DN bất động sản đã vay được vốn lãi suất 15%
Các DN bất động sản niêm yết đã tiếp cận được lãi suất vay vốn 15%/năm, thậm chí thấp hơn, giúp DN giảm được gánh nặng chi phí tài chính. Tuy nhiên, không vì thế mà các DN lạc quan hơn với thị trường.
Lãi vay giảm
Ông Trần Mai Cường, Chủ tịch HĐQT CTCP Chương Dương (CDC) cho biết, lãi suất vay vốn của Công ty đã giảm về 15%/năm. CDC hiện vay vốn của Ngân hàng BIDV. Với mặt bằng lãi suất mới này, CDC ước tính chi phí vốn vay giảm được khoảng 20%.
Là công ty phát triển bất động sản chuyên nghiệp, nhưng thời gian qua, CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) cũng phải chịu một mức lãi suất vay vốn khá cao, áp dụng chung cho nhóm ngành bất động sản là từ 18 - 22%/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, TDH đã tiếp cận được lãi suất 15%/năm.
“Một số quỹ đầu tư còn chào chúng tôi mức lãi suất thấp hơn 15%/năm, nhưng có ngân hàng vẫn duy trì lãi suất 16%/năm, với lý do không giảm kịp. Tuy nhiên, sang kỳ hạn điều chỉnh lãi suất tiếp theo, có thể lãi suất sẽ giảm”, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT TDH cho biết.
Tin từ CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), khoản vay nào đến kỳ điều chỉnh lãi suất đã điều chỉnh lãi suất về dưới 15%/năm và ngân hàng cũng cam kết các khoản vay khác đến kỳ điều chỉnh lãi suất sẽ đưa lãi suất về dưới 15%/năm.
Đối với các DN bất động sản, lãi suất vay vốn giảm là sự hỗ trợ quan trọng. Không đơn giản là giảm được chi phí vốn vay, mà nhiều chủ đầu tư còn mạnh dạn sắp xếp nguồn vốn với chi phí hợp lý hơn để khởi động lại các dự án dang dở hoặc đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án từ một tháng/một sàn lên một tháng hoàn thành hai sàn, thậm chí một tuần/một sàn.
Thực tế, thời gian qua, vì chi phí vốn cao, trong khi tiến độ thu tiền của khách hàng bị ảnh hưởng, nên ngay cả những chủ đầu tư uy tín ở TP. HCM cũng đã phải giãn tiến độ xây dựng.
Căn hộ vẫn khó bán
Mặc dù lãi vay giảm, nhưng các DN đều không tỏ ra lạc quan hơn về thị trường. “SC5 hiện chỉ còn khoảng 500 tỷ đồng vốn vay dài hạn. Về lý thuyết, Công ty có thể bán căn hộ tồn kho để thu hồi vốn, nhưng vấn đề là không có người mua, kể cả khi giảm giá bán xuống mức lỗ”, ông Trần Quang Mỹ, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng số 5 (SC5) nói.
Chủ tịch HĐQT TDH chia sẻ, việc bán căn hộ không đẩy nhanh được, do lượng hàng tồn kho trên thị trường còn quá lớn. Lãi suất dù giảm, nhưng chưa thấp đến mức đủ để cải thiện sức mua nhà của người dân. Với các dự án chung cư đã triển khai, TDH không có kế hoạch giảm giá thêm, vì giảm giá nữa cũng không có khách mua, lại tạo tâm lý cho người còn đang thăm dò thị trường là giá sẽ còn giảm. Công ty sẽ chỉ có các chương trình khuyến mãi kích cầu như hỗ trợ lãi vay ngân hàng để người mua thu xếp được tài chính ổn thỏa.
Nhiều DN bất động sản hy vọng, lãi suất sẽ tiếp tục giảm, như phát biểu mới đây của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Lần giảm lãi suất tiếp theo có thể hỗ trợ sức mua nhà của người dân, giúp DN giải phóng được hàng tồn kho.
Tín hiệu mới
Theo CTCK TP. HCM (HSC), có khả năng trần lãi suất sẽ được cắt giảm thêm, nhưng lãi suất thông thường chỉ giảm theo lạm phát cơ bản, chứ không phải mức lạm phát công bố theo chỉ số giá tiêu dùng như hiện tại, đặc biệt là khi tốc độ tăng của lạm phát đang bị kéo giảm mạnh bởi những mặt hàng có giá cả hay biến động mạnh như lương thực - thực phẩm và gần đây là xăng dầu.
HSC ước tính, lạm phát cơ bản hiện nay ở mức 8%/năm, nên chỉ có thể cắt giảm trần lãi suất huy động nếu lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm xuống dưới 9%/năm và tỷ lệ lạm phát cơ bản cũng như lạm phát công bố cùng giảm thấp hơn nữa. HSC dự đoán, lãi suất cho vay trung bình sẽ chạm đáy ở mức 14,5 - 14,75%/năm trong vài tháng tới.
Trên thị trường gần đây ghi nhận sự hỗ trợ tích cực từ phía ngân hàng với các chủ đầu tư bằng các gói lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng mua nhà dự án. Ngân hàng Vietcombank còn tiếp thị chương trình vay vốn ưu đãi cho dự án chung cư tại Hà Nội đến khách hàng của mình. Ngân hàng Quốc tế (VIB) có chương trình ưu đãi lãi suất 3 tháng đầu tiên cho khách hàng mua nhà, với lãi suất 9,9%/năm và áp dụng dư nợ giảm dần.
Nhìn chung, chủ đầu tư và ngân hàng có sự liên kết chặt chẽ hơn trong các chương trình bán hàng và cho vay. Những chuyển biến trong mối liên hệ cộng sinh này giúp thị trường bất động sản và DN bất động sản “dễ thở” hơn.
Tác giả: Thành Nam