Đa sở hữu đất đai 'sẽ cởi trói được nhiều vấn đề',
Nếu không kịp đưa vào lần sửa đổi này, vấn đề đa dạng hóa sở hữu đất đai vẫn cần phải được tiếp tục xem xét, nghiên cứu mới hy vọng giải quyết được tối đa mâu thuẫn, khiếu kiện và tranh chấp đất đai.
Quan điểm trên được khá nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra tại buổi thảo luận về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hôm 6/11 vừa qua.
Cần có sở hữu tư nhân đất đai
Theo đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội), dự thảo đã thống nhất đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong những năm tới, Đảng, Quốc hội vẫn nên chấp thuận sở hữu tư nhân về đất đai đối với một số trường hợp, vì thực tế hiện nay một số tổ chức, cơ quan được giao đất, sau đó họ gần như định đoạt, toàn quyền trên mảnh đất đó, chuyển nhượng tràn lan, tạo ra bức xúc trong dư luận.
Ông Hùng cho rằng, nếu chưa thể đưa vào sửa đổi lần này, trong thời gian tới, các cơ quan lập pháp vẫn nên tính toán, nghiên cứu hình thức đa sở hữu về đất đai, trong đó có hình thức sở hữu tư nhân đối với đất đai để tránh những tiêu cực phát sinh trong thực tế.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật của Quốc hội) nói, dự thảo luật lần này dù đã khá công phu nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, nhiều quy định vẫn mang tính chung chung, không phù hợp với thực tiễn.
Đối với vấn đề sở hữu, theo đại biểu Thảo, dù Trung ương quyết định vẫn duy trì hình thức sở hữu toàn dân, song theo ý kiến thăm dò thì có đến 48% cơ quan Trung ương và 36% địa phương đề xuất hình thức đa sở hữu về đất đai.
Ngay cả trong tổ tư vấn cho ban sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng đề xuất có hai hình thức là toàn dân và tư nhân, trong đó sở hữu tư nhân là đối với đất ở và đất vườn.
Tuy nhiên, đại biểu này cũng lưu ý, cần tiếp tục nghiên cứu vì nếu đưa vào ngay trong luật lần này sẽ khá phức tạp vì cần phải làm rõ nhiều vấn đề liên quan.
Đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) thì nhìn nhận, hiện nay luật vẫn quy định đất đai sở hữu toàn dân nên dẫn đến tình trạng là người dân sử dụng đất nông nghiệp gặp khó khi quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bởi lẽ, trong khi quy định sở hữu toàn dân, nhưng luật lại cho phép người dân có 7-8 quyền định đoạt kèm theo, trong đó gần như cho phép người dân chuyển đổi, mua bán tự do, nhưng với người có đất nông nghiệp thì lại thiệt thòi hơn rất nhiều.
“Nên có hai hình thức sở hữu đất đai là toàn dân và tư nhân, sẽ cởi trói được nhiều vấn đề. Nếu cứ để toàn dân như hiện nay thì sẽ tạo nên nhiều khiếu kiện, tố cáo”, đại biểu Khiết nói.
Đại biểu Chu Sơn Hà nhìn nhận, hiện luật quy định sở hữu toàn dân, nhưng lại ghi rõ là sử dụng trong 50 năm thì coi như người dân họ có toàn quyền về diện tích đất đó. Điều này cũng đồng nghĩa với chính bản thân người dân có quyền sở hữu trong 50 năm đó. Do vậy, theo đại biểu Hà, vấn đề sở hữu toàn dân chỉ là vấn đề lâu dài.
“Đoàn chúng tôi đi giám sát ở Đại học Quốc gia và khu công nghệ cao Hòa Lạc, đất ở đây đã thu hồi 10 năm nhưng việc sử dụng kém hiệu quả. Đất thu của dân rồi để đấy, dân không được sử dụng, rất là lãng phí. Nó cũng xuất phát từ vấn đề sở hữu mà ra”, đại biểu Hà cho biết.
Không nên thu hồi đất
Ngoài vấn đề sở hữu, một nội dung quan trọng khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận, đó là việc Nhà nước cần tiến hành trưng thu, trưng mua, thay vì tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất như hiện nay.
Đại biểu Lê Trọng Sang (Tp.HCM) cho rằng, nhà nước đã công nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản thì không thể thu hồi khi người dân đang sử dụng hợp pháp. Hiện nay, ai cũng hiểu rằng, nhà nước chỉ thu hồi trong trường hợp ai đó vi phạm, sai trái trong khi sử dụng đất.
Theo đại biểu Sang, Nhà nước chỉ nên áp dụng việc thu hồi đất để sử dụng cho mục đích quốc phòng an ninh và phục vụ lợi ích quốc gia. Trường hợp sử dụng cho mục đích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội phải áp dụng hình thức trưng mua.
Thậm chí, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) cùng một số đại biểu khác đã chỉ ra rằng, quy định nhà nước thu hồi đất “vì lợi ích công cộng và phát triển kinh tế - xã hội” là không phù hợp với Hiến pháp hiện nay. Điều này cho thấy tình trạng lạm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai nói chung và thu hồi đất nói riêng, trong khi luật vẫn khẳng định khá nhiều quyền của người dân với vai trò là một trong những chủ sở hữu đối với đất đai.
Nhiều đại biểu khác cũng khẳng định, nguyên nhân chủ yếu của các vụ khiếu kiện về đất đai là các dự án thu hồi đất không được công khai, minh bạch, người dân không được tham gia bàn bạc. Trong khi đó, tại nhiều dự án, giá đền bù cho dân rất thấp nhưng sau đó bán lại rất cao. Do đó, các đại biểu đề nghị dự luật phải bổ sung cơ chế chia sẻ quyền lợi từ việc thu hồi đất giữa nhà đầu tư với người sử dụng đất bị thu hồi...
“Người dân họ không cần biết đất của họ thu hồi để làm việc gì, nhưng một m2 đất nông nghiệp của họ chỉ được dăm bảy trăm nghìn, trong khi sau khi thu hồi, chuyển đổi, doanh nghiệp bán ra hàng chục triệu đồng, hỏi làm sao họ không khiếu kiện?”, đại biểu Chu Sơn Hà nói.
Liên quan đến việc định giá đất, quy định thời gian áp dụng, nhiều đại biểu cũng thống nhất cho rằng, thay vì Chính phủ đưa ra khung giá đất, nên giao cho các địa phương tự quyết định, bởi hiện giá chuyển nhượng thực tế tại Hà Nội, Tp.HCM và nhiều địa phương khác cao gấp nhiều lần so với khung trần Chính phủ quy định, song khi đưa ra khung cụ thể, các địa phương cũng không dám nâng quá mức trần Chính phủ quy định.
Đối với thời gian áp dụng khung giá, hầu hết đều tán thành khung giá đất phải ổn định lâu dài, ít nhất là từ 5 năm, thay vì công bố hàng năm như hiện nay nhằm tạo sự yên tâm và thu hút các nhà đầu tư.