BĐS Việt Nam có nhiều tiềm năng “hút” nhà đầu tư nước ngoài
Ông Arsh Chaudhry, Giám đốc điều hành Cushman&Wakefield (C&W) khu vực Đông Nam Á.
Ông có thể đưa ra một vài nhận định về thế mạnh và yếu của một số thị trường BĐS tại Đông Nam Á cũng như thị trường tại VN trong thời gian này?
Năm 2012, thị trường văn phòng tại Singapore chứng kiến nguồn cầu mạnh mẽ, tương đương khoảng 200.000 m2. Đây là nhu cầu tích tụ từ những năm 2009 và 2010. Tuy nhiên, nhu cầu trong năm 2012 sẽ chỉ còn khoảng 80.000-100.000 m2 nên giá thuê sẽ giảm thấp hơn. Trong khi đó, Jakarta là thị trường đang lên với nhu cầu lớn đến từ các ngành như dầu mỏ và khí đốt, tài chính, ngân hàng, hay ngành hàng tiêu dùng. Giá thuê tại Việt nam hiện cũng đang khá cao, năm 2007-2008 trung bình giá ở mức 80-100 USD/m2 và hiện nay là khoảng hơn 30 USD/m2 cho văn phòng hạng A. Mức giá này ngày càng phù hợp hơn với thực tế thị trường và cạnh tranh so với giá ở Malaysia và Indonesia.
Việt Nam cũng có những điểm tương tự cho sự tăng trưởng, như dân số lớn với khoảng 88 triệu dân, trong đó gần 70% trong độ tuổi 15-59. Thực tế, Việt Nam có nền sản xuất dựa trên chi phí thấp, vì vậy sẽ là sự lựa chọn thay thế so với Trung Quốc, là vị trí chiến lược tại Châu Á nơi tầng lớp trung lưu đang tăng với nhu cầu tiêu dùng lớn và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh.
Vậy, VN có thể học hỏi từ các thị trường khác để cải thiện tình hình hiện tại của thị trường VN?
Giá trị tiền Đồng Việt Nam có ổn định hay không phụ thuộc rất nhiều vào một chính sách tiền tệ và tài chính đủ mạnh. Trong khi đó, tỷ giá hối đoái tiền đồng và USD là một vấn đề, tuy nhiên tỉ giá này không nên dao động quá nhiều. Bên cạnh đó, vấn đề về lãi suất và lạm phát cũng cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Tất cả những điều này cộng với một sân chơi minh bạch sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện thị trường BĐS Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, điều này có tác động như thế nào đến hoạt động kinh doanh của C&W?
Đúng vậy, thị trường hiện đang rất khó khăn. Lãi suất cao khiến doanh số bán nhà đã chậm lại và điều này đã ảnh hưởng đến công việc kinh doanh dịch vụ nhà ở của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi có được thị phần nhất định trong lĩnh vực cho thuê văn phòng nhờ việc tư vấn linh hoạt cho cả khách thuê và chủ nhà. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhìn thấy rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực thị trường vốn, quản lý dự án và nghiên cứu, tư vấn định giá.
Chiến lược phát triển của C&W tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ thế nào trong ngắn hạn cũng như dài hạn?
Khi chúng tôi bước vào một thị trường, chúng tôi luôn tâm niệm một quá trình đầu tư và phát triển dài lâu. Khi thị trường không tăng trưởng, không có nghĩa là chúng tôi sẽ bỏ qua thị trường đó. Ngược lại, chiến lược kinh doanh cần thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi của thị trường , để khi thị trường tăng trưởng trở lại, chúng tôi đón nhận được tối đa tiềm năng cũng như cơ hội.
Xin cám ơn ông!