Bộ trưởng Bộ Xây dựng đối thoại trực tuyến: Nóng vấn đề quy hoạch, nhà ở
Mở đầu cuộc đối thoại, nhiều độc giả đã chất vấn Bộ trưởng về tình trạng cấp đất tràn lan cho các dự án đầu tư xây dựng tại các đô thị trong cả nước không theo quy hoạch những năm gần đây, dẫn đến phát triển đô thị thiếu đồng bộ. Một ví dụ được nêu là KĐT lớn 2 vạn dân như KĐT Linh Đàm, nhưng không có quy hoạch đất dành cho trường học, y tế.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận có tình trạng này. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân trước hết là do hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ, phạm vi điều chỉnh chưa phủ kín, bỏ trống nhiều lĩnh vực, có chỗ chồng chéo, chế tài xử lý vi phạm chưa rõ. 760 đô thị trên cả nước đều có quy hoạch chung, nhưng quy hoạch chậm hơn so với yêu cầu đặt ra. Có những nơi, đô thị phát triển rồi mới xong quy hoạch, quy hoạch phải cập nhật hiện trạng đã có. Một nguyên nhân khác - theo Bộ trưởng - đó là còn nhiều quy hoạch có chất lượng thấp, đặc biệt là quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, vì vậy các đô thị phát triển có tính chất chia cắt, riêng rẽ... “Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về những cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng nói chung, trong đó có Bộ Xây dựng” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận.
Về vấn đề nhà ở cho người làm công ăn lương - vấn đề được nhiều độc giả đặt câu hỏi, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, chiến lược nhà ở quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ cuối 2011 đã đề ra hướng tương lai rất tốt về nhà ở cho người thu nhập thấp. Lần này, Nhà nước quyết liệt vào cuộc để giải quyết vấn đề nhà ở cho 8 đối tượng, gồm người có công, người nghèo ở khu vực nông thôn, đô thị; cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, trí thức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong lực lượng vũ trang có khó khăn về nhà ở, nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho công nhân...
“Nhưng tôi cũng nói thêm rằng, nhà ở là sản phẩm BĐS, xây dựng mất nhiều thời gian, chưa nói tới các chương trình, kế hoạch mà nó cần có lộ trình dài hạn 10 năm và 20 năm. Hiện, Nhà nước đã giao cho Bộ Xây dựng cùng các địa phương phải pháp lệnh hóa việc phát triển nhà ở xã hội, tức là phải đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội trở thành một chỉ tiêu KTXH và nhiệm vụ chính trị trong nhiệm vụ phát triển KTXH của mỗi địa phương. Các địa phương hiện nay cũng đã vào cuộc quyết liệt, như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và các tỉnh đang có tốc độ phát triển cao như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc...” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.
Theo Bộ trưởng, Bộ Xây dựng cũng đang cụ thể hóa chiến lược nhà ở bằng những chính sách, nghị định cụ thể để phát triển nhà ở xã hội, đồng thời huy động được nhiều nguồn vốn (từ Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân) tham gia phát triển nhà ở xã hội. “Thông qua các hình thức đó, với sự tham gia của Nhà nước, DN và người dân thì chắc chắn chúng ta sẽ có đủ số lượng nhà ở xã hội và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân đang khó khăn về nhà ở” - Bộ trưởng khẳng định.
Thị trường bất động sản đang ở đáy Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, hiện nay đang là đáy của BĐS. Tuy nhiên, giờ đã có tín hiệu sáng hơn, vì số lượng các giao dịch BĐS đã tăng. Tuy nhiên, trong năm 2012 này, thị trường BĐS vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu mua nhà để kinh doanh thì cần nghiên cứu kỹ hơn. Trong lúc này, các DN BĐS cần bình tĩnh, nhìn toàn diện, tổng thể thị trường, phân tích các nguyên nhân, tồn tại của thị trường và phải can đảm, phải vững vàng để vượt qua khó khăn, chứ không ngã lòng, chán nản và phải khôn ngoan lựa chọn các giải pháp như cấu trúc lại DN, cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, hoặc liên doanh liên kết để trụ vững, cùng nhau vượt qua khó khăn này... P.H |