Doanh nghiệp đề nghị ngân hàng hạ lãi vay
Việc NHNN quyết định mở tín dụng đã mang lại điểm sáng cho thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chẳng hề mặn mà.
Theo quyết định của Ngân hàng nhà nước, kể từ ngày 11/4, các mức lãi suất chủ chốt trên thị trường mở đã giảm 1%. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn ở mức 13%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 11%/năm; Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 5%/năm xuống 4%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm.
Đáng chú ý, NHNN đã quyết định mở tín dụng cho lĩnh vực không khuyến khích cho vay, bao gồm tín dụng bất động sản và tiêu dùng.
Mặc dù các ngân hàng thương mại đã đồng loạt hạ lãi suất nhưng theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp trên thực tế các mức lãi suất cho vay và huy động vẫn ở mức rất cao. Cụ thể, lãi suất gửi tiết kiệm khoảng 16-17%, lãi cho vay mức 18-19%.
Ông Đào Đình Thi, Phó Tổng giám đốc Viglacera cho biết quyết định trên chưa có tác động nhiều đến doanh nghiệp, hiện công ty vẫn đang tiến hành gửi công văn yêu cầu ngân hàng hạ lãi suất cho vay từ 18-21% xuống còn 14-16%.
"Trước khi lãi suất huy động giảm từ 13 xuống 12%/năm thì chúng tôi vẫn phải vay với mức lãi suất từ 18-21%/năm. Một mức lãi suất quá cao. Tuy nhiên ngay khi biết thông tin hạ lãi suất, chúng tôi đã yêu cầu các ngân hàng thương mại cho chúng tôi vay vốn hạ xuống chứ không thể cao như trước nữa. Nhưng đến giờ phía bên ngân hàng vẫn đang xem xét" ông Thi nói.
Cũng theo ông Thi và nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, ngay cả khi một số ngân hàng công bố song song với hạ lãi suất huy động là hạ lãi suất cho vay đối với bất động sản như Ngân hàng BIDV là 16,0%/năm; ABBANK 18,5%/năm là quá cao. Thậm chí cho vay hỗ trợ vốn mua nhà đối với người có thu nhập thấp dù đã được Eximbank hạ cũng còn ở mức 16,5%/năm.
Còn theo ông Nguyễn Chí Thanh, TGĐ Công ty liên doanh cao ốc Quốc tế Tây Hồ, các mức vay ra phải dưới mức 15%/năm thì may ra các doanh nghiệp còn cố gắng tham gia vào thị trường. Nếu cao hơn mức đó thì thật ra là người ta chỉ vay để cố gắng duy trì hoặc nếu như doanh nghiệp chỉ đi làm để phục vụ cho mỗi việc trả lãi ngân hàng thì chắc là các doanh nghiệp sẽ rút khỏi thị trường.
Đó là chưa kể đến việc tiếp cận được hay không với nguồn vốn ngân hàng lại là một vấn đề cần bàn. Đến nay, rất nhiều các doanh nghiệp bất động sản cần vay vốn đều đã quá yếu, tài sản đã thế chấp hết ngân hàng, vì vậy không thể có tài sản tạo khoản vay mới.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, mặc dù lãi suất đã hạ nhưng so với nhu cầu của doanh nghiệp vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, nếu thực hiện thành công mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Chính phủ đặt ra, lạm phát được kiềm chế, sẽ là điều kiện rất thuận lợi để hạ lãi suất huy động về mức 10%/năm, khi đó, lãi suất cho vay có thể về ngưỡng 14,5% - 16%/năm. Điều này đồng nghĩa với việc để có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ, doanh nghiệp vẫn phải chờ …
Khánh An