M&A bất động sản: Các đại gia nội thắng thế
Thị trường BĐS Việt Nam đang chứng kiến thời điểm mua bán, chuyển nhượng (M&A) dự án BĐS sôi động nhất từ trước tới nay. Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này trước hàng loạt các thương vụ mua bán lớn được thực hiện thành công gần đây.
Nóng giãy
Theo đánh giá của Sohovietnam, chưa bao giờ nhu cầu chuyển nhượng dự án BĐS lại nhiều như hiện nay. Các chủ đầu tư đang thông qua Sohovietnam để chào bán 80 dự án BĐS, với loại hình rất đa dạng như dự án căn hộ, đất xây tổ hợp, đất xây văn phòng, KĐT rộng 5-10ha, khu nghỉ dưỡng cao cấp đang hoạt động. Điển hình trong số này là một dự án TTTM, văn phòng cho thuê tại quận 7, TPHCM đang trong quá trình hoàn thiện được chào bán với giá 725 tỉ đồng hoặc khu đất rộng 3.500m2 gần đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, Hà Nội dành để xây khu phức hợp được chào bán với giá hơn 80 tỉ đồng. Ngoài ra, Sohovietnam cũng đang chào bán những mảnh đất hoặc tòa nhà rất đẹp tại các con phố chính của Hà Nội như dọc đường Phạm Hùng, đường Lê Văn Lương, đường Trần Duy Hưng và mặt phố Lò Đúc, Trường Chinh...
Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Sohovietnam, có muôn vàn lý do khiến số lượng các dự án BĐS chào bán ngày càng tăng, trong đó nguyên nhân chính là do chịu tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất NH đứng ở mức cao, đầu ra cho sản phẩm không có do thị trường BĐS trầm lắng nên rất nhiều DN BĐS lâm vào tình trạng khó khăn và buộc phải tính đến phương án bán dự án.
Tổng hợp phân tích của Sohovietnam cho thấy, trong số những DN đang chào bán dự án, có DN đã vay tiền của NH, huy động vốn của khách hàng để mua đất làm dự án, rồi ứng vốn của nhà thầu hoặc bằng phát hành trái phiếu chuyển đổi để xây dựng, nhưng do đầu ra cho sản phẩm không có nên không có doanh thu trả lãi NH và nhà thầu nên buộc phải bán dự án.
Cũng có nhiều DN trong giai đoạn trước đây đã kiếm tiền rất nhiều và rất dễ từ BĐS nên tham vọng mở rộng đầu tư trong lĩnh vực này bằng cách lấy tiền lãi của dự án đã bán để đầu tư tiếp vào các dự án khác, nhưng trong bối cảnh hiện nay không có tiền để đầu tư nhiều dự án cùng một lúc nên buộc phải tìm cách bán bớt một số dự án.
Ngoài ra, cũng theo Sohovietnam, có nhiều DN không có kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS nhưng lại nhảy vào thị trường này lúc sốt bằng cách lấy tiền lãi từ ngành nghề kinh doanh chính để mua dự án, nhưng bây giờ không triển khai được và buộc phải bán dự án để quay lại ngành nghề kinh doanh chính hoặc cứu DN khi mà ngành nghề kinh doanh chính cũng khó khăn. Thậm chí, có dự án BĐS trước đây bán tốt, chủ đầu tư đã thu được tiền của khách hàng, nhưng lại dùng tiền thu được đem đi đầu tư dự án khác, nhưng bây giờ, lượng hàng còn lại không bán được nên không có tiền xây tiếp nên cũng phải tính đến phương án bán dự án, nếu không dự án sẽ đình trệ và khách hàng mua rồi sẽ khiếu kiện.
“Rất nhiều DN BĐS đã lường trước được khó khăn, nhưng họ không ngờ rằng năm 2011 lại khó khăn hơn họ dự kiến và những khó khăn này vẫn đang đè nặng lên vai doanh nghiệp nên trong quý IV/2011 và đầu năm 2012, ngày càng có nhiều dự án BĐS được chào bán” - ông Cần cho biết thêm.
Thị trường BĐS Việt Nam đang chứng kiến thời điểm mua bán, chuyển nhượng dự án BĐS sôi động nhất từ trước tới nay (ảnh minh hoạ). Ảnh: BÌNH AN |
Đại gia nội thắng thế
Điều này có thể thấy rõ qua các vụ thương bán BĐS khá đình đám gần đây. Đơn cử như vụ Cty điện tử Hà Nội (Hanel) mua lại 70% cổ phần của Daewoo trong tổ hợp khách sạn 5 sao, văn phòng, căn hộ cho thuê Daewoo trên đường Kim Mã, Hà Nội; CT Group mua lại dự án sân golf tại huyện Nhà Bè, TPHCM từ Cty GS Engineering & Construction (Hàn Quốc); Futaland và CTCP Đức Khải chuyển nhượng dự án New Pearl Residences trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM cho Cty Vạn Thịnh Phát; Indochina Capital mua lại dự án xây dựng 114 biệt thự tại quận 9, TPHCM; Cty đầu tư Du lịch Huế mua lại khách sạn Century 135 phòng tại Huế từ Cty Crowndale International Corporation (Hồng Kông) hay Cty Intresco chuyển nhượng dự án căn hộ Hải Âu cho CTCP BĐS Hiệp Phú...
Trong khi rất nhiều các DN trong nước đang gặp khó khăn về nguồn vốn, cũng có không ít các DN nội khác lại thấy đây là cơ hội để mua được dự án tốt với giá cả hợp lý. Theo ông Cần, trong bối cảnh tìm đâu ra nguồn vốn vẫn là bài toán khó đối với hầu hết các DN BĐS, thì hiện đã có những DN VN có lượng tiền mặt vài trăm tỉ đồng đang thông qua Sohovietnam để tìm kiếm những dự án phù hợp và quá trình thương thuyết mua bán một số dự án đã đi đến giai đoạn cuối. “Qua những thương vụ mua bán thành công trong thời gian gần đây cũng như qua tiếp xúc với những khách hàng có nhu cầu mua dự án, tôi cho rằng, các NĐT, DN trong nước sẽ là lực lượng mua chính trên thị trường BĐS chứ không phải các NĐT nước ngoài. Việc chuyển nhượng dự án giữa các DN cũng nhanh chóng và dễ hơn so với chuyển nhượng hoặc hợp tác với đối tác nước ngoài” - ông Cần chia sẻ.
“Thị trường đang có sự sàng lọc mạnh mẽ, chọn chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm phát triển và loại bỏ DN yếu và thiếu kinh nghiệm. Với sự tái cấu trúc mạnh mẽ như hiện nay, trong 2-3 năm tới, thị trường BĐS Việt Nam sẽ có bộ mặt mới” - ông Cần nhận định.
Song Minh