Nên hay không bỏ khung giá đất?
Một trong những vấn đề được đưa ra trong dự thảo Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 là cần bỏ khung giá đất trước thực trạng khung giá đất nhanh chóng lạc hậu so với thị trường.
Trao đổi bên lề hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Đề án trên do Bộ Tài chính tổ chức sáng 23.3, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho hay, trong Luật Đất đai có ghi vắn tắt “Nhà nước quyết định giá đất”, hiện nay Nhà nước có 3 quyết định về giá đất là khung giá đất do Chính phủ quyết định, bảng giá đất do UBND thành phố, tỉnh ban hành và giá đất cụ thể của từng lô đất là do chủ tịch quận huyện quyết định.
Theo ông Cường, khung giá đất mới chỉ áp dụng thời gian đầu thì tốt đến nay nếu áp chung cho cả nước sẽ không hợp lý vì giá đất theo cơ chế thị trường khác xa so với khung giá đất ban hành. Ông Cường đưa dẫn chứng, 1m2 đất ở Hà Nội có thể mua hàng nghìn mét vuông đất ở Cao Bằng hay Hà Giang, nên nếu đem một khung giá mà áp cho cả nước thì sẽ xảy ra tình trạng đúng chỗ này nhưng không hợp lý chỗ khác.
Do vậy, theo người đứng đầu Cục quản lý Công sản, khung giá đất cần phải loại bỏ. Chính phủ chỉ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để UBND các tỉnh ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề, giá đất ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang quá cao, nếu bỏ khung giá đất thì điều gì sẽ xảy ra? Ông Cường cho rằng, đúng là ở các thành phố lớn giá đất cao hơn so với bảng giá đất ban hành, tuy nhiên giá cao lên đến hàng tỷ thì là trường hợp hạn hữu và hiếm có và nó cũng không đại diện cho hệ thống giá đất.
“Ví như, giá đất ở Lý Thường Kiệt (Hà Nội) cũng mới chỉ gần 1 tỷ đồng/m2, nhưng đấy là giá đất được bồi thường trong điều kiện chỉ còn duy nhất một hộ, toàn bộ đã xong hết và đây chỉ là trường hợp cá biệt, vì vậy chúng ta không tính đến những trường hợp cá biệt như vậy. Đối với Hà Nội, nếu bỏ khung giá đất thì giá đất thành phố này sẽ được tính cao hơn, và khi người cho thuê đất hay giao đất họ không phải tính theo khung nữa mà sẽ áp mức giá cao hơn nhiều”, ông Cường cho hay.
Đồng quan điểm trên, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cũng cho rằng, việc đề xuất bỏ khung giá đất là hợp lý. Theo ông Võ, hiện nay vấn đề nguồn thu bị giảm hơn rất nhiều so với cái có thể thu được theo đúng quy định pháp luật. Trọng tâm của nó chính là vấn đề định giá đất, giá đất tính theo bảng giá của UBND cấp tỉnh so với giá thị trường thực tế thì thấp hơn rất nhiều.
“Ở trung tâm các đô thị lớn có khi chỉ bằng 10%, ở những nơi khác mức độ cao có thể được 50-60%, như vậy bảng giá đất theo đúng quy định thì phải phù hợp với giá thị trường, cho phép chênh với thị trường 20%. Chúng ta thấy, từ bảng giá đất thấp như vậy với bảng giá đất phải phù hợp với thị trường mà mức độ chênh chỉ 20% thì chắc chắn đấy là khoản thất thu của Nhà nước rất lớn…”, ông Võ phân tích.
Một vấn đề đáng chú ý của Đề án là bổ sung cơ chế đánh thuế đối với tài sản gắn liền với đất, bổ sung đánh thuế nặng hơn đối với đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng để khuyến khích người sử dụng đất có biện pháp sử dụng đất hiệu quả, trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì chuyển dịch cho người có nhu cầu.
Bộ Tài chính dự báo khả năng khai thác nguồn lực tài chính từ đất giai đoạn 2011-2020 gồm 2 phương án: Phương án 1, tổng số thu ngân sách nhà nước từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất) bình quân là 81.646 tỷ đồng/năm. Phương án 2, tổng số thu ngân sách nhà nước từ đất bình quân là 98.624 tỷ đồng/năm với giả định giá đất tăng 20% (không tính trượt giá) và có dự kiến phát sinh thêm khoản thu đối với thuế tài sản.
|
Nguyễn Lê