Bất động sản vực dậy niềm tin
Lấy lại niềm tin của khách hàng vào thị trường bất động sản là một trong những điểm mấu chốt để các dự án bất động sản “thoát hiểm”.
Báo động niềm tin vào bất động sản
Chưa bao giờ niềm tin của khách hàng trong lĩnh vực bất động sản lại xuống thấp như hiện nay. Khảo sát mới đây của VnExpress cho thấy, có tới 84,2% số người được hỏi chọn phương án chưa mua nhà, chờ giá giảm hơn nữa”, trong khi chỉ có 13,5% cho rằng, nên mua nhà thời điểm này, vì giá cả đã hợp lý.
Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành Công ty CBRE cho biết, 19% số người được hỏi có tâm lý quan ngại về diễn biến xấu của nền kinh tế. Điều điều này có nghĩa là, họ dùng tiền để đầu tư các kênh khác, như vàng, chứng khoán, tiết kiệm… Việc suy giảm niềm tin vào thị trường đã kéo theo giá giảm và thanh khoản các dự án cũng đã giảm mạnh.
Niềm tin của khách hàng vào thị trường bất động sản giảm mạnh do nhiều nguyên nhân. Suốt một thời gian dài, nhiều chủ đầu tư dự án làm ăn theo kiểu chụp giật, bán nhà trên giấy, thu tiền của khách hàng tại dự án này để đầu tư dự án khác. Kết quả là, hầu hết dự án không đảm bảo tiến độ, chậm bàn giao. Ngoài ra, các chủ đầu tư khi bán hàng thường không minh bạch thông tin về dự án, thậm chí “cài bẫy” khách hàng bằng những điều khoản hợp đồng bất lợi cho khách hàng, làm khách hàng thất vọng và ngày càng mất lòng tin vào chủ đầu tư.
Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét, hiện nay, lòng tin vào lĩnh vực bất động sản đang bị bào mòn. Tất cả các thành phần tham gia thị trường đều nghi ngờ lẫn nhau. Doanh nghiệp chưa tin nhau, ngân hàng không tin doanh nghiệp, người dân hoài nghi về chủ đầu tư… “Việc cần làm ngay bây giờ là phục hồi lòng tin của người dân vào thị trường”, bà Hòa nhấn mạnh.
Cũng cần phải nói thêm rằng, nguồn lực trong dân gian vẫn rất lớn. Đó là lượng kiều hối hơn 10 tỷ USD mỗi năm chảy về Việt Nam, lượng dự trữ vàng trong dân khoảng 40 tỷ USD, cùng nguồn tiền tiết kiệm rất lớn đang gửi trong hệ thống ngân hàng.
Làm gì để khôi phục niềm tin?
Ông Phạm Vũ Hải Anh, Giám đốc marketing Công ty cổ phần Đầu tư Hùng Vương cho biết, tuy thị trường đang rất khó khăn, nhưng trong đợt mở bán mới đây, Dự án Flamingo Đại Lải đã bán được hơn 80% sản phẩm. Điều đó cho thấy, những sản phẩm, dự án tốt, thực hiện tốt cam kết vẫn được khách hàng tin tưởng.
“Giữ được niềm tin với khách hàng, chủ đầu tư cần quan tâm đến thương hiệu, uy tín và thể hiện điều đó bằng chính sản phẩm của mình. Khi đó, khách hàng sẽ tự tìm đến với chủ đầu tư”, ông Hải Anh phân tích.
Còn theo ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trí Tuệ, việc minh bạch hóa bất động sản sẽ là một giải pháp tốt trong thời điểm hiện tại. Theo đó, chủ đầu tư phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, khách hàng và đối tác. Thông tin về nhà thầu, quy mô, phương án huy động vốn phải công khai, phải phù hợp với quy định của pháp luật... Bên cạnh đó, các hợp đồng mua bán nhà cũng cần công khai, chi tiết.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, để lấy lại niềm tin trên thị trường, muốn hay không muốn, bản thân doanh nghiệp phải làm ăn nghiêm túc và chuyên nghiệp. “Các dự án bất động sản, từ chuyện cơ cấu sản phẩm, vị trí, quy mô, giá cả, phải phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người dân. Nếu được như thế, đương nhiên, các ngân hàng sẽ tài trợ vốn, dự án sẽ nhanh chóng hoàn thành và thanh khoản sẽ được cải thiện”, ông Nam nói.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần có cơ quan chính thống đưa ra các dự báo về thị trường bất động sản để doanh nghiệp và người dân có cơ sở nghiên cứu, xem xét đầu tư hoặc mua nhà để ở. Một yếu tố khác là lãi suất cũng chưa thật sự hợp lý và còn bất ổn, khiến người dân có xu hướng chờ đợi và phòng thủ, hơn là mua nhà trong thời điểm này.
Tuy nhiên, để lấy lại niềm tin của khách hàng ở thời điểm này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, còn cần có sự tham gia của Chính phủ. Đó chính là việc tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp, hệ thống tín dụng, xử lý nợ xấu và hàng tồn kho. Chỉ khi nền kinh tế khỏe mạnh trở lại, thì niềm tin của người dân mới thực sự quay trở lại.
Tác giả: Hữu Tuấn