Doanh nghiệp BĐS niêm yết tồn hàng hơn 3 tỷ USD
Dữ liệu: CafeF |
Trong đó có 18/72 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012. Hàng loạt vấn đề về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản cũng lộ diện.
Giá trị hàng tồn kho lên tới 3 tỷ USD
Khảo sát hơn 70 doanh nghiệp bất động sản niêm yết, giá trị hàng tồn kho cuối quý II/2012 đạt 72.405 tỷ đồng tương đương khoảng 3,1 tỷ USD. Có 18/72 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở hạng mục Người mua trả tiền trước, số dư tại thời điểm 30/6/2012 là 26.647 tỷ đồng, bằng 36,8% số dư hàng tồn kho. Đây là khoản người mua trả tiền trước theo các thỏa thuận góp vốn mua nhà và là doanh thu chưa ghi nhận của các doanh nghiệp bất động sản.
Hệ số Nợ/Tổng tài sản không tăng
Điều nhà đầu tư ngại nhất của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là việc vay, nợ tràn lan. Việc siết chặt tín dụng ở mảng bất động sản cộng với tình trạng lình xình của thị trường này từ năm 2011 đến nay khiến việc vay nợ được kiểm soát đáng kể.
Dữ liệu: CafeF |
Cụ thể, hệ số nợ/ tổng tài sản từ năm 2011 đến nay gần như không thay đổi, nằm ở ngưỡng 0,52 đến 0,54 lần.
Những doanh nghiệp có hệ số nợ/tổng tài sản cao hơn nhiều mức bình quân như STL, HU1, IDV, DLR, PSG có hệ số nợ hơn 0,8 lần. CX8, S96, NTB, DIH, CSC, HU3, UIC, NDN, NVN, UDC, PXA, PDR, CIG hơn 0,7 lần.
Nhiều doanh nghiệp hụt khả năng thanh toán nhanh
Nếu không bán được hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp sẽ đối mặt với khả năng thanh toán nhanh khi tài sản ngắn hạn khác (ngoài hàng tồn kho) chỉ trang trải được chưa đầy 25% các khoản nợ đến hạn.
SJS đứng đầu danh sách cảnh báo khả năng thanh toán nhanh khi tài sản ngắn hạn cuối quý II còn 4.571 tỷ đồng nhưng có đến 4.069 tỷ đồng ở hạng mục hàng tồn kho. Nợ đến hạn lên tới 2.725 tỷ đồng. Hạng mục người mua trả tiền trước (thường là doanh thu chưa ghi nhận) cũng chỉ 372 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác rơi vào trạng thái hụt thanh khoản như NVN, VCR, NBB, VRC, SDU. Đây là những doanh nghiệp khác có hệ số thanh toán nhanh (Tài sản ngắn hạn-Hàng tồn kho)/Nợ ngắn hạn chưa đến 0,25 lần.
Khủng hoảng doanh thu, giảm lợi nhuận
Thị trường bất động sản đóng băng đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể bán được hàng. Hệ lụy của việc đó là hàng tồn kho tăng cao như đã đề cập ở trên và doanh thu thuần giảm mạnh.
Ngoại trừ Vingroup ( mã CK: VIC) là trường hợp cá biệt khi lợi nhuận 6 tháng năm nay vượt cùng kỳ năm ngoái và con số lợi nhuận bỏ xa các DN khác trong ngành, thì hầu như các DN BĐS khác đều lâm vào tình trạng doanh thu và lợi nhuận suy giảm mạnh.
Dữ liệu: CafeF |
Tổng doanh thu thuần năm 2011 của các doanh nghiệp niêm yết đạt 35.500 tỷ đồng, giảm 19,42% so với năm 2010. Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2012 chưa bằng 1/2 cả năm 2011.
Các mảng kinh doanh phụ trợ cũng không khả quan hơn khiến lợi nhuận sau thuế năm 2011 của các doanh nghiệp bất động sản hụt mạnh 70% so với năm 2010. 6 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận đã đạt hơn 1/2 năm 2011 nhưng tăng trưởng chủ yếu nhờ một vài doanh nghiệp có lãi tăng mạnh như VIC, SAM, BCI... VIC là điểm sáng nhất trong bức tranh lợi nhuận của các DN BĐS năm nay.
Tác giả: Thanh Hiên