Nới tín dụng, “bất động sản sẽ ấm”
Ngay sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát đi thông điệp nới lỏng tín dụng cho vay với bất động sản, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này như “mở cờ trong bụng” và cho rằng thị trường địa ốc sẽ có hiệu ứng “nổi sóng”.
Việc mở “van” tín dụng bất động sản được cho là sẽ giúp giải phóng hàng tồn kho bất động sản, đồng thời tạo ra chu chuyển vốn cho nền kinh tế. Các dự án bất động sản sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm nguồn vốn thực hiện dự án khi lãi suất huy động giảm, tạo ra sức hấp dẫn tốt hơn cho kênh đầu tư này.
Trao đổi với VnEconomy, một số doanh nghiệp bất động sản đều tỏ ra mừng và lạc quan với chính sách tín dụng mới.
Ông Trần Xuân Lượng, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản hàng không Thăng Long, cho hay, ngay sau khi chính sách nới lỏng tín dụng được công bố, đã có một số nhà đầu tư và khách hàng quan tâm gọi điện hỏi về sản phẩm. “Chính sách nới lỏng tín dụng là tín hiệu làm cho thị trường tốt lên, mặc dù nó chỉ là “liều thuốc an thần”, chưa phải là “liều thuốc điều trị” chữa bệnh thực sự”, ông Lượng nói.
Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn đầu tư Vinaland ở Tp.HCM, đánh giá chính sách này sẽ khuyến khích các ngân hàng giãn nợ gốc cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn.
Còn ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Maxland không ngần ngại cho rằng, việc Thống đốc công bố hạ trần lãi suất huy động xuống 12% cùng với việc loại bất động sản khỏi nhóm không khuyến khích cho vay là một tín hiệu tốt, khi thị trường bất động sản trầm lắng trong suốt thời gian vừa qua là do dòng vốn bị “trói chặt” từ ngân hàng.
“Với những tác động tích cực như vậy, và sự điều chỉnh của thị trường trong thời gian qua, chắc chắn bất động sản sẽ ấm lên trong nửa cuối năm 2012 này”, ông Diễn nhân định.
Dù vậy, từ góc nhìn của một chuyên gia, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa nói quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là điều cần thiết, nhưng cần phải chọn lọc, không thể bung ra hết. “Giảm lãi suất huy động, nếu người dân không gửi tiền vào ngân hàng cũng không đầu tư vào sản xuất mà lại chạy theo những kênh đầu tư không phù hợp là điều rất nguy hiểm”, ông Kiêm nói.