Ban hành quy định về sử dụng cần trục tháp
Quy định này áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong sử dụng cần trục tháp các loại tại mọi công trường xây dựng trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đối với công trường có sử dụng cần trục tháp, thiết kế tổng mặt bằng công trường xây dựng phải thể hiện giới hạn vùng nguy hiểm vật rơi do việc lắp dựng, nâng hạ, vận hành cần trục. Trên công trường phải có biển báo theo quy định, đồng thời niêm yết sơ đồ tổng mặt bằng công trường xây dựng.
Đối với mặt bằng chật hẹp, ưu tiên sử dụng cần trục leo trong, cần trục có tay cần dạng nâng hạ (cánh tay cần điều chỉnh tầm với bằng cách nâng lên hạ xuống, có đối trọng đặt trên cao hoặc bên dưới nhưng sát với thân tháp đứng).
Ngoài ra, quy định cũng nêu rõ phải đảm bảo an toàn cho khu vực ngoài phạm vi công trường xây dựng trong trường hợp khi vận hành cần trục tháp, vùng nguy hiểm vật rơi vượt ra khỏi phạm vi công trường xây dựng.
Chủ đầu tư công trình tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch vận hành cần trục, trong đó phải xác định rõ các thông tin:
- Thời gian cụ thể mà khi vận hành, vùng nguy hiểm vật rơi do các bộ phận của cần trục và vật tải tạo ra vượt ra khỏi phạm vi công trường xây dựng;
- Phạm vi đường giao thông công cộng, những công trình hạ tầng kỹ thuật (truyền tải điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc…) và các công trình khác nằm trong vùng nguy hiểm vật rơi;
- Biện pháp bảo đảm an toàn cho người, công trình trong vùng nguy hiểm vật rơi ngoài phạm vi công trường xây dựng.
Trên cơ sở kế hoạch đã có, chủ đầu tư phải liên hệ trước với các đơn vị có liên quan nơi có công trình để phối hợp thực hiện các công tác đảm bảo an toàn như ngăn đường giao thông, di dời tạm thời người trong các công trình trong vùng nguy hiểm, tổ chức rào chắn, đặt biển báo, làm mái che bảo vệ trong suốt thời gian vận hành.