Giải cứu 1 triệu tỷ đồng 'kẹt' ở bất động sản
Giáo dục Việt Nam/landtoday.net
“Theo tôi thì phải có một số vốn bắc cầu để giải quyết nợ xấu của bất động sản sau đó tìm cách để bất động sản hạ giá thì mới có người mua”, ông Lê Đăng Doanh cho biết.
Chỉ còn ít ngày nữa, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc. Tuy nhiên, trước thềm kỳ họp, các vấn đề về kinh tế được nêu ra ở phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 16/10 vừa qua cũng đã thu hút sự quan tâm lớn của nhiều người dân. Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết:
“Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIII đang đến gần. Đây là kỳ họp giải quyết rất nhiều vấn đề trong đó có việc thảo luận và thông qua một số luật. Hiện, một số luật vẫn đang còn có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng tôi mong, về luật đất đai, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận và hoàn thiện để có thể đưa ra lấy ý kiến của người dân sớm…”.
Nói về những thông tin ở phiên thảo luận về báo cáo kinh tế xã hội năm 2012 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16/10, ông Lê Đăng Doanh nói: “Hiện tại, dư nợ ngân hàng khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó một nửa là “nằm” ở bất động sản. Trong đó tồn kho rất nhiều xi măng, sắt, thép…”.
Cụ thể, tại phiên thảo luận này, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cung cấp thông tin, “tính đến 1/9, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tỷ lệ tồn kho 20,4%. Một số ngành, tỷ lệ tồn kho tăng cao như nhựa 52,6%; xi măng 52%, sắt thép gang 46%, may mặc 39%, ô tô xe máy 37%... Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là tháo gỡ khó khăn để tăng mức tiêu thụ, sau nữa xử lý nợ xấu để giải nút thắt, đưa nền kinh tế lưu thông”.
Nói về sự lo lắng tồn kho do đóng băng bất động sản và công trình dở dang đắp chiếu đã được Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra, ông Doanh lý giải: “Bất động sản tồn kho như vậy là vì sức mua kém nên thị trường này mới ảm đạm như thế. Trước đây, nhà nước xếp tín dụng trong lĩnh vực bất động sản vào loại tín dụng phi sản xuất nên không cấp. Về sau, nhà nước có cấp tín dụng nhưng cũng rất khó khăn vì lãi suất lên rất cao.
Vì vậy thị trường bất động sản tê liệt và việc giải cứu thị trường bất động cũng không phải dễ dàng mà phải có một loạt các biện pháp. Theo tôi thì phải có một số vốn bắc cầu để giải quyết nợ xấu của bất động sản sau đó tìm cách để bất động sản hạ giá thì mới có người mua”.
Ngoài hai nút thắt của nền kinh tế “hàng tồn kho và nợ xấu”, vấn đề về một lượng vốn rất lớn đang được người dân tích lũy dưới dạng vàng mà không đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh cũng là vấn đề khiến các nhà quản lý phải suy nghĩ. Ông Lê Đăng Doanh cho biết: “Trong vấn đề đầu tư kinh doanh, sản xuất, các doanh nghiệp đã đầu tư thì hoặc là phải đóng cửa hoặc là không thể sản xuất và nếu có sản xuất thì cũng sản xuất với công suất rất thấp. Trong tình hình đó, người dân rất khó tìm ra phương hướng để đầu tư”.
Theo ông Doanh, một cách giải quyết vấn đề này hiện nay là khuyến khích sức cầu, tìm ra những mảng thị trường có sức mua có thể thanh toán được. Nhưng đó cũng là một sự khó khăn. Việc người dân tích trữ vàng mà không chuyển thành tiền để đầu tư sản xuất hoặc chí ít là gửi vào ngân hàng thì điều đó chứng tỏ niềm tin vào ngành ngân hàng thấp.
“Trong tình hình lãi suất còn đang cao hoặc đã giảm nhưng doanh nghiệp chưa tiếp cận được nên đang có một loạt các khó khăn. Tôi nghĩ là cần có những biện pháp để khôi phục lại lòng tin của doanh nghiệp và niềm tin của người dân”, vị chuyên gia kinh tế này nói.
Tác giả: Hồng Chính Quang