý mua theo phong trào và bán theo tâm lý khi thị trường có dấu hiệu đi xuống, vì thế mới có tình trạng thi nhau bán ra với hi vọng là mình chạy trước người khác.
Tuy nhiên, lời chia sẻ từ ông Trần Như Trung, Giám đốc Bộ Phận Nghiên cứu &Tư vấn, Cty Savills Việt Nam thì cho rằng, chúng ta không nên trông chờ vào việc giá nhà sẽ tiếp tục giảm sâu bởi mọi thứ đều có giới hạn.
Nguyễn Lê