Người Singapore đầu tư vào bất động sản VN thế nào?
Lĩnh vực đầu tiên mà nhà đầu tư phát triển dự án bất động sản Singapore lựa chọn là hạ tầng khu công nghiệp. Đại diện nhà đầu tư bất động sản Singapore thế hệ này phải kể đến SembCorp với hình mẫu về dự án khu công nghiệp xanh.
Công trình đầu tiên của SembCorp tại Việt Nam là Dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP I) khởi công xây dựng năm 1996, tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Sau đó, 3 dự án hạ tầng khu công nghiệp tiếp tục ra đời với sự hiện diện của VSIP II tại TP. Bình Dương, VSIP III tại Bắc Ninh, VSIP IV tại Hải Phòng và sắp tới là VSIP tại Quảng Ngãi.
“Rút kinh nghiệm” từ mô hình thuần túy hạ tầng khu công nghiệp đầu tiên (VSIP I), SembCorp đã rất khéo léo khi “cấy” thêm mô hình khu công nghiệp kết hợp đô thị với các VSIP II, III và IV. Khai thác triệt để nguồn khách hàng từ các dự án khu công nghiệp, các dự án nhà ở, đô thị của SembCorp luôn được phủ kín dù thị trường bất động sản đã trải qua nhiều giai đoạn trầm lắng.
Tiếp theo thành công của SembCorp, thế hệ nhà đầu tư bất động sản thứ 2 của Singapore đến Việt Nam vào cuối những năm 1990 nhắm đến phân khúc khách sạn cao cấp với sự hiện diện của CapitaLand cùng hàng loạt dự án, như Hà Nội Tower, Sofitel Plaza Hà Nội, InterContinental Hanoi Westlake, Khách sạn Somerset ở Hà Nội và TP.HCM. Những dự án khách sạn 5 sao chuẩn quốc tế đầu tiên tại Hà Nội, như Hà Nội Tower hay Sofitel Plaza Hà Nội... được xem là nền móng cho sự phát triển của phân khúc thị trường khách sạn tại Việt Nam vào đầu những năm 2000.
Các dự án này đã gặt hái thành công với nguồn khách hàng dồi dào là các doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài tìm đến làm ăn tại Việt Nam trong giai đoạn kinh tế Việt Nam phát triển bùng nổ (2002 - 2009). Sau đó, CapitaLand còn tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thị trường khách sạn cao cấp với những chuẩn mực mới “5 sao ++” trong lĩnh vực này với các dự án, như InterContinental Hanoi Westlake hay Somerset..., đáp ứng yêu cầu của khách lưu trú ngày một cao cấp hơn.
Sau thành công ở lĩnh vực khách sạn cao cấp, CapitaLand tiếp tục dấn chân sang lĩnh vực nhà ở, khu đô thị với sự hiện diện của hàng loạt dự án chung cư - biệt thự cao cấp, như Mulberyland (Mỗ Lao, Hà Đông) hay The Vista (phường An Phú, quận II, TP.HCM).
Một nhà đầu tư bất động sản Singapore khác là Keppel Land cũng tạo dựng danh tiếng trên thị trường địa ốc với hàng loạt dự án bất động sản là nhà ở - khu đô thị tại TP.HCM, như Riviera Point (quận 7), cao ốc phức hợp Saigon Center (quận 1), Khu căn hộ cao cấp Estella (quận 2)… Keppel Land hiện có 18 dự án tại Việt Nam, với số vốn đăng ký gần 2 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực nhà ở, căn hộ cao cấp.
Tuy nhiên, trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng Việt Nam mới đây, ông Lee Boon Yang, Chủ tịch Tập đoàn Keppel Singapore cũng bày tỏ tham vọng tìm kiếm quỹ đất sạch để phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp tại Việt Nam trong 5 - 10 năm tới.
Tiếp sau các phân khúc hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở, đô thị, Tập đoàn Banyan Tree Singapore mới đây quyết định với tay sang lĩnh vực mới là bất động sản nghỉ dưỡng với Dự án Khu du lịch sinh thái Laguna tại Vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Dự án có số vốn đầu tư giai đoạn I là 200 triệu USD, khởi công từ tháng 9/2009 và dự kiến khai trương giai đoạn I vào tháng 11/2012 với tham vọng tạo nên một “Phuket” thứ 2 tại Việt Nam. Một nhà đầu tư bất động sản khác của Singapore là Tập đoàn Centurion cũng đang triển khai dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại Đà Lạt có thể hoàn thành vào năm 2016.
Bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam từ cuối những năm 1990, các nhà đầu tư bất động sản Singapore đã đầu tư tổng cộng hơn 5 tỷ USD vào lĩnh vực địa ốc tại Việt Nam, với gần 100 dự án ở nhiều phân khúc khác nhau.
Vượt qua những chu kỳ tăng trưởng - suy thoái của kinh tế thế giới và Việt Nam, tiềm lực, bề dày kinh nghiệm và những bước đi khôn ngoan cho phép các nhà đầu tư bất động sản xứ sở đảo quốc hiện diện ở hầu hết các phân khúc và gặt hái thành công từ chiến lược “phủ sóng” đến mọi ngõ ngách của thị trường địa ốc.
Theo Hà Quang