Nên chăng “chẻ” nhỏ căn hộ?
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Đất Lành, Phó chủ tịch HoREA - phân tích thị trường bất động sản ế ẩm như hiện nay do chưa đưa ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Phần lớn căn hộ tồn đọng đều có diện tích lớn hơn 60m2 với giá bán rất cao. Còn những căn hộ có diện tích dưới 60m2 lại bán rất chạy do nhu cầu mua rất cao. Tại Đất Lành, những căn hộ diện tích 40-50m2 đưa ra thị trường chừng nào hết chừng đó. "Với nhu cầu như hiện nay, đưa ra thị trường 100.000 căn hộ diện tích nhỏ cũng bán hết. Thành ra một nguyên nhân khiến bất động sản trầm lắng chính là xây dựng quá nhiều căn hộ vượt mức thu nhập của khách hàng”, ông Đực phân tích.
Ông Lê Tiến Vũ, Tổng giám đốc Công ty Đất Quý (Garden Land), cho rằng chủ trương mua lại căn hộ nhỏ tồn đọng nếu xảy ra chỉ như “muối bỏ biển” vì số lượng căn hộ có diện tích nhỏ chiếm tỷ trọng quá nhỏ trong tổng số căn hộ dư thừa trên thị trường.
Ý tưởng chẻ nhỏ
Nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu thành phố “ôm” hết căn hộ diện tích 80 -100m2 sẽ không mang lại hiệu quả, trái lại chỉ gánh thay “cục nợ” cho doanh nghiệp. Bởi phần lớn người tái định cư có cuộc sống khó khăn, không đủ tiền để mua những căn hộ này. Theo ông Đực, ngoài việc khuyến khích doanh nghiệp xây căn hộ có diện tích 30 - 40m2, với những dự án căn hộ có diện tích 80 -100m2 nên cho phép “chẻ làm đôi” căn hộ để đáp ứng nhu cầu người mua. Bởi thị trường hiện chỉ dư thừa những căn hộ có diện tích 70 -100m2.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay có thể cơ cấu, điều chỉnh những căn hộ có diện tích lớn cho phù hợp nhu cầu. Dư thừa căn hộ diện tích quá lớn đang tạo ra lãng phí cho doanh nghiệp, xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều này phải căn cứ vào quy hoạch, thiết kế xây dựng chứ không phải thích “chẻ gì thì chẻ”.
Ông Lê Tiến Vũ lại tỏ ra khá thận trọng với ý tưởng “chẻ làm đôi” căn hộ có diện tích lớn. Theo ông này, một căn hộ có thể coi là “sống được” phải có diện tích từ 45m2 trở lên, chứ nhỏ hơn sinh hoạt rất bất tiện. Ngoài ra, một căn nhà cấp 4 riêng lẻ muốn sửa chữa thế nào cũng được. Nhưng với chung cư, muốn sửa chữa dù chỉ một phòng sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ cấu trúc, chất lượng tòa nhà. Chưa kể việc điều chỉnh còn liên quan đến giấy phép xây dựng, công năng sử dụng, diện tích sử dụng, kết cấu hạ tầng...
KTS Nguyễn Trường Lưu: Ở được nhưngchất lượng cuộc sống sẽ bị giảm Có thể chia làm hai nếu căn hộ có diện tích 80 -100m2 nhưng điều này chỉ chấp nhận về diện tích. Ngoài ra còn phải tính tới nhiều yếu tố như chung cư khu vực đó có nguy cơ thiếu lớp học, y tế, diện tích cây xanh... hay không? Liệu chất lượng cuộc sống, hệ thống phúc lợi dành cho người dân có bị giảm, chưa kể kỹ thuật hạ tầng, kỹ thuật như điện, nước, hệ thống thoát nước... liệu có đảm bảo? Doanh nghiệp cũng nên tính tới những yếu tố này chứ không thể cứ “chẻ một phát là được”. Ông Ngô Quang Thiện (Phó tổng giám đốc Công ty TNHH bất động sản Danh Khôi): Vướng quy định mật độ diện tích Hiện nay, khi xây dựng chung cư, nhà đầu tư phải tuân thủ và bảo đảm với cơ quan chức năng về mật độ diện tích của chung cư. Ví dụ như quận 7 quy định mật độ 24 m2/người. Quy định như vậy nên những căn hộ có diện tích lớn nếu không bán được thì để đó chứ không thể chia làm hai được. Vấn đề chia nhỏ một căn hộ có diện tích lớn là rất hay, nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản đang khó khăn. Qua đó cũng nhằm giúp người dân ít tiền vẫn có thể mua được nhà. Tuy nhiên, muốn làm cũng cần phải tính tới hệ lụy quá tải về hạ tầng như chỗ đậu xe, dân tập trung quá đông từ đó ảnh hưởng tới tiện ích công cộng... |
Theo Trung Hiếu