Vốn cho thị trường BĐS: Không nên chỉ trông vào ngân hàng
Đây là khẳng định của Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) với PV Lao Động bên lề Hội nghị do Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức ngày 18.3 tại Cát Bà (TP.Hải Phòng).
Theo phản ánh của nhiều DN, mặc dù một số NH đã đồng loạt hạ lãi suất huy động xuống mức trần 13%, song tác động của việc giảm lãi suất gần như không đáng kể và thực tế các NH vẫn rất dè dặt khi mở hầu bao cho vay lĩnh vực này.
Chưa thấy tín hiệu nào từ NH
Theo ông Đào Quang Tuấn – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Đà Nẵng, diễn biến cùng chiều, “ngồi chung một xuồng” với thị trường BĐS Hà Nội và TPHCM nên thị trường BĐS Đà Nẵng cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhiều DN cũng đang đứng trước nguy cơ buộc phải dừng, dãn tiến độ vì thiếu vốn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc giảm lãi suất và khả năng tiếp cận vốn của các DN BĐS vẫn chỉ là mong mỏi, chờ tín hiệu từ NH. “Thị trường chưa thấy tác động gì từ việc giảm lãi suất. Kể cả từ lúc giảm lãi suất huy động xuống 14% và tiếp tục là 13% nhưng việc cho DN vay thì chưa có chuyển biến. Có lẽ phải chờ thêm một thời gian” - ông Tuấn nói.
Đồng tình với quan điểm của ông Đào Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Vinaland - ông Trần Minh Hoàng – cũng cho rằng, mặc dù Nhà nước nói giảm lãi suất cho vay nhưng trên thực tế lại chưa giảm và rất khó vay, đó là chưa nói đến mức chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra hiện nay lên đến 6,7% cũng rất cao.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Hoàng, là do rủi ro về thanh khoản BĐS và tỉ lệ nợ xấu BĐS tại các NHTM còn đang quá lớn. Vì vậy, các NH dù đã được Nhà nước nới lỏng chính sách cho vay nhưng vẫn hết sức dè dặt với ngành hàng nhạy cảm này. “Rủi ro ấy là gì? Là khi thị trường BĐS đóng băng, tài sản thế chấp bị sụt giảm giá, không có khả năng thanh khoản, dẫn đến nợ xấu. Do đó, nếu chúng ta giải quyết được bài toán thanh khoản của thị trường BĐS, có mua, có bán thì lãi suất sẽ giảm xuống và DN có cơ hội được vay vốn. Lúc ấy, ngay cả những nhà đầu tư cá nhân nếu nhận thấy rủi ro thấp cũng sẽ quyết định đổ tiền vào chứ bây giờ họ cũng rất thận trọng” – ông Hoàng nói.
Các DN BĐS vẫn kêu ca chưa tiếp cận được vốn ngân hàng. |
DN nên chủ động nguồn vốn!
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Vũ Xuân Thiện đã nhận định như vậy khi nghe quá nhiều DN kêu ca về nguồn vốn cũng như những khó khăn từ vay vốn ngân hàng.
Theo ông Thiện, nếu vốn chỉ phụ thuộc vào một nguồn thì bao giờ cũng không ổn, bởi vì khi nguồn vốn đó khó khăn dẫn tới bị đóng băng thì sẽ suy thoái. “Tại sao không huy động vốn từ dân, vốn từ chính bản thân DN. Nếu muốn dân không mất niềm tin vào thị trường BĐS thì phải khơi dậy niềm tin của người dân. Chính các DN - những người làm ra sản phẩm, phải xây dựng lòng tin đó” - ông Thiện nói.
Ông Thiện cho rằng, tư duy của DN về nguồn vốn hiện nay chưa chuẩn. Tư duy chỉ thiên về vốn tín dụng của ngân hàng để kinh doanh trong lĩnh vực BĐS là không đầy đủ vì ngoài nguồn vốn ngân hàng, người ta còn quan tâm đến nguồn vốn khác. “Việc đầu tiên là DN phải tự vận động, tự phát huy nội lực, tự đi bằng chính đôi chân của mình, phát huy nguồn tài chính của mình và nguồn tài chính mình huy động được. Ông đi kinh doanh BĐS mà tay không bắt giặc là không được” - ông Thiện khẳng định.
Cũng theo ông Thiện, nguồn vốn thứ hai là nguồn vốn từ trong dân, và đây là một nguồn vốn rất tiềm tàng mà các DN chưa huy động được. Lý do có thể là do người dân chưa có lòng tin hoặc thiếu lòng tin vào thị trường BĐS, vì vậy cần phải khơi dậy lòng tin bằng các giải pháp. “Theo tôi, có nhiều giải pháp, trong đó muốn lấy được lòng tin của NĐT, muốn NĐT quay lại thị trường thì DN cần phải đảm bảo tiến độ xây dựng, đảm bảo chất lượng của dự án; thông tin dự án phải minh bạch, rõ ràng. Không thể cùng một dự án người này nói thế nào, người kia lại nói thế khác...” - ông Thiện nói.
Bên cạnh đó là tận dụng các nguồn lực khác, như quan tâm xây dựng các quỹ, ví dụ như quỹ tiết kiệm nhà ở, NH Xây dựng, quỹ tín thác nhà ở. Để xây dựng các quỹ đó thì kêu gọi được nguồn vốn của cộng đồng các DN góp vốn, có thể là DN BĐS và không phải là BĐS... Lãi suất của các quỹ đó ở mức phù hợp hơn, trực tiếp hơn cho thị trường BĐS. “Nếu các DN thay đổi được tư duy, làm được như vậy, tôi tin chắc sẽ có nguồn vốn đầu tư vào thị trường, BĐS sẽ khởi sắc trở lại” - ông Thiện khẳng định.
Bộ Xây dựng vẫn bảo lưu ý kiến thành lập Ngân hàng Xây dựng Phát biểu với báo giới ngày 18.3, ông Vũ Xuân Thiện - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, tuy đây là vấn đề còn phải bàn nhưng việc thành lập NH Xây dựng hay NH BĐS là cần thiết. NH này sẽ dành cơ bản cho việc đầu tư xây dựng các công trình xây dựng và các dự án BĐS; huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và các nguồn vốn khác của xã hội. Các NHTM hiện nay hoạt động đa chiều, cũng có thể NH cho vay BĐS, cho vay phát triển công nghiệp, nông nghiệp và các ngành nghề khác, các mảng đầu tư khác, nhưng các NH ấy chắc chắc chưa chuyên sâu vào lĩnh vực xây dựng. Còn với NH Xây dựng thì đương nhiên phải chuyên sâu. Làm thế nào để có vốn, làm thế nào để cho vay vốn phù hợp và làm thế nào để nguồn vốn đó có hiệu quả cho cả người vay và người cho vay. Việc đó hoàn toàn khác với việc các NHTM đang làm hiện nay. P.H ghi |
Song Minh