Địa ốc nóng với thông tin giải cứu
Các giải pháp cứu địa ốc một lần được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, Tổng công ty Sông Đà lên tiếng về kiến nghị xử lý vi phạm hơn 10.000 tỷ đồng... là tâm điểm của thị trường bất động sản tuần qua.
Trong buổi đăng đàn chất vấn trước Quốc hội ngày 12 và 13/11 vừa qua, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện căn hộ chung cư tồn tổng cộng 16.469 căn; nhà ở thấp tầng tồn hơn 5.000 căn; đất nền tồn tổng cộng là hơn 1,6 triệu m2. Diện tích văn phòng, trung tâm thương mại cũng hơn 25.800 m2. Tổng giá trị tồn kho ước tính khoảng 40.750 tỷ đồng.
Về việc khắc phục thị trường bất động sản, theo ông Dũng, cần có một giải pháp đồng bộ, tổng thể trách nhiệm của các bộ, ngành cùng quan tâm tháo gỡ và nhất là vai trò của các địa phương. Vấn đề này, người đứng đầu Bộ xây dựng khẳng định sẽ làm "quyết liệt".
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành xây dựng, hiện không thể khẳng định được là sẽ tháo gỡ khó khăn tuyệt đối cho thị trường bất động sản vì để tháo gỡ thị trường phải cân đối cung cầu. Cung có nhưng cầu là phải có tiền. "Nền kinh tế của chúng ta đang khó khăn, đang nghèo thì việc để giải quyết một cách triệt để rất khó khăn, cho nên phải từng bước tháo gỡ", ông Dũng khẳng định.
Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong định hướng kinh tế những tháng cuối năm và 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, Chính phủ xác định đây là loại hàng tồn kho đặc biệt, liên quan trực tiếp và đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số nợ xấu.
Để giải quyết, Chính phủ cho biết sẽ mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các ngân hàng liên kết với chủ dự án để cung cấp tín dụng dài hạn cho người có nhu cầu mua nhà để ở.
Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố cũng sẽ tìm nguồn vốn phù hợp để mua lại các khu nhà làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên... “Một số địa phương như TP HCM đã thực hiện giải pháp này và đạt kết quả bước đầu”, Thủ tướng lấy ví dụ.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng sẽ rà soát các dự án đã giao để xác định các công trình phải tạm dừng hoặc phải điều chỉnh, cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch, khuyến khích hạ giá bán để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của nhiều đối tượng dân cư.
Sông Đà trần tình về con số vi phạm 10.676 tỷ đồng
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Sông Đà có những vi phạm về quản lý, sử dụng vốn và tài sản, với tổng giá trị vi phạm lên tới 10.676 tỷ đồng. Những vi phạm điển hình tại đơn vị này là sử dụng quỹ sắp xếp doanh nghiệp sai mục đích, không hạch toán vốn và lợi nhuận của tổng công ty nhà nước khi chuyển thành công ty cổ phần; không tính quỹ dự phòng tổn thất, các khoản tổn thất tài chính. Sông Đà cũng bị kết luận vi phạm đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp vượt vốn điều lệ.
Thông tin từ Tổng công ty Sông Đà phát đi chiều 13/11 cho thấy, Tập đoàn đã tách thành nhiều đơn vị độc lập, và Tổng công ty Sông Đà chỉ là một trong số đó. Trách nhiệm xử lý vi phạm, theo đại diện Tổng công ty, nằm ở nhiều đơn vị khác nhau.
Tập đoàn Công nghiệp và Xây dựng Việt Nam được thành lập từ ngày 12/1/2010 trên cơ sở gồm 6 Tổng công ty là Sông Đà, Lilama, Licogi, Coma, DIC và Sông Hồng, trong đó, Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt. Thời điểm thanh tra chủ yếu rơi vào giai đoạn các tổng công ty còn là doanh nghiệp độc lập, chưa tham gia Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam.
Trong tổng số tiền kiến nghị xử lý 10.676 tỷ đồng, Tổng công ty Sông Đà cho biết mình chỉ chịu trách nhiệm xử lý 3.094 tỷ đồng. Năm tổng công ty còn lại là Lilama, Licogi, Coma, DIC và sông Hồng bị xử lý hơn 7.500 tỷ đồng.
Tổng công ty Sông Đà cũng cho biết đã xử lý xong 2.757 tỷ đồng. Năm Tổng công ty là Lilama, Licogi, Coma, DIC và Sông Hồng cũng đã xử lý được 1.764 tỷ đồng, còn lại 5.818 tỷ đồng.
2,5 tỷ đôla xây dự án Tây Hồ Tây
Ngày 15/11 Công ty TNHH Phát triển T.H.T động thổ khu đô thị mới Tây Hồ Tây (Starlake). Dự án Starlake được xây dựng bằng nguồn vốn của Tập đoàn Daewoo E&C và Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB) có vốn đầu tư lên tới 2,5 tỷ đôla.
Dự án có tổng diện tích 207,6ha thuộc địa phận các phường Xuân La (quận Tây Hồ), Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) và Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm).
Trong đó gần 90 ha dành cho đường giao thông, đường dạo, công viên, cây xanh, hồ điều hòa. Hơn 25 ha của dự án dành cho không gian mở phục vụ hoạt động công ích của Thành phố và xây dựng trụ sở mới các bộ ngành sẽ di dời về đây. 46ha dành cho công trình thương mại, trung tâm tài chính, văn phòng. Khu đất 25ha với quy mô dân số khoảng 25.000 người được quy hoạch là khu chung cư cao tầng, nhà liền kề và biệt thự.
Tác giả: Ngọc Tuyên