Siết quản lý tài chính các quỹ đầu tư BĐS
Đây là một trong những nội dung quan trọng được quy định tại nghị định 58/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán .
Theo quy định mới, hoạt động của các quỹ đầu tư BĐS đã bị siết lại, với những điều kiện, quy định chặt chẽ hơn như các quỹ phải đảm bảo tối thiểu 65% tài sản ròng (NAV) phải đầu tư vào BĐS, loại hình BĐS được và không được đầu tư...Thêm nữa, các quỹ đầu tư sẽ buộc phải giữ khoản mục đầu tư trong thời gian tối thiểu là 2 năm kể từ ngày mua.
Nhiều chuyên gia nhận định, quyết định này sẽ khiến việc các quỹ đầu tư vào bất động sản sẽ bị giới hạn đồng nghĩa việc nguồn vốn mới từ quỹ đầu tư BĐS vào các dự án, DN BĐS sẽ bị thu hẹp lại và những nguồn vốn đã rót vào dự án, DN BĐS cũng sẽ được các quỹ cơ cấu lại theo những quy định mới ban hành.
Hơn nữa, trong một môi trường kinh doanh có nhiều biến động, việc yêu cầu quỹ đầu tư phải nắm giữ khoản mục đầu tư tối thiểu 2 năm (kể từ ngày mua) sẽ khiến các quỹ gặp rủi ro nếu tình hình có biến. Vì thế, các quỹ sẽ phải hết sức cân nhắc trong các quyết định rót vốn.
Trên thực tế, các quỹ đầu tư BĐS cũng đã có những động thái cơ cấu danh mục đầu tư theo diễn biến tình hình thị trường và chính bản thân họ theo hướng chú ý đến chất lượng dự án, hiệu quả góp vốn. Song, nhìn ở góc độ tích cực, Nghị định 58 khiến các quỹ có trách nhiệm hơn với khoản mục đầu tư của mình.
Theo đó, họ phải xem xét nhiều yếu tố hơn để giảm thiểu rủi ro từ quyết định rót vốn vào dự án. Đồng thời, trong quá trình dự án triển khai, họ sẽ phải tư vấn, giám sát nhiều hơn nhằm đảm bảo dự án không xảy ra tình trạng xấu. Thậm chí, các quỹ đầu tư còn tham gia giới thiệu khách hàng như một cách gia tăng doanh thu cho dự án, từ đó các quỹ được chia lợi nhuận tốt hơn.
Anh Đào