Nhiều chính sách “kích” nhà đất
Kể từ đầu tháng 6-2012 sẽ có hàng loạt chính sách được ban hành nhằm kích thích thị trường nhà đất bật dậy
“Tôi thích cách nói ví von của ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, về cách xử lý các khoản nợ xấu để giải quyết tình trạng giảm phát cho nền kinh tế nói chung và những khó khăn của thị trường bất động sản nói riêng...” - TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nói.
Theo đó, nợ xấu của doanh nghiệp hiện như một chiếc xe đi đầu nhưng bị chết máy, do vậy cách tốt nhất là phải dịch chuyển ra khỏi con đường để những xe khác có thể tiến lên, nếu không thì dù các xe sau có muốn chạy vượt lên cũng không thể.
Mạnh tay xử lý nợ xấu
Ông Lê Xuân Nghĩa cho biết có thể trong vài ngày tới sẽ có nhiều chính sách nhằm bóc tách những khoản nợ xấu ra khỏi các doanh nghiệp, thông qua việc khoanh nợ, giảm nợ, mua bán nợ, xử lý phá sản... “Nếu chuyển hơn 100.000 tỉ đồng nợ xấu hiện nay qua một bên sẽ giúp cho các ngân hàng mạnh dạn cho vay, như vậy sẽ tạo động lực giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do thiếu vốn như hiện nay” - ông Nghĩa khẳng định.
Để góp phần giúp doanh nghiệp vượt khó, ngày 23-5, Bộ Tài chính đã có thông tư hướng dẫn việc miễn, giảm, gia hạn một số khoản thu ngân sách Nhà nước. Cụ thể là giảm 50% tiền thuế đất phải nộp của năm 2012 đối với các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm.
Ngoài ra, các chủ dự án còn được gia hạn nộp tiền sử dụng đất. Theo đó, các chủ dự án đã có thông báo nộp thuế nhưng đến ngày 10-5-2012 chưa nộp hoặc chưa nộp đủ tiền thì được gia hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày trên, nhưng khi nộp sẽ phải chịu phạt khoản tiền chậm nộp.
Các chủ dự án có nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất phát sinh từ ngày 11-5 đến 31-12-2012 thì được gia hạn nộp tối đa 12 tháng và không tính khoản tiền phạt chậm nộp... Một doanh nghiệp đang thực hiện dự án căn hộ ở quận 7 - TPHCM cho biết với khoản tiền chậm nộp gần 250 tỉ đồng cho 12 tháng, doanh nghiệp có thể tiết kiệm hơn 60 tỉ đồng.
Giải ngân vốn ứ đọng
Nếu trong 5 tháng đầu năm 2012, nhiều ngân hàng đang trong tình trạng tăng trưởng tín dụng âm thì trong 7 tháng còn lại, để đạt mức tăng trưởng như kế hoạch (từ 14% đến 15%), các doanh nghiệp phải giải ngân hơn 300.000 tỉ đồng. Như vậy, nhu cầu bơm vốn ra thị trường là có thật nhưng thực tế nhiều ngân hàng vẫn tỏ ra dè dặt và dẫn đến tình trạng ứ đọng nguồn vốn.
Điều này phản ánh qua hiện tượng lãi suất liên ngân hàng những ngày qua luôn thấp ở mức kỷ lục. Nếu trước đây, lãi suất liên ngân hàng có thời điểm vượt ngưỡng 40%/năm thì nay có thời điểm kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần phổ biến ở mức 1,5%/năm, từ 2 - 3 tuần chỉ còn 2% - 3%/năm trong khi 1 tháng là 4%/năm...
Theo những thông tin mới nhất về lĩnh vực tín dụng, dự báo cuối tháng 6-2012, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động vốn xuống còn 10%/năm và tiến tới sẽ giảm về mốc 9%/năm, trong khi đối với trần lãi suất tiền vay có thể được ấn định ở mức 12% - 13%/năm. Điểm khác biệt ở đây là lãi suất tiền gửi chỉ áp dụng với kỳ hạn ngắn (dưới 1 năm), còn trung và dài hạn cho phép ngân hàng thương mại tự thỏa thuận với khách hàng.
Kế đến, yêu cầu tổ chức tín dụng điều chỉnh lãi suất cho vay đối với những hợp đồng cũ để giảm tải chi phí cho khách hàng. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước có thể trình Chính phủ thành lập quỹ hỗ trợ cho vay đối với những đối tượng thu nhập trung bình để họ mua nhà ở. Điều này một mặt nhằm giải tỏa một lượng lớn tài sản là bất động sản đang ứ đọng, một mặt góp phần ổn định an sinh xã hội...