Cần có chính sách chống bán phá giá bất động sản
Việc một số doanh nghiệp bất động sản công bố chiến lược giảm giá sốc đã gây áp lực cho cạnh tranh cho các doanh nghiệp khác. Vì vậy, để có thể cạnh tranh lành mạnh, cần phải có chính sách chống bán phá giá bất động sản.
Một số dự án nhà ở thương mại công bố mức giảm giá sốc từ 8-10 triệu đồng/m2 thậm chí tại một số dự án nhà ở giá rẻ, chủ đầu tư đã mạnh tay công bố mức giá bán 10 triệu đồng/m2. Mức giá này được cho là rẻ hơn cả mức giá nhà thu nhập thấp vốn đang hưởng rất nhiều ưu đãi của Nhà nước.
Việc giảm giá này vô hình chung đã tạo ra một cuộc cạnh tranh quyết liệt cho các chủ đầu tư dự án đồng thời tạo nên áp lực cho các chủ dự án.
Ông Đoàn Châu Phong – Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Vinaconex cho biết, Vinaconex là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc xây dựng nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Hiện giờ, doanh nghiệp ông cũng đang đau đầu trước sức ép giá nhà ở thương mại rẻ hơn nhà ở thu nhập thấp.
“Gần đây, có tình trạng doanh nghiệp không đủ kiên trì đã tìm mọi cách để thoát ra cuộc chơi vì vậy đã chấp nhận bán phá giá, gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng vốn đang chờ đợi giá nhà tiếp tục giảm nữa và nhiều người còn mong đợi doanh nghiệp nào bán phá giá cuối cùng rồi mới mua. Ngay tại thị trường Việt Nam, bất động sản cũng đã bị bán phá giá thì đề nghị Bộ xây dựng cần có chính sách về chốngbán phá giá để khỏi ảnh hưởng lớn thị trường” ông Phong kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Sửu – Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, về vấn đề bán phá giá, TP sẽ tiến hành kiểm tra xem doanh nghiệp có bán dưới giá thành hay không, doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất chưa. Thành phố sẽ kiểm soát giá cả, doanh nghiệp nào bán giá không hợp lý sẽ là kiểm tra.
Anh Đào