Tín dụng bất động sản sẽ “dễ thở” hơn
Chiều 14-2, tại cuộc họp triển khai chỉ thị 01 về điều hành tín dụng năm 2012, ông Nguyễn Đồng Tiến, phó thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước, cho biết mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 là chú trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, môi trường kinh doanh lành mạnh. Do vậy, các chính sách vừa rồi và sắp tới của NH Nhà nước là xoay quanh chủ trương này.
Tư vấn cho vay vốn tại Ngân hàng Hàng hải - Ảnh: Thanh Đạm |
“Những giải pháp này tập trung vào thực hiện chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô theo định hướng của Chính phủ. Theo đó, vốn sẽ được tập trung vào những lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa và không ưu tiên trong lĩnh vực như kinh doanh chứng khoán, bất động sản... Tuy nhiên, NH Nhà nước cũng có những điều chỉnh thích hợp, ví dụ như trong lĩnh vực bất động sản có những đối tượng đóng góp tích cực vào việc giải quyết việc làm thì sẽ được tiếp cận vốn. Song nguồn vốn sẽ không dàn trải” - ông Tiến nhấn mạnh.
Về việc phân bốn nhóm tổ chức tín dụng (TCTD) theo các chỉ tiêu tăng trưởng, ông Tiến cho rằng do TCTD có sự khác nhau về năng lực kiểm soát, năng lực tài chính, quy mô vốn, năng lực điều hành, quản trị rủi ro, chất lượng tài sản nợ, năng lực của người đứng đầu... Tuy nhiên sau sáu tháng, NH Nhà nước sẽ có đánh giá lại. Trên cơ sở đó sẽ có sự điều chỉnh có thể NH A từ nhóm 1 sẽ phải sang nhóm khác hoặc thay đổi mức tăng trưởng tín dụng cho phù hợp. Dự kiến, tổng mức tăng trưởng tín dụng của năm 2012 sẽ ở mức 15-17% như chỉ tiêu đã được Chính phủ phê duyệt.
Ông Tiến cũng cho biết hiện có khoảng 10 NH thương mại đang lâm vào tình trạng thiếu thanh toán. Những TCTD này phải cơ cấu lại các khoản nợ, tập trung thu hồi khoản nợ cũ và vẫn tiếp tục cho vay mới, với tiêu chí tổng dư nợ tín dụng không tăng nhưng hoạt động NH vẫn thực hiện bình thường. Tuy nhiên danh sách TCTD thuộc nhóm nào thì không được NH Nhà nước tiết lộ.
LÊ THANH
Bà Dương Thu Hương (nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước): Giảm lãi suất cho vay phải từ từ Chính phủ cho phép tăng trưởng tín dụng 15-17% mà nhóm được tăng trưởng cao nhất là 17%, mức cao nhất để phục vụ nền kinh tế. Đây là quy định phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế - xã hội năm nay. Tuy nhiên, để ngăn lạm phát và hạn chế rủi ro thì vốn phải được rót cho những dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Chứ nếu dự án không hiệu quả mà đòi phải cho vay thì không ổn. Đây không phải là tiền của các NH mà là tiền huy động của dân. Về mức lãi suất cho vay, các TCTD dù có muốn giảm cũng phải cân nhắc, vì còn phụ thuộc lãi suất đầu vào. Nếu hạ lãi suất huy động mà dân không gửi thì lấy đâu tiền để cho vay. Đây là vấn đề của thị trường, chứ không phải cứ muốn là làm được. Tuy nhiên gần đây, đã có một số TCTD lớn như BIDV, Vietinbank, Vietcombank... bước đầu giảm lãi suất cho vay và đây là một tín hiệu tích cực. |
Ông Đỗ Minh Toàn (phó tổng giám đốc ACB): Cuộc đua lãi suất huy động sẽ hạ nhiệt Tôi cho rằng việc phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo nhóm NH mà NH Nhà nước vừa đưa ra hay hơn rất nhiều so với giải pháp hạ trần lãi suất huy động. Vì khi NH Nhà nước phân nhóm các NH đồng thời giới hạn chỉ tiêu cho từng nhóm thì các NH thuộc nhóm 4 sẽ không dám đẩy mạnh huy động vì không có đầu ra. Các NH thuộc nhóm 3 chỉ tăng tín dụng 8% nên cũng không vội huy động nhiều. Khi đó chỉ có những NH thuộc nhóm 2 và nhóm 1 đẩy mạnh huy động. Trong nhóm này phần lớn là những NH lành mạnh, có thương hiệu. Từ đó cuộc chạy đua lãi suất huy động trên thị trường dân sẽ hạ nhiệt, kéo theo hạ lãi suất trên thị trường liên NH. Mặt khác, do năm nay các NH bị giới hạn chỉ tiêu tăng tín dụng nên về nguyên tắc, tăng dư nợ cho vay lên sát mức NH Nhà nước cho phép ngay trong tháng 3, tháng 4 và giữ đều đến cuối năm sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với tăng dư nợ từ từ đến cuối năm. Do vậy để đẩy vốn ra, các NH trong nội bộ từng nhóm sẽ cạnh tranh lẫn nhau, từ đó thúc đẩy nhanh quá trình giảm lãi suất, đồng thời dần triệt tiêu tình trạng khuyến mãi, chi ngoài trong huy động vốn. Tổng giám đốc một NH cổ phần nhỏ: Hạn chế tăng vốn điều lệ Đến nay NH chúng tôi chưa biết được xếp vào nhóm nào. Tuy nhiên nếu ở nhóm 3, tức hạn mức tăng trưởng tín dụng 8% thì NH sẽ phải tính lại kế hoạch. Năm 2012 NH có kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỉ đồng, nhưng nếu hạn mức tăng trưởng tín dụng quá thấp thì tăng vốn sẽ không hiệu quả, chia cổ tức sẽ bị ảnh hưởng. Thông thường 90% thu nhập của các NH nhỏ dựa vào tín dụng, trong khi năm nay tín dụng bị hạn chế, những kênh khác mà NH có thể rót vốn đầu tư như mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cho vay... cũng bị giới hạn. NH Nhà nước kiểm soát chặt chẽ bằng cách yêu cầu các NH xây dựng và thực hiện tốc độ tăng trưởng tín dụng từng quý và giao kế hoạch cho các chi nhánh, đồng thời gửi NH Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố để giám sát. Do vậy khả năng lách bằng cách cứ cho vay “xả láng”, miễn sao cuối năm thu hồi được nợ về đúng mức quy định của NH Nhà nước sẽ không xảy ra. Về lâu dài, giải pháp này thúc đẩy nhanh quá trình hợp nhất các NH, làm tăng quy mô của các TCTD. ÁNH HỒNG ghi |